Mô hình rau an toàn của THT Lộc Sơn
Nhắc đến TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), người ta thường nghĩ đến cây chè và cà phê - hai loại cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên. Nhưng từ mấy năm nay, các loại rau màu đã đồng hành cùng 2 loại cây chủ lực nói trên và không ít vùng đã giàu lên nhờ trồng rau an toàn.
Một trong những điển hình đó là phường Lộc Sơn, vùng đất xưa kia được gọi là xóm Ruộng. Anh Vũ Văn Chiến, một trong số những người đầu tiên vào đây lập nghiệp cho hay, do đất đai màu mỡ, thời thiết thuận lợi với hầu hết các loại rau màu như cải bẹ xanh, xà lách, rau muống, rau dền, su hào, cải bắp, cà chua… nên từ nhiều năm nay, nghề trồng rau trở thành thu nhập chính.
Từ năm 2008, Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã tài trợ kinh phí, tổ chức cho bà con ở xóm Ruộng đi tham quan, học tập cách trồng rau công nghệ cao, trồng rau trong nhà kính, nhà lưới tại TP Đà Lạt.
Sau khi tham quan trở về, năm 2009, Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp đã hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con xóm Ruộng thành lập Tổ hợp tác (THT) SX rau an toàn Lộc Sơn, đồng thời xây dựng 2 mô hình trồng rau trong nhà lưới (mỗi mô hình 500m2) làm theo quy trình VietGAP. Kết quả cho thấy, mô hình cho năng suất cao, ít sâu bệnh hơn. Và quan trọng hơn cả là sản phẩm sạch, an toàn. Đây là THT SX rau an toàn đầu tiên và duy nhất ở Bảo Lộc tính đến thời điểm này.
Để mô hình đạt hiệu quả, Phòng Kinh tế với đơn vị phối hợp thực hiện đã triển khai các lớp tập huấn cho các hộ nông dân về phương pháp xây dựng mô hình rau an toàn theo chương trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Tham gia lớp học, nông dân được kiểm tra về kiến thức canh tác, khả năng hiểu biết sử dụng thuốc BVTV, phân bón, nước tưới, thu hoạch và bảo quản rau…
Qua đó, huấn luyện cho nông dân cách quản lý điểm SX, giống cây trồng, phân bón, chất phụ gia cho đất, sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, kiểm soát động vật, sinh vật gây hại cũng như bảo quản, vận chuyển rau sau thu hoạch để tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Hiện tại, mô hình được triển khai cho 22 hộ dân ở xóm Ruộng, trên diện tích 11ha; trong đó, những mô hình rau củ như cải ngọt, dưa leo, hành được thử nghiệm trong nhà lưới.
Ông Nguyễn Văn Dực, người tham gia mô hình cho biết: "Rau SX theo mô hình cho chất lượng cao, giảm chi phí phân bón, nhưng lại tăng từ 25 - 30% sản lượng so với canh tác theo kiểu thông thường. Bên cạnh đó, rau trồng trong nhà kính cũng hạn chế các rủi ro như sâu bệnh, thời tiết. Hiện tại, rau của chúng tôi được siêu thị Co-opmart Bảo Lộc nhập hằng ngày với số lượng từ 3 - 4 tạ. Bình quân mỗi tháng thu khoảng 60 - 70 triệu đồng".
Anh Khoa Ngọc Thường, Tổ trưởng THT SX rau Lộc Sơn cho biết: “Hiện THT Lộc Sơn có 20ha rau các loại. Trong đó có 5ha rau trồng theo chuẩn VietGAP. Rau ở đây trồng quanh năm và phần lớn trồng các loại rau ăn lá trong nhà lưới để hạn chế sâu bệnh và hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV. Bình thường, sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 2 - 3 tấn rau/ngày. Riêng trong mùa khô (vụ đông xuân) thì rất thích hợp với các loại rau, nên sản lượng tăng lên đến 7 - 8 tấn rau củ quả các loại/ngày”.
Hiện THT SX rau Lộc Sơn đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Siêu thị Co-opmart Bảo Lộc và các đầu mối rau ở TP Bảo Lộc. Hơn 4 năm nay, THT đã quy hoạch thành vùng trồng rau tập trung và đã được cấp giấy chứng nhận vùng SX rau an toàn. Năm 2014, THT đã được cấp giấy chứng nhận rau VietGAP.
Tuy nhiên, lượng tiêu thụ theo hợp đồng với siêu thị chưa nhiều so với sản lượng. Do khâu tuyên truyền chưa tốt nên ở thị trường, người tiêu dùng chưa phân biệt được rau an toàn hay rau không an toàn. Vì thế, để giúp bà con phát triển bền vững, cần quảng bá thương hiệu Rau an toàn Lộc Sơn tới đông đảo người tiêu dùng trong thời gian tới.
"Trước đây, bà con trồng rau ở Lộc Sơn SX theo lối truyền thống, cứ thấy sâu là phun thuốc diệt, thấy kém phát triển là phun thuốc tăng trưởng. Bón phân chuồng cũng không qua xử lý, vừa ô nhiễm môi trường mà nhiễm khuẩn cả trên rau, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, nhiễm vi sinh vật mức cao là điều không thể tránh khỏi, rất nguy hiểm cho người sử dụng. Từ khi triển khai dự án, chúng tôi đã trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho người dân. Kết quả lớn nhất có được là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cung cấp từng sản phẩm sạch cho thị trường”, Thạc sỹ Nguyễn Văn Quảng, Chủ nhiệm đề tài SX rau an toàn VietGAP phường Lộc Sơn. |
Theo Hồng Thủy/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã