Cây dó trầm được thương lái trả gần trăm triệu nhưng anh Chương vẫn chưa bán |
Để tìm hiểu về giá trị của loài cây bạc tỷ này, chúng tôi vượt rừng lên xã miền núi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), thủ phủ của những cánh rừng bạt ngàn dó trầm soi bóng bên thác nước Amaca hùng vĩ.
"Vàng" mọc trên ngàn
Cây dó trầm do người Phúc Trạch phát hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến nay thì người người trồng dó, nhà nhà trồng dó, nhà ít nhất ở đây cũng có vài ba trăm cây, nhà nhiều từ 3-4 vạn cây. Có dó là có tất cả. Những khi "trái gió trở trời" ốm đau, hoạn nạn hay có việc đột xuất chỉ cần cú điện thoại sau mấy phút thương lái có mặt ngay tại vườn, gia chủ cần bao nhiêu tiền mặt là có bấy nhiêu, miễn là trong vườn có dó trầm bất kỳ cây to hay nhỏ.
Ông Phan Văn Việt, xóm 10, Phúc Trạch kể cho tôi nghe về xuất xứ của loài cây giá trị bạc tỷ này: "Những năm 80, Phúc Trạch xuất hiện một tốp người từ Huế, Phú Khánh (nay là Phú Yên, Khánh Hòa) ra xin lưu lại trong làng, họ mang theo cả những tấm hình về một loài cây (dó trầm) và treo giải thưởng, nếu đi rừng ai phát hiện ra loài cây này, bổ ra trong thân có thỏi dầu hình bắp chuối, màu đen nâu sẽ được trả bạc triệu. Dân Nghệ - Tĩnh thời bấy giờ nói đến bạc triệu là tóc gáy dựng đứng lên rồi. Thế là già trẻ, gái trai đều kéo nhau lên rừng tìm cho bằng được loài cây trong ảnh".
Cũng theo ông Việt, thời đó người ta phát hiện ra cả rừng dó trầm ngay trong khu vực rừng Hương Lâm, Hương Liên, sang đến cả các rừng Vũ Quang, Hương Sơn. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã gọi eo dốc 7 tầng, Rào Mắc, Sơn Kim I (Hương Sơn) là eo gió, bởi lên khỏi dốc 7 tầng xuất hiện loài cây dó trầm ngun ngút sang đến cả rừng Lào.
Thế nhưng chẳng được bao lâu, loài cây này đều bị đốn hạ để lấy trầm, trong đó có những cây dầu trầm nhiều đến mức đen kín cả cây, còn lại vô số cây không phát hiện được trầm nên người dân đốn hạ xong lại bỏ đi. Thương lái thấy vậy lại thu gom cho lên ô tô chở vào phía Nam, họ cho là đưa về để tận dụng lấy gỗ. Người dân Phúc Trạch mới đặt câu hỏi, tại sao lại thế? Thế rồi một số người phát hiện ra mới biết họ đưa về soi lấy trầm hương, lúc đó người Phúc Trạch mới vỡ lẽ, trong những cây dó trầm bị đốn hạ cây nào cũng có trầm, cây nhiều, cây ít mà thôi.
Nhờ vườn ươm cây giống dó trầm mà người dân Phúc Trạch có của ăn của để
Người đi khai thác cây dó trầm thời đó đông như đi chiến dịch không có tổ chức, vì thế họ đua nhau chặt hết rừng Việt Nam, lấn sang hết cả rừng Lào, hễ đâu đó có cây dó là ở đó bị khai thác triệt để, vì thế tài nguyên rừng bị ảnh hưởng rất lớn. Và loài tài nguyên quý hiếm này đã dần cạn kiệt.
Từ khai thác đến trồng dó
Sau "cấm vận", toàn bộ thương lái cũng như dân làm trầm co cụm, lén lút khai thác trái phép những cây dó trầm còn sót lại, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn cây gió trầm trên rừng cũng hết, buộc con người phải tư duy để làm sao ươm mầm được loài cây rừng quý hiếm này. Và từ tư duy đó, người Phúc Trạch đã vượt rừng sang Lào gom nhặt từng hạt cây dó trầm rơi rụng, tìm đào những cây con giữa rừng về trồng, ươm thử hạt giống. Bước đầu do chưa am hiểu về kỹ thuật gieo trồng nên thành công thì ít, thất bại thì nhiều.
Từ thất bại mới đi đến thành công nên chỉ sau một thời gian Phúc Trạch trở thành làng cung ứng giống dó trầm. Khi biết được tin này, nông dân các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Khánh Hòa đổ xô nhau về Phúc Trạch để mua cho bằng được một ít cây về trồng, hy vọng sẽ được đổi đời từ loài cây quý hiếm này kể cả xuất bán sang Lào, Thái Lan.
Một chủ gia trại cho hay, năm đầu SX ra bán giá từ 5-6 ngàn đồng/bầu, đã hơn chục năm nay cây giống SX ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và giá bán không hề thay đổi bởi bà con trong làng cam kết với nhau phải luôn "bình ổn giá". Nhiều gia đình như gia đình anh Lê Văn Vinh, xóm 1; Nguyễn Tiến Chương, xóm 11; Nguyễn Văn Lâm, xóm 8... mỗi gia đình bình quân thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm từ nguồn lợi ươm bán cây giống.
Gia đình anh Lâm chuẩn bị xuất lô hàng tiền tỷ
Để chứng minh kỳ tích, người Phúc Trạch tạo dựng được bạt ngàn cây dó trầm giá trị khủng này, chúng tôi tìm đến vườn rừng của tỷ phú Lê Văn Vinh. Dưới chân núi Lò Rèn, bên thác nước Amaca, chị Trần Thị Xuân (vợ anh Vinh) cùng chúng tôi đi dưới những cánh rừng dó trầm, cứ ngỡ như đi trong những khu rừng nguyên sinh nào đó.
Cả đoàn nghỉ chân bên đồi cây hơn 10 năm tuổi, chị Xuân kể: Sau hàng chục năm "lái trầm", đến giữa những năm 90, vợ chồng tôi tranh thủ vào rừng thu mua hạt giống do người dân hái lượm mang về đóng thành bầu, mỗi bầu mỗi hạt, phát triển ra hàng vạn cây con. Biết nhà tôi SX được giống cây quý hiếm này, mấy anh bộ đội làm kinh tế Quân khu 4 ở Lào tìm đến mua cả mấy chuyến ô tô chở sang Lào trồng.
Học cách làm của bộ đội QK4, vợ chồng tôi vội vã đi thuê 14 ha, đất lâm nghiệp để đầu tư trồng dó đại trà. Năm đầu (2002) trồng thử 2.500 cây, quá trình chăm sóc thấy cây ngày một phát triển tươi tốt nên những năm tiếp theo chúng tôi mở rộng đầu tư, cho đến nay toàn bộ diện tích 14 ha đã phủ kín gần 4 vạn cây dó".
Theo nhẩm tính của chị Xuân, giá trị hiện tại cả rừng dó nếu bán ra cũng thu về trên trăm tỷ đồng. Trong lúc đó tổng mức đầu tư cho đến nay chỉ hết trên dưới chục tỷ.
Dó lên ngôi
Làm việc với bà Trần Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch được biết, dó trầm đang là cây trồng chủ lực, đưa lại hiệu quả kinh tế cao gấp bội so với các cây trồng nông nghiệp khác, bởi sản phẩm này bán rất chạy cả về cây giống và cây thương phẩm. Nhiều gia đình trong xã thu nhập đạt hàng chục tỷ đồng từ cây dó. Vì thế, xã đang đề nghị cấp trên công nhận dó trầm là cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu để loài cây này vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.
Cũng theo bà chủ tịch xã, hầu như 100% hộ dân trong xã đều tham gia trồng dó trầm, một số hộ có hàng trăm cây gió từ đời cha ông để lại, thương lái trả giá mỗi cây vài ba trăm triệu đồng vẫn chưa bán. Nhờ cây dó trầm lên ngôi mà hầu hết dân Phúc Trạch đều có của ăn của để, con cái được đi ra học hành tới nơi tới chốn, tạo việc làm ổn định, năng lực gia đình khá giả. Vì thế năm 2013 xã cơ cấu phát triển thêm 15 ha diện tích dó trầm.
Qua lời giới thiệu của bà Chủ tịch, chúng tôi tìm đến gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm, chị Hoàng Thị Hiền ở xóm 8, chuyên khai thác, chế tác các sản phẩm từ cây trầm hương cho các thương lái ở Khánh Hòa, TPHCM. Khi chúng tôi đến, từ trong nhà ra ngoài sân cả tốp nghệ nhân đang say sưa, miệt mài tạo dáng các sản phẩm từ những khúc gỗ cây dó cắt ra, những nghệ nhân này đã soi thành những thỏi trầm đủ các loài hình trông thật công phu, điêu luyện.
Gia chủ Hoàng Thị Hiền nâng khối trầm hương đã được chế tác thành phẩm, trông nguy nga giống như một cung điện thu nhỏ, màu sắc đen sẩm, màu đen của cả khối trầm hương, mùi hương thơm dịu. Cũng theo chủ nhà, khối chế tác này có giá đặt cược hơn 50 triệu đồng, và rất nhiều mẫu hình khác được các nghệ nhân chế tác ra như: Trai mồ côi, trai kết cọng thuộc hàng loại 3, 4, còn hàng nhất lầu (hàng đặc biệt) giá gốc hiện tại trên dưới 1,2 tỷ đ/kg...
Cần một chủ trương
Một thương lái từ TPHCM ra nằm vùng ở Phúc Trạch đang chực sẵn để mua lô hàng này nói: Tôi đã đeo đuổi nghề buôn trầm hương hơn 25 năm nay, tôi thấy sản phẩm trầm hương bất kỳ thời điểm nào cũng tiêu thụ được, thậm chí nhiều lúc cháy hàng.
Tôi hỏi: Thế sản phẩm xuất bán ra cho những nước nào? Thương lái trả lời: Chúng tôi chỉ biết giao hàng trong nước cho các đầu nậu lớn, còn xuất ra các nước chủ yếu đi đường tiểu ngạch, chứ chưa hề xuất theo đường chính ngạch. Vì thế, tôi chỉ biết được một vài nước "ăn" hàng này như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore...thôi. Còn giá trị sử dụng của trầm hương cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa hề hay biết nhưng chỉ biết đây là mặt hàng tiêu thụ giá trị kinh tế cao ngất ngưởng, có bao nhiêu cũng hết.
Rời xứ sở loài cây trồng ngàn tỷ, tôi băn khoăn tự hỏi, tại sao ở nơi này lại xuất hiện một loài cây quý hiếm nhưng chưa hề được bất kỳ một cơ quan chức năng nào quan tâm tới, để bảo hộ giúp dân phát triển đại trà và tạo ra thương hiệu Trầm hương Hà Tĩnh, nói cho đúng trầm hương là sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cao cấp.
Và tôi nuôi hy vọng, Hà Tĩnh đang là tỉnh nghèo nếu tập trung đầu tư để nhân rộng ra để có được nhiều xã như Phúc Trạch thì chắc chắn nông dân sẽ giàu lên, đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách.
+ Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê: Mặc dù chưa có văn bản nào khẳng định hiệu quả kinh tế của cây dó trầm, nhưng tại Hương Khê, gần chục năm qua hàng nghìn hộ nhờ trồng cây dó trầm mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điều này thể hiện sự thích nghi của cây dó trầm với vùng đất Hương Khê mà cụ thể là xã Phúc Trạch. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT, tỉnh sớm vào cuộc, xác định hiệu quả của cây dó trầm để huyện có định hướng chỉ đạo phát triển. + Ông Đặng Bá Thức, Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT Lâm nghiệp Hà Tĩnh: Hà Tĩnh có trên 3.000 ha cây dó trầm độ tuổi từ 5 - 25 năm. Để cây dó đạt năng suất, chất lượng cao, một số nông dân Phúc Trạch đã mạnh dạn sử dụng chế phẩm VSV của Cty Lâm viên tạo trầm trên thân cây dó. Sau 5 năm thử nghiệm đến nay cho kết quả bất ngờ. Tới đây Hội sẽ phối hợp với Cty Lâm viên tổ chức hội thảo để nhân rộng vùng tạo trầm đại trà... |
Anh Bình
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã