Quyết tâm cao
TP. Hà Nội hiện có khoảng 4 triệu dân sống ở nông thôn, trong khi đất sản xuất lúa hàng năm chỉ có trên 200.000ha và diện tích này đang ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh. Do đó, vụ xuân năm 2011, TP. Hà Nội triển khai mô hình CGH đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong sản xuất lúa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từng bước cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Mô hình được triển khai tại các xã Mai Đình (Sóc Sơn), Phú Phương (Ba Vì), Đa Tốn (Gia Lâm) và Thụy Hương (Chương Mỹ), với tổng diện tích hơn 400ha.
Trình diễn máy cấy tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc đưa CGH vào đồng ruộng và tổ chức liên kết dịch vụ góp phần giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp để chuyển bớt sang các ngành nghề, dịch vụ khác, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân theo đúng chủ trương của chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Ngoài ra, đây cũng là cơ sở cho việc hình thành tập quán sản xuất mới năng động, hiện đại ở các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dần xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún mà vẫn không thay đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, kết quả của mô hình liên kết đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp năm 2011 cho thấy, CGH không những góp phần giảm chi phí sản xuất đến 20% (tức khoảng 6 triệu đồng/ha) mà còn tăng năng suất so với các thửa ruộng sản xuất theo phương thức truyền thống từ 15 - 20%.
Ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, nơi triển khai thí điểm mô hình CGH đồng bộ nhận định, CGH chính là "chìa khóa" để giải phóng sức lao động của nông dân, giúp bà con có nhiều thời gian để làm các nghề phụ, tạo thêm thu nhập.
Với những thành công đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn ở những xã có đủ điều kiện triển khai việc đưa cơ giới vào đồng ruộng trong năm 2012 và những năm tới, nhất là ở những xã đang thực hiện chương trình XDNTM.
Theo đó, vụ xuân 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đưa CGH đồng bộ vào sản xuất lúa tại các cánh đồng có diện tích lớn như cánh đồng 50ha ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai); cánh đồng 24ha ở xã Đại Áng (Thanh Trì) và cánh đồng 28ha ở xã An Mỹ (Mỹ Đức)… Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với huyện Thanh Trì liên kết với Công ty TNHH một thành viên Công nông nghiệp Hà Nội thực hiện mô hình đưa CGH đồng bộ vào sản xuất lúa trên diện tích 24ha ở cánh đồng khu Thượng Đoạn. Tham gia ký hợp đồng thực hiện mô hình là hơn 400 hộ dân, trong đó phía công ty cam kết hỗ trợ dịch vụ từ khâu làm đất, cấp giống, gieo mạ, chăm sóc…, do vậy, nông dân rất thuận lợi khi triển khai gieo cấy vụ xuân.
Đặc biệt, với quyết tâm đẩy mạnh CGH sản xuất nông nghiệp, UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Phát triển CGH nông nghiệp TP. Hà Nội giai đoạn 2012-2016, định hướng đến năm 2020". Cụ thể, thành phố dành 1.432,261 tỷ đồng cho đề án với mục tiêu tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Xu hướng tất yếu
Ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội nhấn mạnh, CGH là xu hướng tất yếu để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội. Theo đó, chương trình sẽ dành nguồn kinh phí hỗ trợ không nhỏ để mua máy nông nghiệp cho người dân, bao gồm máy cấy, máy làm đất, máy sấy và một số loại máy khác. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chương trình, cần sự chung tay của các doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết: "Đề án CGH nông nghiệp giai đoạn 2011-2016 của Hà Nội sẽ đẩy mạnh CGH ở khâu làm đất, phấn đấu đạt 90-95% diện tích; khâu gieo cấy đạt 40-45%; khâu thu hoạch đạt 45-50%. Hiện, toàn thành phố có 6.664 máy làm đất các loại, 334 máy gặt đập liên hợp… Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp khá manh mún, nhỏ lẻ, đa số các hộ có từ 4 - 5 ô thửa, địa hình không bằng phẳng, nông dân vẫn canh tác theo lối truyền thống nên việc đưa CGH vào sản xuất còn chậm.
Xác định điều kiện để tiến hành CGH thành công là dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống thủy lợi, tăng cường liên kết 4 nhà…, TP. Hà Nội đã triển khai kế hoạch dồn điền đổi thửa ở 19 huyện, thị xã, phấn đấu trong 2 năm 2012 - 2013, thành phố dồn điền đổi thửa được 41.227,5ha, trong đó riêng năm 2012 là 19.000ha, tạo bước đột phá cho việc áp dụng CGH đồng bộ. Hiện, nhiều huyện như Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ… đã xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai DĐĐT khá hiệu quả, đạt 50 - 70% diện tích trong năm 2012 này.
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có hơn 300 máy gặt đập liên hợp các loại. |
"Thời gian tới, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình CGH để nhân rộng cũng như có kế hoạch và bước đi phù hợp với từng vùng. Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đề nghị lãnh đạo thành phố sớm ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, XDNTM; các công ty cung ứng máy nông nghiệp cần tiếp tục liên kết với nông dân", ông Vân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND thành phố cho rằng, Hà Nội đang có tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động nông thôn hiện nay chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, do đó, những năm gần đây, nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện ven đô thường phải thuê nhân công cấy, gặt với giá khá cao, từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày công. Bởi vậy, CGH là mục tiêu vô cùng quan trọng nhằm đổi mới bộ mặt nông thôn Thủ đô.
Để làm được điều đó, ông Việt yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá lại hiện trạng CGH trong nông nghiệp trên địa bàn; việc xây dựng, triển khai đề án CGH phải dựa trên Nghị quyết 04 của HĐND thành phố và Quyết định 16 của UBND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016.
Đặc biệt, để triển khai đề án hiệu quả, cần gắn với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi tập trung. Ông Việt cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố tập trung xây dựng các mô hình CGH đồng bộ, trong đó năm 2012 triển khai 19 mô hình điểm, ưu tiên cho sản xuất lúa và các xã điểm XDNTM. Sang năm 2013 sẽ thí điểm trong chăn nuôi và những năm tiếp theo áp dụng trên bò sữa, rau.
Được biết, nhằm hỗ trợ, khuyến khích các địa phương phát triển nông nghiệp, ngoài cơ chế đẩy mạnh CGH vào sản xuất như hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân trong 3 năm đầu tiên để mua các loại máy làm đất, gieo cấy, gặt đập liên hợp, xây dựng kho bảo quản, đồng thời hỗ trợ mỗi xã 1 triệu đồng/ha chi phí cho dồn điền đổi thửa, TP. Hà Nội còn có những giải pháp cụ thể khác. Ví dụ, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân và hợp tác xã, thành phố giao Sở Nông nghiệp và PTNT ký văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT lo đủ nguồn vốn vay mua máy móc nông nghiệp phục vụ chương trình CGH.
Phú Xuyên và Chương Mỹ đã lập kế hoạch mỗi huyện mua từ 70 - 80 máy cấy, máy gặt đập liên hợp ngay trong năm 2012. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã xây dựng 45 mô hình trình diễn đưa các loại máy cấy, gặt đập và đưa 3.000 giàn sạ lúa kéo tay theo hàng vào sản xuất để góp phần đẩy nhanh tốc độ CGH nông nghiệp. |
Trâm Anh
Ngày 19/11/2012 - Theo Tư vấn nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã