Cuộc CMCN 4.0 đang tác động nhanh chóng và ngày càng mạnh mẽ đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược quốc gia để chủ động tham gia có hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp có tính đột phá này. Tại Việt Nam, Bộ Chính trị Khóa XII đã nêu rõ nhiệm vụ sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 trong đó xác định rõ quan điểm: “Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc CMCN 4.0, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.
Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh”.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Sau hơn một năm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, kết quả thu được là tích cực, đã có những đóng góp quan trọng bước đầu vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, thực tiễn cho thấy, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCM 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.
Cách mạng công nghiệp mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, tại Hà Nội cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc gia nhập đầy đủ và mạnh mẽ “cuộc chơi” công nghệ mang tên CMCN 4.0 này.
Thủ tướng khẳng định, các công nghệ mới của CMCN 4.0 đã bước đầu phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhận xét: Việt Nam còn chưa bắt kịp với xu thế và bản chất của cuộc cách mạng này.
Vì thế, để khai thác những cơ hội của cuộc CMCN 4.0, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể và cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là “Không”. Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 và không để trôi qua. Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0” -Thủ tướng nêu rõ.
Nhìn lại thời gian qua, Việt Nam cũng có những bước phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của CMCN 4.0. Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh cũng cho biết: Theo báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt nền sản xuất. Đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam dù vẫn ở nhóm sơ khởi nhưng khá gần với nhóm tiềm năng cao. Nói thế có nghĩa, Việt Nam đã có nền tảng và giờ là lúc phát huy cái nền tảng ấy để phát triển hơn lên hay nói như Thủ tướng là nắm lấy cơ hội để nhanh chóng bước lên chuyến tàu 4.0. Lỡ nhịp hôm nay, chúng ta sẽ tự tụt lại phía sau và có thể không bắt kịp vào với tiến trình phát triển của thế giới.
Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là “Không”. Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 và không để trôi qua. Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0 - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. |
Hoàng Mai/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã