1. Giống
Để trồng bí lấy ngọn, bà con nông dân có thể trồng những loại bí ngô thông thường nhưng muốn đạt hiệu quả cao hơn, bà con nên chọn giống bí siêu ngọn cao sản để trồng. Giống bí siêu ngọn có đặc điểm sinh trưởng rất mạnh, ngọn to dài và nhiều nhánh nên có thể thu được rất nhiều ngọn. Khoảng 50 ngày sau gieo là cây đã bắt đầu cho thu hoạch ngọn, năng suất cao và thu hoạch nhiều đợt.
2. Thời vụ
Bí siêu ngọn có thể trồng quanh năm, nhưng tập trung vào 2 vụ chính: vụ Thu Đông: Gieo hạt từ 1/9 - 15/10; vụ Đông Xuân, gieo hạt từ 15/12 - 25/1.
3. Chọn và làm đất
Bí ngô ưa đất tốt, giàu mùn, tơi xốp, thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước vì vậy nên chọn những chân đất cao ráo, đất thịt nhẹ pha cát. Có thể tận dụng các bờ lô, bờ thửa, bờ ruộng để trồng, trồng xen canh trong vườn cây ăn quả khi chưa khép tán nhưng cách gốc các loại cây này khoảng 1m. Cũng có thể tranh thủ trồng một vụ luân canh với lúa mùa sau khi thu hoạch nhưng phải lên luống, khơi rãnh để tránh bị úng ngập dễ bị bệnh thối gốc, thối cây.
Với đất bãi, đất vườn cần cày bừa, lên luống rộng 2m. Với đất lúa mùa, ruộng lúa sau khi gặt song còn ướt tranh thủ cày thành luống rộng khoảng 2 m để trồng cây (đã gieo qua bầu) bằng đất mồi, rồi xăm xới đất trong quá trình chăm sóc sau này.
4. Mật độ và cách gieo trồng
Ngâm hạt giống trong nước ấm từ 6 - 8 giờ. Sau đó vớt ra rửa sạch, đem ủ trong khăn ẩm cho nứt nanh mới đem gieo. Có thể gieo hạt trực tiếp trên hố hoặc gieo vào bầu chăm sóc thành cây giống cứng cáp rồi đem trồng.
- Nếu trồng trên đất bãi, đất vườn thì nên gieo hạt trực tiếp, cây bí sẽ sinh trưởng khỏe hơn. Mỗi hốc gieo 2-3 hạt, khi đã mọc thì chọn giữ lại 1 cây khỏe mạnh, còn nhổ bỏ hoặc để trồng dặm cho những hốc không mọc hoặc mọc yếu.
- Nếu trồng trên đất ruộng lúa mùa (đất ướt) thì tốt nhất nên làm bầu để trồng cây con. Sử dụng hỗn hợp giá thể gồm đất bột + mùn mục (hoặc phân chuồng hoai mục, trấu hun) theo tỷ lệ 1:1 cho vào các khay, bầu. Mỗi ô của khay hoặc mỗi bầu gieo 1 hạt, gieo xong phủ một lớp mỏng hỗn hợp đất mùn trên vừa kín hạt, sau đó tưới ẩm. Sau 2-3 ngày thì cây mọc, thường xuyên chăm sóc và tưới nước giữ ẩm. Khi cây có 2-3 lá thật thì tiến hành ra cây.
Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2m, cây cách cây 30-40cm. Mỗi sào Bắc Bộ (360m2) có thể trồng được 500-600 cây, cao gấp 3-4 lần so với trồng bí để lấy quả.
5. Bón phân và chăm sóc
Mỗi sào Bắc Bộ nên bón lót khoảng 400-500kg phân chuồng, phân hữu cơ đã được ủ hoai mục và 15 - 20 kg phân lân, trước khi gieo hạt hoặc trồng cây. Bón càng nhiều phân chuồng thì cây bí càng sinh trưởng, phát triển khỏe, thu hái được nhiều lứa, bền cây. Nếu đất chua (pH < 6) thì cần bón bổ sung vôi bột để trung hòa độ chua của đất.
Khi cây đã bén rễ, hồi xanh (nếu trồng cây con) hoặc có 2 - 3 lá thật (nếu gieo hạt trực tiếp) nên tưới nhử bằng cách hòa 1 kg đạm urê + 2 kg supe lân vào nước, pha loãng để tưới quanh gốc.
Khi bí đã có 4-5 lá thật, cây sắp ngả ngọn thì bón thúc mỗi sào 1 kg đạm urê + 2-3kg NPK (loại 12:5:10 hoặc 16:16:8) để thúc cây vươn lóng và ngoi ngọn. Bón cách gốc 15 - 20cm, xới nhẹ kết hợp vun gốc cho cây.
Khi ngọn đã bò dài 60-70cm thì bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên bằng cách cắt tất cả các ngọn chính cách gốc 20-30cm. Sau đó, tiến hành nhổ sạch cỏ dại, rạch hàng cách gốc 20-25cm, bón thúc mỗi sào 2,5-3kg đạm urê hoặc NPK (loại 12:5:10 hoặc 16:16:8), lấp đất rồi tưới nhẹ. Khi các chồi gốc đã nảy mầm, ngắt bỏ những chồi nhỏ, yếu, giữ lại mỗi gốc 2-3 chồi khỏe nhất.
Các lứa thu hái tiếp theo cũng làm tương tự, khi ngọn đã dài 60-70cm, cắt ngọn gần sát gốc (để lại 2 - 3 mắt lá) và tiếp tục bón thúc, vun gốc và tưới nước đủ ẩm thường xuyên cho bí ra nhiều chồi mới có chất lượng cao.
* Lưu ý:
- Bón phân xa dần gốc theo tuổi cây, bón sâu 6-7 cm để tăng hiệu quả phân bón.
- Các lần bón phân nên kết hợp làm cỏ trước để tăng hiệu quả phân bón.
6. Tưới tiêu
Ở giai đoạn đầu sau trồng cần tưới nhẹ thường xuyên cho cây mau bén rễ hồi xanh, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
Thời kì sinh trưởng, cây bí ngô cần lượng nước rất lớn, vì vậy cần tưới nước thường xuyên, đảm bảo độ ẩm cho cây mới có năng suất cao, chất lượng tốt.
Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì cây bí không chịu được ngập úng. Ruộng bí quá ẩm để phát sinh bệnh phấn trắng.
7. Phòng trừ sâu bệnh
a. Một số sâu bệnh hại chính trên cây bí ngô:
- Ruồi đục lá: Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá.
- Sâu ăn lá: Thường có mật độ cao khi cây sinh trưởng tốt sau trồng 25-30 ngày, chúng hại búp, lá non.
- Rệp: Thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con.
- Bọ trĩ: Chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn.
- Bệnh héo xanh vi khuẩn: Gây hại ở tất cả các thời kỳ của cây nhưng nghiêm trọng nhất là thời kỳ hoa - quả và bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 25-300C. Bó mạch thâm nâu, cây không hút được nước, héo và chết.
- Bệnh giả sương mai: Gây hại cả thân, lá. Bệnh phát sinh nặng trong điều kiện nhiệt độ dưới 200C, ẩm độ không khí cao.
- Bệnh phấn trắng: Bệnh gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.
- Bệnh khảm lá: Bệnh do virut gây hại, nếu bị bệnh từ khi cây còn nhỏ, cây còi cọc lá xoăn nhỏ và thường không ra quả. Bệnh do côn trùng chích hút truyền bệnh chủ yếu là rệp, bọ trĩ, lây từ cây bệnh sang cây khoẻ.
b. Biện pháp phòng trừ:
- Đối với sâu hại: Áp dụng các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học. Theo dõi phát hiện sớm, khi cần phun các loại thuốc: Elincol 12 ME, Vertimex 1.8EC; Sherpa 25EC, Trebon 30EC (trừ sâu ăn lá), Confidor 100SL, Oshin 20WP, Elsin 10EC (trừ các loại chích hút), … Do tính chất lấy ngọn làm rau nên bà con nông dân cần ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu vi sinh như Bt, NPV, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Phải đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Đối với bệnh hại: Xử lý hạt giống, chọn giống kháng, dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy. Khi cần thiết phải phun thuốc: Phòng trừ bệnh héo xanh bằng cách phun hoặc tưới gốc định kỳ bằng thuốc Funguran-OH 50WP hoặc các thuốc gốc đồng, Exin 4.5 HP (Phytoxin VS), Bactocide,… Trừ bệnh sương mai, phấn trắng bằng một trong các thuốc sau: Juliet 80 WP, Vicarben-S 70 BTN, Daconil 500SC, Đồng oxyclorua (Vidoc) 80 BTN, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Tilt Super 300EC, Bellkute 40WP, Ensino 40 SC, Binhnomyl 50WP, Manage 5WP,...
Theo Ánh Nguyệt/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã