Mối nguy hại khó nhận biết Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm, nông dân Bình Định sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV, hàng nghìn tấn phân bón hóa học các loại phục vụ cây trồng. Trong số này có không ít loại lâu phân hủy, tồn đọng và lan tỏa trong môi trường (đất, nước, không khí), gây độc hại cho người và gia súc. Cụ thể, trong nguyên liệu sản xuất lân có chứa 3% Flo. Khoảng 50-60% lượng Flo này nằm lại trong đất và sẽ làm ô nhiễm đất khi hàm lượng của đạt tới 10mg/kg. Khi bón phân urê cho cây trồng, cây chỉ sử dụng khoảng 40-60%, số còn lại bốc hơi hoặc lưu giữ trong đất. Sự biến đổi đạm thành nitrat nếu tồn dư trong nông sản ở mức độ cao có thể gây ung thư. Mặt khác, nitrat lưu lại trong đất làm chất lượng nước giảm. Urê bốc hơi trong không khí, khí NH3 sẽ làm ô nhiễm môi trường, khí NO2 làm phá vỡ tầng ôzôn (NO2 sản sinh ra từ phân bón đến 15%), NH4 sẽ chuyển sang NO3 (tồn dư trong rau rất cao) do sử dụng liều lượng và tỷ lệ phân đạm không đúng quy định. Có vùng trồng rau xanh còn sử dụng nguồn nước tưới có hàm lượng NO3 hòa tan cao (nước thải công nghiệp) để tưới cho cây trồng. Tăng cường kiểm soát Để ngành chức năng, doanh nghiệp và nông dân nâng cao nhận thức, tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm soát dư lượng hóa chất trong nông sản hiệu quả, Bình Định đã triển khai thực hiện Tiểu hợp phần giám sát và kiểm soát dư lượng hóa chất trên rau xanh thuộc Hợp phần tăng cường công nghệ nông nghiệp thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định cho biết: “Năm 2012, dự án đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để lấy mẫu các loại rau, củ, quả tại các chợ đầu mối, làng rau tập trung trong tỉnh nhằm phân tích dư lượng thuốc BVTV. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp kiểm tra dư lượng hóa chất trên rau xanh: Chọn hộ sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp mua sản phẩm và tổ chức thành nhóm hộ, khoảng 5 hộ/nhóm. Hỗ trợ mỗi nhóm 1 bộ dụng cụ GT-Testkit và thuốc thử để phân tích hóa chất BVTV. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật phân tích và tập hợp kết quả phân tích của các nhóm, báo cáo định kỳ về Chi cục sau từng đợt phân tích để kiểm tra và có biện pháp khuyến cáo đối với người sản xuất, người tiêu dùng”. Ngoài ra, Ban quản lý dự án còn hỗ trợ giám sát việc sản xuất tại trang trại và chợ buôn bán nông sản ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã An Nhơn, TP.Quy Nhơn. Chọn một số loại rau, củ, quả phù hợp, khả năng tồn dư thuốc BVTV, lượng tiêu thụ trên thị trường lớn như: cải xanh, rau má, rau muống, rau mồng tơi, dưa leo, khổ qua, ớt, rau ngót… để thử mẫu, phân tích hàm lượng hóa chất độc hại. Tiến hành in ấn tài liệu giới thiệu danh mục hóa chất không được phép sử dụng hoặc đặc biệt nguy hại. Nhờ vậy, đã kịp thời phát hiện nhiều mẫu rau xanh có hàm lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép, khuyến cáo người sản xuất, người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn…
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã