Gia đình chị Ngô Thị Duyên (xã Kỳ Phong) ủ rác làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
Theo số liệu từ UBND huyện Kỳ Anh, cuối năm 2019, toàn huyện có 31.071 hộ, mỗi ngày thải ra môi trường trung bình 2kg rác, tương đương với khoảng 62 tấn/ngày, khoảng 22.320 tấn/năm.
Để thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý, hằng năm ngân sách của huyện phải bỏ ra khoảng trên 7 tỉ đồng.
Trước thực trạng đó, để giảm chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó công tác phân loại, xử lý rác tại nguồn được đặt lên hàng đầu.
Tại xã Kỳ Khang mỗi gia đình đều xây những hố ủ rác hữu cơ nhằm giảm tải khối lượng rác đến các nhà máy, tiết kiệm chi phí xử lý.
Tìm về thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong – một trong những thôn đi đầu trong việc vận động người dân phân loại rác tại nguồn, đi trên những con đường làng sạch sẽ, thẳng tắp, ông Nguyễn Tiến Ngôn – Bí thư Chi bộ thôn không giấu niềm tự hào: “Để có những tuyến đường sạch sẽ, xanh mát như thế này là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể lãnh đạo cùng với bà con nhân dân thôn Đông Sơn.
Lúc đầu bà con còn lúng túng về việc phân loại rác, chúng tôi cắt cử người xuống tận từng nhà để “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Đến nay, hầu như nhà nào cũng nghiêm túc thực hiện, bà con còn xây thêm hố ủ rác hữu cơ để sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Ông Nguyễn Tiến Ngôn - Bí thư Chi bộ thôn Đông Sơn trao đổi về việc phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Bà Hồ Thị Chính (65 tuổi, thôn Đông Sơn) cho biết: Ngày trước người dân chúng tôi có thói quen gom tất cả rác lại đem bỏ trước nhà để chờ xe tới thu gom hoặc đem vứt ở các góc đường, bờ ao.
Từ ngày được tham gia các buổi tập huấn phân loại rác, gia đình tôi đã xây 2 hố ủ để tái chế rác thành phân bón cho cây trồng. Còn những loại khó phân hủy thì đem bỏ vào một thùng riêng.
Rác hữu cơ sau khi được ủ với men vi sinh tạo ra một loại phân rất tốt cho cây trồng.
Bà Dương Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Trước thực tế rác thải ngày càng nhiều, đi cùng với đó là chi phí ngân sách cho việc thu gom, xử lý quá lớn nên thời gian qua chúng tôi đã tích cực tổ chức nhiều buổi tập huấn cho cán bộ, người dân hiểu được lợi ích từ việc phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, huyện Kỳ Anh đã có hơn 15.000/31.071 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn."
Rác được phân loại ngay tại các hộ dân
Theo số liệu từ UBND huyện Kỳ Anh, 6 tháng đầu năm 2020, lượng rác thải thải ra tại huyện Kỳ Anh khoảng 4.000 tấn; chi phí cho vận chuyển, thu gom, xử lý rác chiếm nguồn ngân sách của huyện hơn 1,4 tỉ đồng. So sánh trước và sau khi triển khai phân loại rác tại nguồn, số lượng rác thải ra môi trường giảm khoảng 1/3 cùng, nguồn ngân sách giảm xuống khoảng 1 tỉ đồng.
“Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền vận động các tổ chức, người dân nhận thức rõ việc phân loại rác tại nguồn là hoạt động hữu ích, có ý nghĩa thiết thực thì đi cùng với đó là cắt cử cán bộ xuống tận cơ sở để “cầm tay chỉ việc” cho bà con cách phân loại rác, cách sử dụng các chế phẩm vi sinh để đạt hiệu quả cao nhất; phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có 80% số hộ dân trên địa bàn tham gia phân loại rác tại nguồn”, bà Vân Anh nói.
Theo Hà Vũ/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã