Cải tiến máy lột vỏ keo
Vốn là một thợ cơ khí từng làm việc tại Nhà máy Đường Khánh Hòa, ông Thành đã quen với việc sáng tạo các loại máy cơ khí phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây, ông đã chế tạo thành công máy kết tinh đường công nghệ chân không, sản xuất củi mía và nhiều máy móc cơ khí khác. Gần đây, nhận thấy công đoạn lột vỏ khi khai thác cây keo cần nhiều công sức, trong khi lao động ngày càng khan hiếm, ông liền nghĩ đến việc cải tiến máy lột vỏ keo. Sau 1 năm mày mò, sáng tạo, ông đã thành công trong việc tạo ra chiếc máy lột vỏ keo hiệu quả ngoài mong đợi. Máy hoạt động bằng động cơ 40 mã lực (HP) truyền động bằng hệ thống thủy lực có thể tự điều chỉnh để có thể bóc vỏ tất cả các loại thân keo dù dài, ngắn, to, nhỏ hay cong, thẳng.
Ông Thành cho hay, máy có thể thay thế cùng lúc 30 lao động có tay nghề, công suất 100 tấn/ngày. Với hiệu suất vượt trội, máy tiết kiệm được chi phí thuê lao động tương đương 5,4 triệu đồng/ngày, nhưng chi phí nhiên liệu rất thấp, chỉ 20 lít dầu Diezen/8 giờ (280.000 đồng/ngày). Thông thường, lột 1 cây chủ thuê trả 600 đồng, nhưng nếu cây nhỏ quá nhân công thường bỏ qua, còn máy lột vỏ keo thì tận dụng hết, không bỏ sót.
Đến nay, ông Thành đã sản xuất được 2 chiếc máy lột vỏ keo hoạt động tại địa bàn huyện Khánh Vĩnh, được người dân đánh giá cao. Vừa qua, Hội Nông dân xã đã động viên ông Thành tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 - 2017). Chia sẻ về công trình của mình, ông Thành cho biết: “Máy lột vỏ cây của nước ngoài vẫn có nhưng hiệu quả không cao, máy chạy đi chạy lại 2 - 3 lần mới làm sạch hết vỏ, trong khi máy này chỉ chạy duy nhất 1 lần là sạch”.
Chế tạo máy bốc mía, củi
Cũng xuất phát từ nhu cầu công bốc mía căng thẳng khi vào mùa vụ tập trung, ông Thành đã nghiên cứu chế tạo máy bốc mía, củi đa năng. Ngoài bốc mía, máy còn có thể bốc nhiều loại nguyên liệu khác.
Máy hoạt động dựa trên động lực của xe máy cày 4 bánh, khi hết mùa vụ có thể lắp theo xe cẩu, có sức nâng 0,5 tấn. Máy có cánh tay đòn dài 5m, vươn cao 8m, truyền động cũng bằng hệ thống thủy lực. Máy hoạt động rất linh hoạt, có thể vừa chạy vừa kẹp vật liệu, xoay góc 360 độ. Hiệu quả của máy bốc mía đa năng rất cao, có thể thay thế 7 - 8 công lao động trong vòng 4 giờ, tiết kiệm gần 1 triệu đồng so với thuê mướn nhưng chỉ tiêu tốn 1,2 lít dầu Diezen (16.000 đồng) và 1 công lao động điều khiển.
Ông Thành cho hay, máy bốc mía, củi có thể gắn với dàn động lực của một số loại máy như: máy cày, máy kéo. Máy có thể tháo lắp dễ dàng sau vụ mùa và trả lại hoạt động bình thường cho máy cày, máy kéo sau khi hoàn tất công việc.
Tác giả bài viết: Vĩnh Lạc
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã