Dù chưa một lần được học ở trường lớp nào, thế nhưng “kỹ sư” chân đất Lê Tất Dũng (SN 1965, thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) không những tự nghiên cứu, thiết kế và xây dựng chiếc cầu phao bắc qua sông Vu Gia giúp cho người dân đi lại đỡ vất vả mà còn chế tạo ra chiếc máy cày đa năng “3 trong 1” để giải phóng sức lao động cho nông dân.
Chiếc máy cày đa năng của ông Dũng được tận dụng từ chiếc xe máy cũ và hết đời với các bộ phận như: máy, nhông, sên xích, tay cầm, vành…
Máy cày đa năng này có cấu tạo gồm: Tay cầm lái, lưỡi cày, bánh lồng làm bằng hai vành xe máy có lưỡi bám đất khi vận chuyển; động cơ xe máy 110 phân khối; hệ thống sên xích tải, kéo có chức năng giảm vòng quay bánh xe tăng sức kéo cho lưỡi cày; hệ thống côn ga và phanh bằng tay. Bình chứa xăng tận dụng bằng chai nước suối. Bình điện (6V, 5A) dùng để đề khởi động máy.
Khung sườn máy cày này được ông Dũng làm bằng sắt V5 hàn nối theo cấu tạo xe lôi, chính giữa khung sườn sắt có một bánh xe định vị cân đối giữa bánh lồng và chiếc cày. Cày sâu hoặc nông là nhờ vào bánh xe định vị này.
Theo ông Dũng, tính năng khó nhất ở máy cày này là làm sao cân đối được vòng tua giữa hệ thống sên xích với động cơ, để kéo được chiếc máy cày đi, bởi động cơ xe máy chỉ có trớn thì mới chạy mạnh được.
Chiếc máy của ông Dũng nhỏ gọn, nhưng công năng rất hiệu quả bởi vừa rọc hàng, vừa cày, tỉa hạt,... giúp bà con bớt đi công lao động và giảm chi phí.
Chiếc máy cày này nâng hiệu quả lao động lên gấp hơn 10 lần so với lao động bình thường và rất có ý nghĩa khi rọc và gieo tỉa các loại cây xen canh trên đất đang trồng các loại cây khác - điều mà các máy cày hiện có không làm được.
Theo ông Dũng, với chiếc máy cày này, chỉ cần 1 lít xăng, chạy một tiếng đồng hồ thì bà con nông dân có thể vừa cày, gieo hạt, lấp hàng… đến 3- 4 sào, và có thể làm 30 - 40 sào/ngày.
Sáng chế chiếc đầu tiên từ tháng 6.2014, đến nay ông Dũng đã bán cho nông dân khắp nơi 25 chiếc và hiện còn nhiều đơn đặt hàng để ông Dũng làm.
Mỗi chiếc máy cày này được làm xong trong từ 5-7 ngày. Với giá bán mỗi chiếc chừng 2,5 triệu đồng, trừ các chi phí, mỗi chiếc máy cày đa năng giúp ông Dũng kiếm được 500 – 700 nghìn đồng. "Dù là thu nhập không bao nhiêu, nhưng thấy bà con nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức trong việc đồng áng là lòng thấy vui hơn”, ông Dũng bày tỏ.
Không dừng lại ở đó, dự định của ông Dũng sắp tới là tiếp tục nghiên cứu và sáng chế được một chiếc máy lặt hạt đậu phụng (máy tuốt lạc) để giúp người nông dân quê nhà.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã