Thanh long ruột đỏ là loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác vùng đồi núi, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 12/2012, mô hình sản xuất khảo nghiệm thanh long ruột đỏ chính thức được Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà xây dựng tại xã Ngọc Sơn với quy mô 1 ha nhằm tạo vùng quy hoạch sản xuất tập trung trên địa bàn.
Thanh long ruột đỏ đang dần khẳng định hiệu quả kinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân xã Ngọc Sơn , huyện Thạch Hà. (Ảnh minh họa từ Internet)
Qua 18 tháng xuống giống (tháng 6/2014), mô hình đã cho thu hoạch năm đầu với 4 lứa quả/năm trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10. Bình quân mỗi gốc cho 4-5 quả/lứa, trung bình mỗi quả nặng 0,35 kg. Với 1.100 gốc được xuống giống trên diện tích 1 ha thu lãi 207 triệu đồng/năm.
Anh Lê Đăng Hưng - người sáng lập HTX Hưng Thịnh với 7 thành viên bấy lâu vẫn được mọi người ưu ái gọi tên là “vua thanh long” của đất Ngọc Sơn. Từ 0,5 ha ban đầu, đến nay, mô hình đã được mở rộng diện tích 2 ha tại thôn Trung Tâm. “Thanh long ruột đỏ không chỉ “ăn đứt” các loại cây ăn quả khác về giá trị kinh tế mà còn giảm thời gian chăm sóc. 0,5 ha trong năm đầu thu hoạch mang lại cho người trồng gần 200 triệu đồng. Theo tính toán của tôi, nếu cây sinh trưởng và phát triển tốt, sẽ cho năng suất và giá trị kinh tế tăng dần trong các năm tiếp theo” - anh Hưng chia sẻ.
Nhờ thanh long ruột đỏ, cuộc sống người dân Ngọc Sơn thay đổi rõ nét. Từ thành công của mô hình điểm, người dân đang kì vọng vào các dự án phát triển mô hình thanh long đỏ trong tương lai.
Thích nghi với mọi điều kiện môi trường, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thanh long ruột đỏ được quan tâm trong phát triển kinh tế vườn đồi huyện Thạch Hà.
Tiếp nối những thành công mô hình thanh long ruột đỏ tại Ngọc Sơn, loại cây này đã mở rộng “tầm phủ sóng” ra các vùng lân cận như Thạch Ngọc (0,8 ha), Phù Việt (0,5 ha), Thạch Văn (2 ha), Thạch Khê (2 sào), trở thành điểm nhấn trong lộ trình phát triển kinh tế vườn đồi của địa phương. Vùng trọng điểm Ngọc Sơn chính là điểm tựa vững chắc để loại cây làm giàu này tiếp tục “sinh sôi nảy nở” trên mảnh đất nằm ở phía Tây của huyện.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Bùi Quốc Sơn cho hay: “Thời gian thử nghiệm cho thấy, đây là loại cây mang lại lợi ích kinh tế cao. Chính vì vậy, chúng tôi tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích lên 140 ha tại các xã Ngọc Sơn, Nam Hương, Bắc Sơn, Thạch Xuân trong thời gian tới. Lộ trình tiếp theo, thanh long ruột đỏ mang thương hiệu riêng của Thạch Hà sẽ có cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người”, xuất khẩu sang các nước châu Âu để mở rộng thị trường. Đó cũng là hướng đi tiềm năng, giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng phát triển ổn định, bền vững”.
Theo Thùy Dương/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã