Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH) là phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Balasa N01 do ông Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên giảng viên Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, phát triển từ cách nuôi lợn chuồng kín của Nhật Bản.
Đệm lót sinh học nhằm tạo ra các quần thể vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm sạch môi trường, giúp đàn lợn ăn nhiều, lớn nhanh, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa giảm do vật nuôi có môi trường tự nhiên để vận động, đào bới suốt ngày, kích thích quá trình tiêu hóa.
Sử dụng công nghệ này trong chăn nuôi sẽ không có mùi hôi, không có khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho lợn trong suốt quá trình nuôi.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về xã Vũ Bản huyện Bình Lục (Hà Nam) trong những ngày đầu tháng 7, khi người dân đã cấy xong vụ mùa, thời gian thảnh thơi nên nhiều bà con đã tập trung vào chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập. Đây là địa phương đã thực hiện việc chăn nuôi sử dụng ĐLSH từ năm 2011.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm mô hình nuôi lợn bằng ĐLSH tại xã Vũ Bản huyện Bình Lục, Hà Nam, tháng 6/2012. Ảnh: VGP/Từ Lương |
Luồng gió mới trong chăn nuôi
Ông Trần Duy Đồng ở thôn Liêm xã Vũ Bản cho biết, trước kia mặc dù nhà chỉ nuôi 4 lợn nái, 10 lợn thịt/lứa và phân thải ra ao cho cá ăn theo kiểu truyền thống, nhưng lượng phân dư thừa vẫn gây ô nhiễm, nhất là những ngày trời nồm, gió Nam, bốc mùi nồng nặc, khiến những hộ xung quanh không thể chịu nổi, nhiều bức xúc, phiền phức đã xảy ra.
“Việc chăn nuôi theo lối truyền thống gây ô nhiễm, nhưng vì chưa có cách nào khắc phục nên đành… làm liều. Không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các hộ chăn nuôi trong khu dân cư đều gây ô nhiễm. Chỉ vì chăn nuôi mấy con lợn mà mất anh em, tình làng xóm”, ông Đồng chia sẻ.
Cũng theo ông Đồng, từ khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thăm xã và chỉ đạo triển khai phương pháp nuôi lợn bằng ĐLSH, ông Đồng đã tìm hiểu rồi áp dụng phương pháp này. “Từ khi áp dụng phương pháp ĐLST vào chăn nuôi, nhà tôi đất chật chội, chuồng lợn sát ngay nhà ở nhưng không còn thấy mùi nữa, lợn cũng lớn nhanh, ít dịch bệnh, giảm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chăn nuôi”, ông Đồng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khổng Quang Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết, xã có tổng đàn lợn khoảng 30.000 con/năm và khoảng 1 triệu con gia cầm/năm, với 1.200 hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện mới có gần 158 hộ làm hầm biogas, còn lại đa số các hộ thải trực tiếp phân tươi ra hố phân, ra vườn, thậm chí ra cống rãnh, ao, hồ, ruộng đồng… nên nhiều năm nay vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã rất nan giải.
Ông Chư cho biết, trước đây, hầu như tháng nào chính quyền xã cũng nhận được đơn phản ánh, kiện cáo của người dân về các hộ chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có khi xảy ra đánh, chửi nhau, việc giải quyết rất vất vả.
"Từ khi áp dụng chăn nuôi bằng ĐLSH, đặc biệt là có sự quan tâm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thăm và trực tiếp chỉ đạo, phong trào đã nhanh chóng được nhân rộng trong toàn xã, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể, hầu như không còn đơn thư khiến kiện về vấn đề này”, ông Chư cho hay.
Ông Hoàng Xuân Đống, thôn Tiền, xã Vũ Bản, một hộ đã áp dụng ĐLSH trong chăn nuôi lợn. Ảnh: VGP/Từ Lương |
Những lợi ích thiết thực
Bà Trần Thị Sâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Bản, cho biết tổ chức được xã giao nhiệm vụ hướng dẫn, tập huấn người dân làm ĐLSH cho biết, lúc đầu khi triển khai chương trình này, Hội gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân hạn chế, nhiều người ngại cải tạo chuồng, trại và chưa hiểu hết công dụng của ĐLSH, nên mặc dù được tỉnh hỗ trợ 165.000 đồng/m2 làm ĐLSH nhưng các hộ vẫn từ chối.
“Năm 2011, tôi là người đầu tiên triển khai mô hình dùng ĐLSH trong chăn nuôi lợn. Sau một thời gian, thấy chuồng lợn không có mùi, lợn lại nhanh lớn, ít bệnh tật, giảm được công dọn chuồng, nên 3 Chi hội trưởng của ba thôn đăng ký làm theo”, bà Sâm cho biết. Được biết, đến cuối năm 2012, xã đã có 153 hộ thực hiện mô hình chuồng “không có mùi, lợn không phải tắm”, và đến nay có 468 hộ nuôi lợn bằng ĐLSH và 300 hộ đăng ký mới đang tiếp tục triển khai.
Ông Hoàng Xuân Đống, thôn Tiền, đang áp dụng 30m2 chuồng ĐLSH, nuôi 4 lợn nái và 30 lợn thịt, phấn khởi cho hay: “Dùng ĐLSH để nuôi lợn nái thì hết ý, vì lợn con đẻ ra cần ủ ấm. Từ khi áp dụng ĐLSH, đàn lợn con của tôi rất khoẻ mạnh, không bị ho như trước”.
Khi nuôi lợn trên nền ĐLSH, lợn tăng trọng nhanh hơn 19,2% và lượng thức ăn giảm 11,6% so với nuôi theo cách thông thường. Nuôi lợn theo mô hình này còn không tốn điện, giảm được 80% lượng nước sử dụng do không phải tắm cho lợn hoặc rửa chuồng trại, công lao động cũng giảm được 60%.
Tổng chi phí làm chuồng theo mô hình đệm lót sinh học diện tích khoảng 20m2 sẽ tốn gần 15 triệu đồng, trong đó phần đệm lót khoảng 1,5 triệu đồng, tính ra có lợi rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.
Ông Đống cho biết đã thử tách 8 con trong số 30 con lợn thịt ra nuôi chuồng nền xi măng. Sau 3 tháng, kết quả đàn lợn nuôi ĐLSH giảm được 1,5kg thức ăn/bữa, tương đương 24.000 đồng, đồng thời đạt 50kg/con, đàn lợn nuôi thường 45kg. Công chăm sóc với đàn lợn nuôi bằng ĐLSH cũng giảm nhiều do không phải tắm cho lợn, không phải rửa chuồng...
Không chỉ có xã Vũ Bản, hầu như 100% các xã ở Hà Nam đã làm mô hình chăn nuôi này, trong đó có một số xã làm rất tốt như xã Vũ Bản (Bình Lục), xã Khả Phong (Kim Bảng)… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết, Hà Nam là một tỉnh thuần nông nên địa phương xác định tập trung vào chăn nuôi là chính, trong đó vừa ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn vừa phát triển chăn nuôi hộ gia đình để cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết khi Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo triển khai dùng ĐLSH trong chăn nuôi, Hà Nam đã mạnh dạn đi đầu, nhằm tăng đàn, tăng sản lượng lợn, gà phục vụ cho trong tỉnh, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Năm 2011, Hà Nam bắt đầu triển khai chăn nuôi bằng ĐLSH với 51 mô hình, năm 2012 đã tăng thêm 950 mô hình và từ đầu năm 2013 đến nay đã tăng thêm 1.000 mô hình. Tỉnh đang phấn đấu cuối năm nay cả tỉnh sẽ đạt 3.000 mô hình. Để góp phần khuyến khích người dân áp dụng chăn nuôi bằng ĐLSH, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 165.000 đồng/m2 chuồng cho đến hết năm 2015, nếu hiệu quả có thể tiếp tục hỗ trợ.
Kỳ tiếp: Vì sao chăn nuôi bằng ĐLSH chưa được nhân trên diện rộng?
Ngọc Quang
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã