“Thắt cổ chai” khâu sấy lúa
Sau khi khảo sát so sánh mức độ đáp ứng nhu cầu trang bị máy móc qua các công đoạn canh tác lúa từ làm đất đến xay xát, TS Phạm Văn Tấn, Phó GĐ Phân viện Cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch (Phân viện) cho biết: Khâu làm đất và khâu bơm nước cùng chiếm tỷ lệ 95- 100%, khâu gieo sạ chiếm 85-90%, thu hoạch chiếm 75% (trong đó máy GĐLH tăng nhanh nhất, chiếm 45- 50%), khâu bảo quản 13- 15% và xay xát khoảng 100%. Thế nhưng công đoạn ở giữa- khâu sấy lúa chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 38,7%. Chính việc "thắt cổ chai" tại khâu then chốt này gây ra những tổn thất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo.
TS Phan Hiếu Hiền, Trường Đại học Nông lâm (ĐHNL) TP. HCM đúc kết 30 năm phát triển máy sấy lúa tại ĐBSCL: Từ năm 1982 chiếc máy sấy lúa vỉ ngang đầu tiên trường đưa về lắp ở Kế Sách (Sóc Trăng) đến năm 1996 tăng lên khoảng 1.500 máy. Nhưng máy phân bổ và chất lượng sấy không đều, chỉ đáp ứng được khoảng 9% lúa HT trong vùng. Nông dân chưa tin tưởng vào máy sấy và chỉ sấy khi gặp mưa bão. 10 năm sau (1996-2006) số máy sấy tăng nhanh lên 6.200 chiếc, giải quyết sấy được khoảng 30% lúa HT. Thời gian này máy sấy vỉ ngang được cải tiến, chất lượng sấy được thừa nhận “sấy tốt hơn phơi”. Lúa sấy bằng máy không chỉ giảm tổn thất mà còn giữ được chất lượng hạt. Nông dân bắt đầu bán lúa tươi.
Thế nhưng trong 5 năm gần đây (2007- 2011), cao điểm là trong năm 2009 khi Cục Trồng trọt đưa ra quy trình SX lúa tập trung gieo sạ đồng loạt né rầy, nông dân áp dụng hữu hiệu. Thời gian mỗi địa phương gieo sạ, thu hoạch hoặc sấy chỉ trong 2 tuần. Sự gia tăng máy GĐLH, lượng lúa ướt tập trung nhiều đòi hỏi nhu cầu máy sấy phải nhanh, gọn. Theo đó công suất của máy sấy vỉ ngang cũng tăng lên 15 đến 30 tấn/mẻ. Một số nhà máy xay xát lúa gạo lắp đặt thêm máy sấy lúa công suất lớn 200- 500 tấn/ngày.
Tuy vậy, cho đến nay tốc độ đầu tư vào khâu sấy lúa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là vào vụ lúa HT với 1,6 triệu ha, sản lượng 7- 8 triệu tấn, cộng thêm 600.000 ha vụ TĐ, sản lượng 3 triệu tấn. Hệ quả trên thực tế lượng lúa phơi tự nhiên còn chiếm trên 60%.
Giải pháp khả thi
Theo Phân viện, tổn thất lúa sau thu hoạch còn lớn (13,7%), nhất là ở khâu phơi sấy (4,2%). Như vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào tạo đòn bẩy thông qua chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phù hợp qui mô SX.
Những năm qua việc đầu tư phát triển máy sấy lúa xuất phát theo nhu cầu. Nếu đầu tư không hiệu quả DN sẽ không làm. Các nhà chuyên môn điều tra thăm dò còn nhận ra rằng: Nông dân luôn so sánh chi phí sấy với chi phí phơi và không muốn trả chi phí sấy cao hơn trong điều kiện thời tiết bình thường. Ngay khi thời tiết bất lợi trong mùa mưa bão chi phí sấy lúa cũng phải thấp hơn phơi.
Song, từ khi nông dân nhận ra lúa sấy hiệu quả, bán được giá cao hơn, một số nơi tư nhân đầu tư máy sấy dịch vụ càng nhiều. Một điển hình là ông Trần Văn Năm ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt (Cần Thơ)- chủ cơ sở sấy lúa với 31 máy sấy vỉ ngang, với công suất gồm: 13 máy loại 20 tấn/mẻ, 10 máy loại 30 tấn/mẻ và 8 máy loại 40 tấn/mẻ. Ông Năm chuyên làm dịch vụ sấy lúa tươi cho thương lái cung ứng lúa gạo cho các DN kinh doanh lương thực. Năm 2011 cơ sở của ông sấy 30.000 tấn lúa. Trong đó vụ HT sấy 13.000 tấn lúa. Ông tính toán đầu tư trên diện tích 18.500 m2, vốn 10 tỷ đồng (chi phí bao gồm đất đai, máy móc) và thuê 150 nhân công. Nhưng với giá sấy lúa tươi 130.000 đồng/tấn, trừ chi phí lợi nhuận 40.000 đồng/tấn, cơ sở thu lãi 1,2 tỷ đồng/năm. Cách làm hiệu quả ông Năm cho biết sẽ đầu tư thêm 20 lò sấy lúa vỉ ngang công suất 40 tấn/mẻ.
Mặt khác, trong lựa chọn phương án đầu tư, có đề xuất đầu tư như ở Vĩnh Long làm sân phơi dịch vụ khoảng 100 tấn/ngày cần mặt bằng rộng 1 ha đất. Cách này, phơi 80 tấn mùa khô mất 3 ngày, mùa nắng mất 4- 5 ngày và 10 nhân công bốc vác, phơi lúa…Do đó nhược điểm lớn nhất của sân phơi là sau những trận mưa dầm, lúa ướt, lúa nẩy mầm, hư hao. Các nhà khoa học cho đây là giải pháp tạm thời không nên khuyến cáo. Bên cạnh đó, trong điều kiện đất đai trồng lúa quy mô nhỏ lẻ, bình quân 1,1 ha/hộ, việc đầu tư máy sấy cho cấp nông hộ cũng không hiệu quả.
Lựa chọn công nghệ
TS. Tấn đề xuất giải pháp muốn nâng cao chất lượng sấy lúa và hiệu quả kinh tế, việc sử dụng máy phải được chuyên môn hóa; đồng thời lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu nâng cao phẩm chất lúa gạo. Thời gian máy sấy hoạt động phải đạt nhiều ngày trong năm. Các HTX, thương lái làm dịch vụ sấy lúa có thể liên kết, liên doanh với các nhà máy xay xát. Theo số liệu điều tra, nếu trang bị máy sấy và vận hành đúng cách, độ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên tăng thêm được 3% so với trường hợp các nhà máy xay xát thu mua lúa trôi nổi bên ngoài.
Hiện nay công nghệ máy sấy đa dạng, có nhiều loại máy sấy vỉ ngang, máy sấy tháp, máy sấy tuần hoàn và mới đây máy sấy tầng sôi nhiên liệu đốt bằng củi trấu… được Cty BVTV An Giang đầu tư hoạt động đến vụ thứ 3, ẩm độ từ 25% độ xuống còn 15,3% mất thời gian 12 giờ. Quá trình kiểm soát chỉ cần 1 lao động và giá trị đầu tư 20 triệu đồng/tấn lúa. Công nghệ sấy tĩnh vỉ ngang công suất lớn có ưu điểm sấy chạy mộng giải quyết tổn thất. Tuy nhiên sắp tới nếu lao động thủ công giảm cần có giải pháp máy sấy tháp. Nhưng máy này cần cải tiến nhược điểm chưa sấy được lúa độ ẩm cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến năm 2011 ĐBSCL có 9.608 máy, sấy được 2,4 triệu tấn trong tổng sản lượng lúa HT 7- 8 triệu tấn, đạt 32- 34%. Trong đó 4/13 tỉnh, thành có tốc độ đầu tư máy sấy và đạt tỷ lệ sấy lúa HT cao nhất gồm: An Giang, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ đáp ứng từ 40 đến 70%. Trong đó An Giang dẫn đầu với 2.327 máy, sấy được 903.000/1,3 triệu tấn lúa HT, đạt 70%. |
Một số cơ sở đầu tư máy sấy tính toán: Với thời gian thu hoạch lúa 3 vụ/năm là 9/12 tháng, tính ra một máy hoạt động ít nhất là 6 tháng. Những mô hình dịch vụ sấy dịch vụ ở An Giang chứng minh theo cách làm này, nâng khả năng đáp ứng sấy lúa trong tỉnh lên 70%. Tỉnh An Giang cho vay không tính lãi trong 3 năm để đầu tư máy sấy hoặc như AGPPS đầu tư máy sấy theo cụm nhà máy chế biến xay xát của các DNXK gạo. Đó là giải pháp điển hình được Bộ NN- PTNT khuyến khích.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã