Là đơn vị khoa học đầu ngành nông nghiệp của cả nước, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) nhấn mạnh, sẽ tập trung tối đa hàm lượng KH-KT cho 7/10 nhóm ngành hàng nông sản chủ lực Quốc gia đã được Bộ NN-PTNT xác định.
VAAS xác định sẽ tập trung tối đa nguồn lực cho các nhóm ngành hàng chủ lực
Đây là định hướng đã được lãnh đạo VAAS khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 diễn ra ngày 17/1.
Đồng hành cùng tái cơ cấu
Năm 2016, trong bối cảnh kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước ngày càng giảm mạnh, nhiều đơn vị thuộc VAAS đã tiếp tục linh hoạt, trên cơ sở tranh thủ nguồn vốn từ các địa phương cũng như hợp tác nghiên cứu – chuyển giao với DN.
Một số đơn vị trực thuộc như Viện Nghiên cứu Ngô, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả Miền Nam… đã có số lượng đề tài nghiên cứu và sản phẩm có chất lượng, được chuyển giao cho các DN với số tiền bản quyền hàng chục tỉ đồng.
Thống kê sơ bộ trong năm 2016, tổng giá trị các hợp đồng chuyển nhượng bản quyền, ủy quyền SX và kinh doanh các giống cây trồng của các đơn vị thuộc VAAS cho các DN đã đạt trên 23,5 tỉ đồng, trong đó bản quyền giống lúa trên 7,2 tỉ đồng, giống ngô gần 4 tỉ đồng, bản quyền giống rau trên 2,34 tỉ đồng…
Năm 2016, sự thành công của ngành rau quả có công không nhỏ từ sự đóng góp thầm lặng của các nhà khoa học thuộc các đơn vị của VAAS, nhất là trong khống chế các dịch bệnh cây ăn quả, cải thiện bộ giống và quy trình SX đảm bảo đủ điều kiện XK.
Ảnh: Lê Bền
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, GĐ Viện Cây ăn quả Miền Nam (thuộc VAAS), bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng và chuyển giao các mô hình canh tác theo GAP cho các vùng cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh ĐBSCL, năm 2016, Viện đã đưa vào vận hành mô hình “Bệnh viện cây trồng” phục vụ cho đa dạng nhu cầu kỹ thuật tại các vùng cây ăn quả lớn.
Bên cạnh đó, nhiều giống cây ăn quả có chất lượng như giống xoài cát Hòa Lộc đã được công nhận chính thức giống quốc gia; giống thanh long ruột đỏ - tím Long Định đã được một DN mua bản quyền bảo hộ để xây dựng nguyên liệu XK với giá 2 tỉ đồng. Hiện tại, một giống thanh long ruột đỏ khác cũng đang được một DN xuất khẩu đặt hàng mua bản quyền với giá 5 tỉ đồng…
Tại phía Bắc, việc đẩy mạnh xây dựng, chuyển giao KH-KT cho các vùng cây ăn quả lớn cũng đã và đang được hai đơn vị của VAAS là Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện KHKT Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc đặt trọng tâm nghiên cứu trong năm 2017.
Trước nhiều bài toán khó khăn từ thực tiễn SX, nhất là các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ XK, VAAS đã huy động đông đảo lực lượng cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ được giao như: Nghiên cứu nguyên nhân chính gây chết cà phê tái canh và giải pháp khắc phục; nghiên cứu phòng chống bệnh đốm nâu và một số bệnh hại chính trên cây thanh long; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả…
Tập trung các nhóm sản phẩm chủ lực
Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học ngành nông nghiệp năm 2017, PGS.TS Trịnh Khắc Quang, quyền Giám đốc VAAS cho rằng: Với sự quan tâm, định hướng của Đảng, Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT trong việc tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện cho lĩnh vực nông nghiệp trong những năm tới, đây sẽ là thời cơ thuận lợi để VAAS đẩy mạnh sự phát triển, nhất là nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ được tăng cường.
PGS.TS Trịnh Khắc Quang (giữa) chủ trì hội nghị của VAAS
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế của VAAS thời gian qua cũng đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ, nhất là hợp tác phát triển SX lúa gạo và nhiều loại cây trồng khác với các nước châu Phi, châu Mỹ La Tinh để tranh thủ nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, ông Quang cho biết, VAAS sẽ tiếp tục duy trì một số định hướng lớn đã triển khai trong thời gian qua, nhất là việc hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương nhằm tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và huy động nguồn vốn ngoài kinh phí thường xuyên của ngân sách Nhà nước, đồng thời từng bước chủ động, tự chủ trong công tác nghiên cứu khoa học.
Theo đó, việc hợp tác với các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao bản quyền nghiên cứu (đa số về giống cây trồng) theo kiểu “mua đứt bán đoạn” như trước đây, mà sẽ chuyển sang chiều sâu theo hướng hợp tác toàn diện ngay từ đầu, có sự chia sẻ cùng đầu tư, cùng định hướng, cùng chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu.
Nhằm phục vụ cho định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, phục vụ XK, PGS.TS Trịnh Khắc Quang cho biết: Năm 2017, Bộ NN-PTNT đã xác định sẽ tập trung nguồn lực cho 10 nhóm mặt hàng nông sản chủ lực, trong số này, có tới 7 nhóm mặt hàng thuộc ngành trồng trọt. Vì vậy từ năm 2017, trọng tâm hoạt động nghiên cứu của VAAS sẽ tập trung toàn diện các nhóm giải pháp KH-KT phục vụ cho 7 nhóm ngành hàng chủ lực quốc gia đã được Bộ NN-PTNT xác định như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, rau quả…
“Các nhiệm vụ nghiên cứu sẽ dựa trên cơ sở cụ thể, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của SX, trên từng đối tượng cây trồng chủ lực. Mỗi cây trồng chủ lực sẽ phải xác định được đang thiếu các giải pháp nào về KH-KT để khắc phục ngay nhằm gia tăng được chất lượng, năng suất, giảm giá thành” – PGS.TS Trịnh Khắc Quang nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò hết sức quan trọng của KH-CN trong triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc, tham vấn ý kiến của đông đảo các nhà khoa học đầu ngành của ngành NN-PTNT, trong đó có nhiều nhà khoa học là lãnh đạo các đơn vị của VAAS. |