Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại An Giang. |
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại An Giang. |
Những thông tin lạc quan về kết quả canh tác lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CÐML) ở An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích nhân rộng ra nhiều nơi khác là những tín hiệu rất tích cực. Ðây là tiền đề mà cũng chắc chắn sẽ sớm trở thành động lực to lớn thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam, nhất là nghề trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tiến nhanh hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên để đạt được những điều mong muốn đó, các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật và cả những nông dân tại từng địa phương phải không ngừng sáng tạo, chủ động ứng dụng những thành tựu mới phù hợp các quá trình điều hành, phục vụ sản xuất. Mà quan trọng hơn là phải nhạy bén, khéo léo, sáng tạo tích hợp những tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng thành công nhiều nơi vào đồng ruộng của mình một cách linh hoạt và phù hợp, để có kết quả sản xuất cao nhất, sản phẩm đạt độ đồng đều cao, chất lượng tốt, nhằm góp phần tạo thế đứng vững chắc cho thương hiệu ở những thị trường đang hướng đến.
Thật ra, bản chất của cánh đồng mẫu lớn là không mới mà đã có từ lâu, đó là mô hình sản xuất lớn mang tính tập thể theo quy hoạch và theo kế hoạch, là bài học "vỡ lòng" cho việc quản lý sản xuất nông nghiệp có từ thời bao cấp. Nay được tổ chức, quản lý thực hiện theo cung cách làm ăn mới, nhằm hướng đến sản xuất hàng hóa chất lượng cao, sản lượng lớn, ổn định để nắm thế chủ động khi tham gia thị trường. Bởi muốn cạnh tranh thắng lợi trên thương trường quốc tế khi hội nhập sâu hơn, hạt gạo Việt Nam phải làm chủ được thị trường, tức phải có khối lượng hàng hóa lớn, đồng đều, có chất lượng tốt, ổn định và giá cả thuyết phục được khách hàng. Muốn thế, gạo của ta phải có thương hiệu uy tín, tức là từng chủng loại gạo theo yêu cầu thị trường phải có sản lượng lớn, chất lượng đồng nhất (cao hoặc thấp) và ổn định. Chỉ có sản xuất theo mô hình CÐML mới có thể đáp ứng tốt các yêu cầu này, chính vì thế CÐML đang rất được chú ý và hiện nó là mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp để tập hợp những nông dân cá thể, quy mô sản xuất nhỏ lẻ thành một cộng đồng lớn hơn, nhằm tạo ra nguồn sản phẩm uy tín với khách hàng.
Ðể hình thành được CÐML trong điều kiện đồng đất bị chia cắt không nhất thiết phải phá bờ, lấp mương hay phải tập trung ruộng đất và làm ăn tập thể theo như quan niệm cũ. Cần hình thành những mối liên kết mới bền chặt, phù hợp ngay trên đồng đất và hiện trạng sản xuất hiện hữu. Nhưng phải trên cơ sở "liên kết bốn nhà" bền vững và có thực chất, mới có thể tận dụng tối đa những lợi thế do các mối liên kết đó mang lại, nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất khi tổ chức sản xuất cây, con nào đó. Ðiều quan trọng là nhất thiết phải cần có những bước chuẩn bị về mặt tư tưởng, nhận thức cho cán bộ và nông dân; cần có quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất phù hợp; tạo dựng được mối liên kết "bốn nhà". Và khi đã vào CÐML, dù sản xuất cây, con gì thì ngay trên đồng ruộng tự thân mỗi nông dân phải hướng vào lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, không được "đánh lẻ", phá vỡ liên kết vì những lợi ích riêng tư cục bộ. Mà phải ý thức rõ ràng đối tượng mình cùng cộng đồng đang tập trung sản xuất là bán cho ai, khách hàng có những yêu cầu gì, sẽ đáp ứng những yêu cầu đó bằng cách nào, khi nào và được lợi ích gì cho bản thân và cho cộng đồng, tập thể? Trong quá trình hình thành và khi đã đi vào hoạt động ổn định, CÐML luôn rất cần mọi thành viên bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, nghiêm túc thực hiện hợp đồng, cam kết và các quy định đã thống nhất, nhằm vươn tới những mục tiêu đã đề ra.
Muốn khẳng định lợi ích của nông dân khi tham gia vào xây dựng vùng sản xuất lúa thành CÐML, các nhà quản lý cần năng động, nhạy bén chọn những tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp để áp dụng vào địa phương mình... Ðặc biệt là cần hướng dẫn ghi chép quy trình sản xuất và chi phí đầu tư vào sổ theo dõi (theo tiêu chuẩn VietGap) để nông dân tự tính toán được giá thành, lợi nhuận mỗi vụ. Ðối với các loại cây, con khác cũng như vậy. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, để hình thành CÐML là một quá trình vận động phát triển, đòi hỏi có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, không chạy theo phong trào! Ở An Giang, khởi đầu khi nông dân vào CÐML thì tất cả chi phí đầu vào, từ hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu... nông dân được mua ứng trước với giá gốc và thanh toán không tính lãi sau khi bán lúa; được bao tiêu sản phẩm hoặc mượn kho trữ gạo một tháng mà không phải trả phí. Nhờ vậy, chi phí sản xuất 1 kg lúa ở CÐML vụ đông xuân 2011 vừa rồi thấp hơn 1.000 đồng/kg so với những nơi khác.
Cái khó hiện nay là khá nhiều hộ dân trong vùng đang sản xuất theo mô hình đa canh, đa cây, con, nhưng lại nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, với tôm - lúa - cá - cua đan xen, gồm nhiều chủng loại giống cây, con khác nhau, mùa vụ khó tập trung, khó tạo thành khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều, ổn định nên không ai đặt hàng và tự sản tự tiêu là chính, vì thế cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra. Ðối với cây lúa, nếu thực hiện được mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trên cơ sở xây dựng sự liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp, nhà khoa học, để tuy là "hộ dù nhỏ nhưng nhờ cùng liên kết để có cả cánh đồng lúa lớn" cùng canh tác một loại giống hoặc một nhóm giống có chung đặc tính, đồng nhất về mặt chất lượng gạo để có sản phẩm cạnh tranh, sẽ là hướng đi đúng, có ý nghĩa đối với nông dân khi hội nhập sâu hơn.
Khi đã hình thành được CÐML thông qua các mối liên kết bền vững thật sự và ổn định sản xuất với mô hình này, nông dân cần được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm; nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn từ khâu chọn giống đồng nhất, làm đất, xử lý giống, gieo cấy... đến thu hoạch, phơi phóng và các kỹ thuật canh tác lúa theo các quy trình canh tác lúa tiên tiến như "ba giảm, ba tăng" hay quy trình "một phải, năm giảm" hoặc tiêu chuẩn VietGap, Global Gap... Ngoài ra còn có thể chọn các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật khác để ứng dụng vào quá trình sản xuất của địa phương mình nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện sản xuất theo CÐML, nông dân cũng tự nâng cao được trình độ về nhiều mặt, biết chủ động áp dụng cơ giới hóa, biết cách tính toán để giảm giá thành, giảm các chi phí trung gian, và được bao tiêu sản phẩm (hoặc gửi lưu kho chờ giá), sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất sẽ ngày càng được nâng cao và đời sống vật chất, tinh thần chắc chắn sẽ sớm có thay đổi tích cực. Các hoạt động dịch vụ kỹ thuật đi vào bài bản, được kiểm soát tốt và hỗ trợ kịp thời cho nông dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, nhà doanh nghiệp sẽ nắm được sản lượng lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng đều, thuận lợi trong việc chủ động nguồn hàng xuất khẩu để xây dựng thương hiệu uy tín, tạo sức cạnh tranh và bán được giá cao.
Về lâu dài, CÐML không chỉ áp dụng cho riêng cây lúa, mà cần suy nghĩ vận dụng thêm cho nhiều cây, con khác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân có tích lũy, xây dựng thành công nông thôn mới.
NGUYỄN VĂN THƯỚC
(Cà Mau)
Theo Báo Nhân dân điện tử
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã