Học tập đạo đức HCM

Khó khăn đầu vụ ĐX

Thứ bảy - 08/12/2012 20:21
Thời tiết bất lợi khiến việc xuống giống lúa ĐX 2012 - 2013 ở một số địa phương vùng ĐBSCL gặp khó khăn, chậm hơn so với lịch thời vụ chung của ngành. Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn Nam bộ, do năm nay lũ nhỏ, hạn - mặn sẽ xâm nhập sớm nên nguy cơ thiếu nước tưới giữa và cuối vụ là rất cao.

Nguy cơ hạn, mặn xâm nhập sớm

Vụ ĐX được coi là vụ SX lúa chính trong năm ở ĐBSCL. Vụ lúa cho năng suất, chất lượng cao nhất, có vai trò quyết định đến sản lượng lương thực của cả năm. Tuy nhiên, do năm nay lũ nhỏ nên nguy cơ lây lan nguồn sâu bệnh từ lúa TĐ sang là rất lớn. Hơn nữa, tình hình mưa bão đầu vụ (tháng 11 và 12) đã gây ảnh hưởng đến lịch xuống giống của bà con nông dân.

Ông Cao Văn Kề, Phó phòng NN-PTNT huyện Gò Quao (Kiên Giang) cho biết, vụ ĐX năm nay toàn huyện có kế hoạch xuống giống 24.438 ha. Để tránh tình trạng thiếu nước tưới, hạn mặn xâm nhập vào giữa và cuối vụ, ngành đã đề ra lịch xuống giống tập trung làm 2 đợt và phải kết thúc trước ngày 3/12.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của một số cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã làm cho việc xuống giống gặp khó khăn, có khi phải ngưng chờ bão qua nên khoảng 10% diện tích lọt ra ngoài khung thời vụ. Do đặc thù địa lý, trên địa bàn huyện Gò Quao có khoảng 6.500 ha nằm cặp theo sông Cái Lớn, thường bị nước mặn xâm nhập nên buộc phải gieo sạ sớm để thu hoạch dứt điểm trong tháng 1 năm sau nhằm tránh ảnh hưởng đến năng suất.


Nông dân tích cực xuống giống sớm để tránh hạn, mặn vào cuối vụ

Ông Nguyễn Huỳnh Trung,  Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang nhận định, năm nay lũ nhỏ nên nguy cơ nước nặm xâm nhập vào nội đồng sẽ sớm hơn, bắt đầu từ tháng 1/2013 và cao điểm là từ tháng 3 - 5. Do đó, nếu gieo sạ lúa ĐX trễ sẽ dẫn đến thiếu nước tưới vào cuối vụ. Hiện, chi cục đã cho triển khai các giải pháp để ngăn mặn, giữ ngọt như đóng các cống ngăn mặn tuyến ven biển, tiến hành đắp đập tạm ở một số huyện Giang Thành, Kiên Lương, An Biên, An Minh. Hạn chế đến mức thấp nhất nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng để bảo vệ SX.

Tại Hậu Giang, nông dân cũng đang gấp rút gieo sạ diện tích lúa còn lại. Ông Phan Văn Bình, Trưởng trạm BVTV huyện Vị Thủy cho biết, đến thời điểm này cả huyện mới xuống giống được 12.858/16.373 ha. Địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ cho kịp lịch thời vụ, tránh bị thiệt hại do nguy cơ thiếu nước tưới. Do tình hình thời tiết năm nay bất lợi, nên ngành đã tăng cường tập huấn cho nông dân về lịch xuống giống, phòng trừ dịch hại với trên 50 cuộc, hơn 1.000 nông dân tham gia.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng, chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn để bảo vệ SX lúa ĐX. Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình khô hạn có khả năng xảy ra trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 5/2013, mực nước ở một số địa phương trong tỉnh (thị xã Ngã Bảy) mực nước sẽ cách mặt ruộng từ 1,0 - 1,3 m.

Nước mặn sẽ xâm nhập vào tuyến sông từ cuối tháng 2/2013 đến nửa đầu tháng 5/2013 và lấn sâu vào nội đồng ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, TP Vị Thanh… Do đó, các địa phương cần xuống giống sớm và triển khai ngay các phương án ngăn mặn, giữ ngọt để, tránh bị thiệt hại đến năng suất lúa.

Lo lắng lúa ĐX muộn

Do năm nay nước lũ sông Mê Kông nhỏ, nước trên sông Cửu Long vùng hạ lưu rút sớm, tạo thuận lợi cho nông dân xuống giống, nhất là ở những vùng đất trầm thủy, ngập sâu ở vùng Nam sông Hậu. Tuy nhiên, trong đợt 2 xuống giống liên tiếp ở những vùng vừa mới thu hoạch lúa TĐ muộn, nông dân nhiều nơi trong vùng cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay mực nước sông bắt đầu hạ thấp, nước theo kênh nội đồng rút nhanh.

Do đó, sau khi gieo sạ tới giai đoạn cần nước, phải tốn kém chi phí bơm nước lên đồng. Một số địa phương dự báo hạn vào giai đoạn giữa vụ và cuối có khả năng xảy ra gây ảnh hưởng đến những vùng lúa ĐX gieo sạ muộn. Mặt khác, một số bệnh trên lúa gieo sạ sớm có dấu hiệu khởi phát.

Theo cán bộ nông nghiệp các tỉnh vùng hạ lưu, khó khăn vụ ĐX chính vụ lo lắng gặp hạn vào giai đoạn lúa trổ, chín cuối vụ. Ở các tỉnh ven biển, vùng lúa ĐX sớm thu hoạch trước tết. Vùng lúa này hiện thời an toàn, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, nông dân có tập quán nối vụ, tiếp sau vụ ĐX là xuống giống vụ HT nên có thể gặp thiếu nước. Bởi đây là thời điểm hạn, mặn xâm nhập.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai cho biết, đến nay lúa đang giai đoạn mạ. Trên nhiều cánh đồng rộng phải đóng đập và bơm nước lên ruộng. Trong khi phân bón không lo thiếu hụt, giá giảm thì chi phí hao tốn xăng dầu bắt đầu tăng lên. Tại Cần Thơ, tiến độ lúa ĐX xuống giống sớm, đến nay đạt trên 90% diện tích trong hơn 85.000 ha.

Tại vùng lúa xuống giống sớm ở khu vực bờ Bắc sông Hậu, ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long nói: “Vĩnh Long đã xuống giống 62.000 ha, đạt 94% kế hoạch, còn khoảng 3.000 ha đang gieo sạ. Phần lớn lúa ĐX khi xuống giống gặp thời tiết thuận lợi, không mưa. Tuy nhiên một số vùng đất gò cao, đồng treo nên sớm thiếu nước".

Theo Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long, dự báo năm nay nước sông rút sớm, mực nước nội đồng thấp, có khả năng xảy ra hạn vào giai đoạn giữa và cuối vụ. Trong đó, hàng năm lo nhất là vùng lúa thu hoạch muộn thuộc 2 huyện Trà Ôn và Vũng Liêm chịu ảnh hưởng bởi nguồn cấp nước từ phía sông Hậu và sông Cổ Chiên. Tuy nhiên, năm nay khu vực này xuống giống rất sớm, đến nay lúa lên xanh hơn 2 tháng né được hạn và thu hoạch sớm trước Tết.

Đ.T.CHÁNH - HỮU ĐỨC
(.Nongnghiep.vn)

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Đồng ruộng kém màu mỡ

Năm nay lũ nhỏ, một số huyện trong tỉnh xuống giống vụ ĐX 2012 - 2013 sớm 1 tháng so với mọi năm. Đến nay đã xuống giống đạt 75% trên diện tích 205.000 ha vụ ĐX của toàn tỉnh, dù chúng tôi đã khuyến cáo và công bố chia 3 lịch thời vụ xuống giống.

Khó khăn trước mắt là lũ nhỏ, không phù sa. Không có lũ đồng nghĩa với việc ít phù sa, đồng ruộng kém màu mỡ, phải sử dụng phân bón nhiều hơn. Mặt khác, sâu bệnh có điều kiện phát triển, buộc phải tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Không có lũ, chuột có điều kiện sinh sôi bùng phát trên diện rộng, như trong quá khứ từng diễn ra những đợt dịch chuột phá hại lúa, hoa màu… Với những nguy cơ trên, chi phí SX lúa của nông dân trong vụ tới sẽ tăng cao so mọi năm.

Trong khi đó, thời vụ xuống giống vụ ĐX là một trong những yêu cầu cần được quan tâm, chú ý hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch hại và không thể tránh đợt hạn ở cuối vụ. Việc bố trí thời vụ SX lúa ĐX cần thỏa mãn các yêu cầu: Đảm bảo né rầy nâu di trú từ vụ TĐ sang, đủ lượng nước SX trong suốt vụ, tránh ngập úng đầu vụ và hạn, mặn cuối vụ. Ở giai đoạn lúa trổ chín (tháng 2 - 3 và nửa đầu tháng 4) phải có đầy đủ lượng ánh sáng và số giờ nắng cần thiết và lượng mưa ít nhất mới đảm bảo năng suất.

Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An: Có thể bùng phát nhiều dịch bệnh

Lúa ĐX ở Long An năm 2013, nhìn chung đã gieo sạ sớm hơn vụ cùng kỳ năm 2012 đến cả tháng. Tuy nhiên, do năm nay lũ về ở mức thấp nên một số vùng cao như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa… thiếu nước và không có thời gian nước ngập rửa đất, làm mềm đất nên để chuẩn bị cho vụ ĐX năm nay, người dân phải chịu tăng chi phí cho việc làm đất và bơm nước lên đến cả triệu đồng/1 ha.

Ngoài ra, do nước lũ ngập ít đồng ruộng, hoặc có chỗ không ngập khiến đồng ruộng ở những nơi này thiếu hẳn phù sa. Điều này đỏi hỏi lượng phân bón phục vụ cho đồng ruộng vụ này có thể phải chi phí cao hơn vụ cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, cũng do thiếu nước về ruộng qua mùa lũ nên dịch ốc bươu vàng, đặc biệt là chuột xuất hiện trên đồng nhiều hơn, dẫn đến việc phá lúa cũng có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất.

Hơn nữa, do không có nước về vệ sinh đồng ruộng nên có thể xuất hiện nhiều dịch bệnh hơn, nếu nông dân không chịu khó thường xuyên ra thăm đồng. Nếu khắc phục tốt điều này thì cũng thuận lợi cho vụ HT tới.

Còn tình hình giống lúa thì năm nay Long An đã đảm bảo đủ lúa giống để gieo sạ theo kế hoạch. Với lúa đặc sản của Long An là Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ), chúng tôi đã có kế hoạch phục tráng các giống NTCĐ ưu việt, tiến tới độc quyền SX các giống ấy, không để tình trạng NTCĐ ở đâu cũng có và đặc biệt là sẽ hướng tới việc xây dựng CĐML loại gạo đặc sản này, phấn đấu đạt diện tích 500 ha. Về lúa để xuất khẩu, Long An phấn đấu đạt 700.000 tấn/năm là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Theo tôi, một số khó khăn như đã trình bày tuy không lớn, nhưng để ngăn ngừa dịch bệnh, bà con cần chịu khó thường xuyên thăm đồng. Mặt khác, để CĐML là mô hình SX lúa kinh doanh hiệu quả, đòi hỏi các nhà kinh doanh lương thực phải liên kết để có vùng nguyên liệu xuất khẩu. Nếu họ đứng ngoài thì không thể nhân rộng mô hình này ra được.

Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang: Chi phí tăng từ 4 - 5%/ha so với năm 2011

Theo đúng lịch thời vụ An Giang đang khẩn trương xuống giống lúa ĐX đến thời điểm này đạt 60% kế hoạch trên tổng diện tích cả tỉnh là 235.000 ha. Trước tình hình năm nay lũ nhỏ, lượng mưa dứt sớm, hạn cuối vụ sẽ xuất hiện. Năm nay lũ nhỏ một số vùng đất gò cũng đã xuống giống nhưng với diện tích không đáng kể.

Khi lũ không về tỉnh An Giang, xuống giống vụ lúa ĐX rất e ngại, lượng phù sa không có, không thể tiêu diệt dòng đời sâu bệnh từ vụ trước để lại, lúa chét sẽ phát triển mạnh, cỏ, chuột, ốc bươu vàng cắn phá sẽ nhiều hơn so với những năm có lũ. Như vậy, chi phí tăng lên từ 4 - 5%/ha so với năm 2011. Mặt dù lũ nhỏ, tốn thêm chi phí, nhưng tỉnh An Giang quyết tâm giữ vững năng suất bằng với mọi năm là 7,1 tấn/ha, đạt sản lượng trên 1,5 triệu tấn.

Ngoài ra An Giang là tỉnh nằm giáp với Kiên Giang có biển, nên hai huyện Thoại Sơn và Tri Tôn năm nào cũng bị xâm nhập mặn đe dọa vào đất SX nông nghiệp. Chính vì vậy, từ đầu năm ngành nông nghiệp chỉ đạo xây dựng các hệ thống cống ngăn mặn tấn công, cao điểm nhất thường vào những tháng nắng sau Tết.

Đồng thời tăng cường nạo vét các kênh mương thông thoáng để đảm bảo 100% nước phục vụ lúa ĐX. Ngoài lo ngại vấn đề thời tiết trong vụ mùa, vấn đề quan tâm lớn nhất vẫn là đầu ra hạt lúa, làm sau bán được giá cao?

Ông Kim Xê, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Trà Vinh: Đề phòng xâm nhập mặn và rầy nâu

Tình hình xuống giống lúa ở đầu vụ lúa ĐX năm nay cũng gặp một số khó khăn lớn. Thứ nhất, năm nay lũ nhỏ, dứt mưa sớm, nông dân xuống giống sớm so với mọi năm. Thứ hai, Trà Vinh là tỉnh nằm ven biển nên nước ngọt ít, rất dễ bị mặn tấn công nếu không có cống đập an toàn. Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn ra và vấn đề xâm nhập mặn càng gay gắt trong vụ lúa ĐX, nhất là tháng Giêng - giai đoạn lúa làm đòng và trổ bông.

Chính vì vậy tỉnh đang khẩn trương đầu tư hệ thống thủy lợi ngăn mặn sâm nhập vào đất lúa; bên cạnh việc khai thông các kênh lấy nước ngọt trong nội đồng, dẫn nước từ các kênh lớn để phục vụ tốt SX nông nghiệp.

Khó khăn tiếp theo trong đầu vụ ĐX năm nay, do tỉnh tăng diện tích từ 53.000 ha lên 70.000 ha, chủ yếu mở rộng các huyện ven biển như Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành… nên việc quản lý mặn sẽ càng khó khăn hơn.

Ngoài vấn đề xâm nhập mặn, hiện nay mật độ rầy nâu xuất hiện vào bẩy đèn khá cao, dự báo rầy nâu có thể xuất hiện nhiều trong đầu vụ lúa ĐX. Lý do năm nay vụ lúa TĐ thu hoạch trễ nên khi bà con thu hoạch đến đâu thì làm đất xuống giống tiếp vụ lúa ĐX đến đấy.

Tỉnh đã khuyến cáo xuống giống đúng lịch thời vụ, nhưng không tránh khỏi rầy nâu từ cánh đồng lúa đang thu hoạch bay sang cánh đồng mới sạ. Đến nay toàn tỉnh xuống giống hơn 24.000 ha đất lúa ĐX, dự kiến hoàn thành lịch xuống giống dứt điểm đến hết ngày 25/12, đạt 100%.

LÊ HOÀNG VŨ - THẠCH THẢO (thực hiện)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập188
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay44,775
  • Tháng hiện tại702,844
  • Tổng lượt truy cập90,766,237
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây