Xác định năm 2012 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nên ngay từ đầu năm UBND tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Hội nghị lần 6 BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2012; đồng thời ban hành kế hoạch hành động và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, Ban, Ngành... thực hiện.
Nhờ vậy, tình hình KT-XH Quảng Trị năm 2012 cơ bản ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch, nhất là lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.
Điểm nhấn nông nghiệp
Mỗi vụ mùa anh Nguyễn Văn Kiệt ở HTX Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, làm được 3 ha lúa, thu hoạch hơn 17 tấn, trừ chi phí đầu tư hết 50%, mang bán hết anh thu lời được khoảng 45 triệu đồng.
Ông Phan Văn Quang - Chủ nhiệm HTX Đông Dương cho biết năm nay giá lúa bán ra ở mức 5.500 đồng/kg, cao hơn vụ ĐX vừa qua 500 đồng/kg, lúa được mùa, được giá, nông dân phấn khởi. Tại HTX Kim Long, vợ chồng anh Nguyễn Tình làm 3 ha lúa, sẽ thu về được 18 tấn lúa/vụ. Nhiều xã khác trong vùng như Hải Thành, Hải Ba, Hải Dương, Hải Hòa... bà con nông dân đổi đời nhờ được đầu tư cánh đồng mẫu lớn để làm lúa hàng hóa.
Máy gặt đập thu hoạch lúa ở cánh đồng mẫu lớn Hải Lăng
Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết vụ sản xuất nào Sở cũng tích cực chỉ đạo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, chủ động xuống giống, khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như chọn giống tốt, bón phân qua lá, tăng kali, phân chuồng, giảm đạm, gieo sạ hàng... một cách đồng bộ nên lúa trổ tập trung và thu hoạch cũng tập trung hơn. Nhờ đầu tư đúng hướng nên mùa vụ đúng kế hoạch, đạt được kết quả tốt trong sản xuất.
Theo ông Bài, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình dự án, chính sách, biện pháp tổ chức, điều hành sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp năm nay tăng trưởng khá, đạt 4,7% (kế hoạch 3%). Sản xuất các vụ ĐX -HT đạt kết quả tốt, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng chủ lực tăng. Sản lượng lương thực có hạt đạt 25,2 vạn tấn, tăng 7,6% so với năm 2011, vượt 10,2% KH đề ra...
Bệ phóng vững chắc
Phân tích nền kinh tế Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mặc dù cơ cấu kinh tế Quảng Trị có bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp rất được chú trọng đầu tư về thủy lợi, giống, cây, con có năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương nên nông nghiệp Quảng Trị đạt nhiều kết quả quan trọng, là bệ phóng vững chắc để phát triển các lĩnh vực khác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường, trong các chỉ tiêu về KT-XH được đề ra tại Nghị quyết của HĐND tỉnh thì năm nay Quảng Trị đã đạt được 15 chỉ tiêu và 3 chỉ tiêu gần đạt, trong đó phần lớn là chỉ tiêu về nông nghiệp như kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp), tổng thu ngân sách trên địa bàn, tổng chi ngân sách, sản lượng lương thực có hạt, diện tích trồng mới cây công nghiệp dài ngày, trồng mới rừng tập trung, hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM và hoàn thành đề án xây dựng NTM tại 8/8 xã điểm của tỉnh, các huyện đã hoàn thành quy hoạch 52 xã, tỷ lệ phường xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo..., các chỉ tiêu sản lượng thủy hải sản, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng... hết năm sẽ về đích.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ KT-XH của tỉnh, Quảng Trị rất chú trọng thực hiện các chương trình MTQG, như: giảm nghèo, NTM, an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sinh hoạt và VSMTNT, tạo việc làm, đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa... Các chương trình MTQG của tỉnh Quảng Trị được triển khai thực hiện gắn liền với hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của Trung ương.
Thông qua các chương trình MTQG đã góp phần rất quan trọng vào việc cải thiện các mục tiêu, chỉ tiêu xã hội và bảo đảm an ninh xã hội năm 2012, như: tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Chương trình MTQG xây dựng NTM sau hai năm thực hiện, nhận thức của người dân về chủ thể, nội dung, phương thức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM được nâng cao rõ rệt, người dân đồng tình hưởng ứng, đồng lòng quyết tâm thực hiện thông qua phong trào “Quảng Trị chung tay xây dựng NTM”.
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện miền núi Đakrông giai đoạn 2009-2020, có kết quả tốt. Trong bốn năm qua chương trình đã huy động lồng ghép nhiều nguồn lực với tổng kinh phí đầu tư đến gần 448 tỷ đồng, trong đó vốn được phân bổ của chương trình 30a gần 162 tỷ đồng. Nhờ có nhiều biện pháp thực hiện quyết liệt nên tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đakrông giảm bình quân từ 5 đến 6%/năm.
Để có được kết quả này, tỉnh đã tiến hành giao hơn 700 ha đất để bà con nông dân trồng rừng sản xuất và thực hiện giao khoán trên 2.000 ha rừng cho các hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ. Công tác tạo việc làm mới thực hiện có hiệu quả, mỗi năm có thêm 700 lao động được tạo việc làm mới.
Khởi công xây dựng NM chế biến mủ cao su tại Cam Lộ
Sản phẩm đủ sức cạnh tranh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh: Trong điều kiện phải ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách và đầu tư công, sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của cả nước ước đạt mức thấp hơn so với kế hoạch, thì tăng trưởng 8% của Quảng Trị là nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Trong đó sản xuất nông nghiệp của Quảng Trị luôn đạt thành tựu lớn với những bước phát triển vượt bậc. Yêu cầu đặt ra là nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh và một điều rất quan trọng là sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp, bảo đảm môi trường, không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. |
Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2013 của Quảng Trị là tăng trưởng nông nghiệp bền vững gắn liền với xây dựng NTM vẫn là sự quan tâm đầu tiên. Quảng Trị chủ trương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Coi trọng sản xuất lương thực, thực phẩm để bảo đảm an ninh lương thực.
Ngoài ra phát triển ổn định các vùng nông - lâm sản nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Khuyến khích trồng rừng kinh tế theo hướng phát triển rừng phục vụ sản xuất công nghiệp. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là các sản phẩm có nguồn nguyên liệu tại chỗ... Kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết giữa Nhà nước, DN, nhà khoa học và nông dân để không ngừng tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, chú trọng đầu tư nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó chú trọng đầu tư hệ thống các hồ chứa, các công trình thuỷ lợi, hệ thống kênh mương. Phấn đấu diện tích tưới đạt 41.000 ha, diện tích tiêu đạt 7.500 ha, diện tích được ngăn mặn, giữ ngọt đạt 13.500 ha.
Để làm được điều này phải thực hiện tốt các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung hoàn thành các dự án khắc phục hậu quả thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, hồ Đá Mài - Tân Kim, các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất và an toàn hố chứa.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã