Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước với sản lượng ngày một tăng mạnh. Với hơn 1,8 triệu ha đất lúa, làm 2-3 vụ hàng năm. Năm 2012 sản lượng lúa đạt mức cao kỷ lục 24, 5 triệu tấn, trong đó có những thời điểm mùa vụ cực kỳ căng thẳng do phải né rầy, né lũ, né khủng hoảng mặn và phèn.Thêm nữa, lực lượng lao động nông thôn vùng ĐBSCL lại đang sụt giảm mạnh do tham gia vào thị trường lao động ở các thành phố lớn. Sản xuất lúa vùng ĐBSCL đang ngày một gia tăng sức ép do thiếu lao động. Cơ giới hóa SX lúa thực sự trở thành nhu cầu bức xúc, khách quan cho việc SX lúa ở ĐBSCL đặc biệt trong 10 năm trở lại đây.
Thống kê của Bộ NN& PTNT cho thấy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất vùng ĐBSCL đã góp phần đưa năng suất lúa từ 4,3 tấn/ha (2001), tăng lên 5,78 tấn/ha (2012), cùng thời gian đó, sản lượng từ 16 triệu tấn tăng lên 24,5 triệu tấn. Rõ ràng cơ giới hóa trong SX lúa đã đóng góp đáng kể vào việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL. Theo Cục trồng trọt, cơ giới hóa khâu thu hoạch đã làm giảm được khoảng 50% chi phí so với thu hoạch thủ công. Mặt khác nếu thu hoạch thủ công tỷ lệ hao hụt sẽ từ 5 đến 8%, còn thu hoạch bằng máy cao lắm chỉ 3%, tức 10 tấn lúa nếu cắt bằng máy nông dân sẽ có thêm 200 - 500 kg lúa.
Tại Đồng Tháp, năm 2012 máy gặt đập liên hợp và lò sấy phát triển mạnh, cụ thể: máy gặt đập liên hợp tăng 374 máy so năm 2011 (tỷ lệ 24,77%) và tăng 570 máy so năm 2010 (tỷ lệ 37, 75%); lò sấy tăng 190 lò so năm 2011 (tỷ lệ 21,25%) và tăng 316 lò so năm 2010 (tỷ lệ 35,35%). Đến cuối năm 2012 số lượng máy nông nghiệp trong toàn tỉnh: máy gặt đập liên hợp 1.539 máy, máy cắt xếp dãy 757 máy, lò sấy 901 lò, máy xới tay 3.811 máy, máy cày 2.067 máy, công cụ sạ hàng 12.313 cái, máy gom suốt 13 máy, máy đập liên hợp đậu nành 1 máy, máy tách hạt bắp có vỏ 18 máy, 16 máy sạ hàng.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa, việc cơ giới hóa mạnh mẽ, nhanh chóng và đồng bộ hơn nữa để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng nông phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch là vấn đề cấp bách. Quan trọng là phải ưu tiên cơ giới hóa các khâu sạ, cấy để đột phá tăng năng suất. Khâu then chốt là phải sớm có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà sản xuất cơ khí trong nước có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ nông dân vay vốn để nhanh chóng tiếp cận các thiết bị sản xuất lúa mới.
PGS.TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm khuyến nông quốc gia nói: "Chúng ta bắt buộc phải nghĩ đến cơ giới hóa trong trồng lúa để giải quyết bài toán về nhân công, hạ giá thành, tăng năng suất và tạo sự hấp dẫn đối với nghề trồng lúa. Chúng tôi đang quan tâm đến những điều khó nhất là cơ giới hóa ở các khâu gieo, sạ, cấy và chăm sóc. Trong diễn đàn lần này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến nông dân các loại máy gặt đập liên hợp hiệu quả hơn để có nhiều sự lựa chọn hơn. Dĩ nhiên, cơ giới hóa trồng lúa còn nhiều vấn đề khác nữa và chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân"./.
H.A
Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp
(bannhanong.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã