Điển hình nông dân lai tạo giống lúa
Là nông dân quanh năm lo cày cấy, canh tác trên những mảnh ruộng của mình, ông Trần Thanh Hùng (tên thường gọi năm Tùng), ngụ ấp Núi Voi, xã Núi Voi (Tịnh Biên) không hề nghĩ sẽ có ngày bản thân có thể lai tạo ra những giống lúa mới, có chất lượng được khảo nghiệm quốc gia. Ông năm Tùng kể: “Trước năm 2004, tôi được tham gia lớp học lai chọn nhân giống cộng đồng. Ban đầu, tôi nghĩ thì cứ học chứ chắc gì sẽ làm được. Nhưng sau khóa học, tận dụng thời gian rảnh mùa nước, tôi tập tành lai tạo thử. Sau một thời gian cho ra được giống lúa NV1, có đặc tính gạo mềm, thơm. Sau đó, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa đi học thêm một lớp ở Cần Thơ. Từ đó, tôi bắt đầu việc nhân giống lúa đến nay”.
Những năm qua, ông năm Tùng đã cho “ra lò” nhiều giống lúa, trong đó có hai giống lúa được gửi khảo nghiệm quốc gia, gồm: NV1 và ND1. Chia sẻ với chúng tôi, ông năm Tùng còn cho biết: “Trong việc nghiên cứu lai tạo giống lúa, tôi chú trọng nhiều đến chất lượng hạt gạo. Hiện tại, tôi đang nghiên cứu lai tạo giống lúa mùa và các loại giống lúa ngắn ngày khác. Hy vọng sẽ tạo ra thêm nhiều giống lúa có chất lượng”. Từ quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong việc nhân giống lúa, ông năm Tùng đã trở thành một địa chỉ uy tín, là nơi khảo nghiệm bước đầu về các giống lúa mới đối với các tỉnh bạn khi muốn gửi khảo nghiệm quốc gia.
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Ngụ tại ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà (Tri Tôn), Công ty TNHH MTV SD An Giang do ông Nguyễn Lợi Đức làm giám đốc là một trong những cơ sở sản xuất giống lúa ƯDCNC có chất lượng. Mỗi năm, công ty cung cấp trên 2.000 tấn lúa giống cho bà con nông dân trong tỉnh, khu vực ĐBSCL, tỉnh Tây Ninh…
Ông Nguyễn Lợi Đức cho biết: “Công ty TNHH MTV SD thành lập từ năm 2009. Hiện tại, công ty có 100 héc- ta diện tích đất sản xuất giống lúa và 16 hộ dân hợp đồng sản xuất lúa giống cho công ty, với diện tích 150 héc- ta. Giống lúa công ty sản xuất thường là các loại giống có tính kháng bệnh cao và các giống được nông dân ưa chuộng, như: Jasmine, OM 2517, OM 2518, OM 6976, OM 5451… Ngay khi trồng trên ruộng, tất cả các giống lúa đều được cơ quan chức năng kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt. Khi thu hoạch đóng bao bì lại được kiểm định chất lượng một lần nữa, nếu đạt yêu cầu mới cho đưa ra tiêu thụ trên thị trường”.
Để phục vụ cho việc sản xuất các giống lúa, ông Đức đã trang bị các loại máy móc bổ trợ cần thiết, như: Máy san mặt ruộng bằng tia laze, máy gặt đập liên hợp, hệ thống làm sạch phân loại lúa giống… “Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư thêm máy cấy và các thiết bị làm mạ để hạn chế tiền thuê nhân công lao động và đáp ứng kịp thời vụ. Qua đó, ngày càng hoàn thiện quá trình sản xuất lúa giống theo chuẩn CNC”- ông Đức chia sẻ.
Việc tham gia vào tổ sản xuất giống của công ty cũng đã mang lại cho các hộ dân thu nhập ổn định hơn trồng lúa hàng hóa. Mỗi vụ, trung bình thu hoạch khoảng 7 tấn/héc- ta, trừ chi phí, mỗi hộ dân thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Nhờ đó, người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao đời sống...
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết: “Thời gian tới, Tri Tôn tiếp tục thực hiện các quy hoạch về vùng trồng lúa ƯDCNC kết hợp với phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng việc sản xuất giống lúa, để ngày càng nâng cao chất lượng thương hiệu giống lúa An Giang”.
Nguồn: Báo An Giang Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã