Sản xuất là chủ lực
Đường vào trung tâm thị trấn Đức Thọ rực rỡ cờ hoa chào mừng đại hội Đảng các cấp
Trong không khí rực rõ cờ hoa chào mừng đại hội Đảng các cấp, người dân trên quê hương Tổng Bí thư Trần Phú càng thêm phấn khởi, tự hào khi thành quả 10 năm xây dựng NTM do chính mình xây đắp được ghi nhận, đề xuất công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho biết: Với niềm tự hào là miền quê cách mạng, quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành động lực để các thế hệ người dân Đức Thọ không ngừng nỗ lực, vươn lên học tập và xây dựng quê hương, xây dựng NTM.
Đến cuối 2019, Đức Thọ có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Đức Thọ đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến cuối tháng 5/2020, Đức Thọ được các sở, ngành thẩm định hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, và tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, xác định mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”, trong sốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 9 tiêu chí huyện NTM, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đức Thọ đã tập trung cao vào 2 tiêu chí: Sản xuất (tiêu chí số 6) và Văn hóa (tiêu chí số 5).
Đức Thọ xác định mũi đột phát trong sản xuất đó là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ cấu một loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao.
Là huyện thuần nông, độc canh cây lúa, Đức Thọ xác định mũi đột phát trong sản xuất đó là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ cấu một loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.200 ha lúa, cơ cấu thành 35 cánh đồng lớn và 350ha sản xuất lúa giống. Nhiều diện tích lúa chất lượng cao ở các xã: Lâm Trung Thủy, Tân Dân, Bùi La Nhân được liên kết sản xuất – tiêu thụ với doanh nghiệp, mang lại giá trị gia tăng cao trên đơn vị diện tích.
Cùng với chú trọng phát triển diện tích, chất lượng lúa ở vùng đồng bằng, Đức Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với quy hoạch vùng sản xuất tập trung các sản phẩm hàng hóa chủ lực như: Vùng Trà Sơn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi (cây cam, bưởi) kết hợp với chăn nuôi bò, lợn; vùng ngoài đê sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao liên kết với doanh nghiệp; vùng trũng ven sông phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bán thâm canh và thâm canh.
Đại biểu tỉnh, huyện tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Đức Thọ tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM (năm 2019)
Đến nay, toàn huyện có 507 mô hình nông nghiệp doanh thu từ 300 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 74 mô hình lớn doanh thu trên 1 tỷ đồng/ năm, 104 mô hình vừa doanh thu từ 500 đến 1 tỷ đồng…; có 85 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện.
Từ định hướng hiệu quả, lấy phát triển nông nghiệp là chủ lực gắn với hoạt động thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn ở Đức Thọ là 37,71 triệu đồng (tăng 2,81 lần so với năm 2010). Dự ước năm 2020 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn huyện đạt 41,52 triệu đồng/năm và không có xã nào đạt dưới mức quy định 36 triệu đồng/người/năm.
Một góc Cụm Công nghiệp Thái Yên chuyên sản xuất, kinh doanh đồ mộc của làng nghề mộc nổi tiếng Thái Yên. Đây là mô hình kiểu mẫu đầu tiên của Hà Tĩnh về xã hội hóa đầu tư cụm công nghiệp gắn với phát triển làng nghề truyền thống.
Văn hóa là cốt lõi
“Muốn phát triển bền vững phải coi văn hóa là yếu tố cốt lõi, phải xây dựng được nét văn hóa, con người văn hóa nông thôn mới. Đó là làng quê yên bình, môi trường xanh, sạch đẹp, mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng thôn xóm bền chặt. Người dân có ý thức cao trong việc xây dựng nếp sống văn hoá mới, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá truyền thống…Những nội dung này, ở Đức Thọ đã và đang được xây dựng, thực hiện ngày càng rõ nét” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Công Hàm khẳng định.
Làng quê yên bình, môi trường xanh, sạch đẹp hiện rõ ở nhiều làng quê Đức Thọ
Bộ mặt nông thôn Đức Thọ sau chặng đường xây dựng NTM không chỉ là cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi phát triển mà hơn hết đó là những miền quê thanh bình, giàu bản sắc văn hóa.
Đó là những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: họ Lê, họ Phan, họ Hà... Nhiều làng có truyền thống đỗ đạt như: Đông Thái, Yên Hồ, Bùi Xá, Trung Lễ… được duy trì, tiếp nối đến thế hệ hôm nay.
Làng khoa bảng Đông Thái, xã Tùng Ảnh
Phát huy truyền thống văn hóa, Đức Thọ xây dựng NTM từ nền tảng, giá trị văn hóa của chính mình. Đến nay, toàn huyện có 154/155 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt tỷ lệ 99,3%); 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có 310 câu lạc bộ văn hóa - thể thao cấp thôn, 56 câu lạc bộ văn hóa - thể thao cấp xã; 5 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (Trường Sơn, Tùng Ảnh, Yên Hồ, Trung Lễ, Đức Yên).
Hiện nay trên địa bàn Đức Thọ có 28 câu lạc bộ dân ca ví, giặm cấp xã và 150 câu lạc bộ, đội văn nghệ cấp thôn hoạt động thường xuyên.
Đánh giá về kết quả xây dựng NTM của Đức Thọ, Chánh Văn phòng NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng, NTM ở Đức Thọ chưa phải là những công trình hạ tầng hiện đại, những mô hình sản xuất qui mô lớn, nổi bật so với cả nước.
Tuy nhiên, NTM Đức Thọ là những miền quê yên bình, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đặc biệt là nét văn hóa, sự hiếu học trong mỗi người dân... Đây chính là nguồn lực to lớn để Đức Thọ tự tin trên hành trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM một cách bền vững.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã