Từ suy nghĩ của nhà doanh nghiệp… Kỹ sư – Giám đốc Công ty CP VTNN Hà Tĩnh Võ Thanh Hải là con người gắn bó nhiều năm với nông nghiệp- nông thôn. Qua quá trình hàng chục năm kinh doanh phân bón, thường xuyên tiếp xúc với nông dân và các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, anh biết rằng trên địa bàn Hà Tĩnh hàng năm cần gần 7.000 tấn giống lúa các loại, với doanh số xấp xỉ 140 tỷ đồng, nhưng người nông dân phải tự lo đến 80%, 20% còn lại do 6-7 cơ quan cung ứng. Hầu hết các giống lúa hiện có đang nặng về năng suất, dài ngày. Trong lúc đó, do biến đổi khí hậu và đặc điểm địa lý miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng rất cần bộ giống lúa ngắn ngày, đông xuân khoảng dưới 140 ngày, hè thu khoảng dưới 100 ngày mới đảm bảo an toàn né tránh thiên tai hiệu quả nhất.
KS Võ Thanh Hải đang kiểm tra cánh đồng mẫu lúa Gia Lộc 102 tại Điện Bàn - Quảng Nam
Mặt khác, khảo sát thực tế thấy lúa hàng hóa trong dân rất thấp; lúa nhiều nhưng không bán được, lý do chính là vì chất lượng gạo kém. Bên cạnh đó, mặc dù đã được nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, song người nông dân vẫn phải chịu giá giống quá cao, gấp hơn 4-5 lần so giá thóc thịt họ bán ra. Xuất phát từ suy nghĩ: “lợi ích doanh nghiệp phải nằm trong lợi ích cộng đồng”, để tháo gỡ thiệt thòi cho người nông dân, tìm lời giải ba câu hỏi trên, Giám đốc Võ Thanh Hải lặn lội tới nhiều miền quê, đến với nhiều nhà khoa học tìm hiểu thực tế, tham khảo ý kiến. Cuối cùng nguyện vọng của anh được các đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học Viện Cây lương thực & Thực phẩm chấp nhận, cung cấp các nguồn giống để giúp đơn vị anh khảo nghiệm, sản xuất thử. Con đường đến khoa học không phải bao giờ cũng suôn sẻ, phẳng phiu. Võ Thanh Hải không nhớ hết số lượng những chuyến đi, những lần dự hội thảo đầu bờ trên đất Hà Tĩnh và các tỉnh bạn. Đặc biệt, nghe nơi nào bàn về vụ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao là anh tìm đến, dự nghe bằng được. Anh bỏ nhiều thời gian vào tận Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình (Quảng Nam) bám ruộng lội đồng, cùng bà con nông dân một số xã ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà , Kỳ Anh, Đức Thọ, Hồng Lĩnh nghiên cứu thực trạng đồng lúa, nhất là ở thời điểm lúa trổ- chín để tính toán, so sánh các thông số giống lúa mà Công ty đang trồng khảo nghiệm. Thật khó thống kê hết hàng chục giống lúa mà anh và công ty đã bỏ công sức nghiên cứu mấy năm qua. Một cựu kỹ sư của Viện, sau khi nghỉ hưu nhận lời cộng sự với anh để lo bộ giống, đã từng nhận xét: “Anh Thanh Hải là dân VTNN mà say mê làm lúa hơn cả nhiều anh em chuyên về giống cây trồng. Là người con vùng quê lúa Đức Thọ, anh thấm thía nổi đau mất mát của người nông dân mỗi khi lũ lụt tới. Giá như có bộ giống hè thu sớm hơn chỉ dăm bảy ngày thôi thì hay biết mấy. Ở xứ mình, nhiều khi chỉ cần nhanh hơn một vài ngày có thể cứu vãn được biết bao công sức của người lao động. Hai từ “giá như” đó đã trở thành nỗi trăn trở, đau đáu trong cả giấc ngủ, bữa ăn, khiến anh quyết tâm bỏ công sức, chất xám, đầu tư hàng tỷ đồng để tìm ra giống lúa mới. … Đến giống lúa “có một không hai”! Tại cuộc Hội thảo đầu bờ diễn ra cuối tháng 3/2013 tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình (Quảng Nam), khách mời từ Hà Nội, Hà Tĩnh vào lẫn các nhà chuyên môn của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đều trầm trồ, ngạc nhiên trước những cánh đồng mẫu giống lúa Gia Lộc 102 bông sây, hạt mẩy của Công ty CPVTNN Hà Tĩnh. Hầu như tất cả ý kiến phát biểu của các chuyên gia nông nghiệp tại Hội thảo đều có chung nhận xét: So với bộ giống hè thu chủ lực cũng như nhóm đặc thù hiện đang được sử dụng trên đất Hà Tĩnh và miền Trung hiện nay thì Gia Lộc 102 có nhiều ưu điểm vượt trội. Đó là, thời gian sinh trưởng ngắn (hè thu 85-90 ngày, đông xuân 105-110 ngày) sớm hơn các giống lúa khác 7-8 ngày; khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu, sâu cuốn lá; chịu đựng khá trong điều kiện thời tiết khô hạn cũng như mưa rét; năng suất đạt từ 65-68 tạ/héc ta, cá biệt có hộ đạt đến 70-75 tạ /héc ta; lúa có dạng hạt gạo dài, cơm thơm, mềm, dẻo. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Miền – một trong những tác giả Gia Lộc 102 của Viện Cây lương thực & Thực phẩm, giống Gia Lộc 102 sau nhiều năm nghiên cứu đã được Bộ NN&PTNN cho sản xuất thử từ vụ đông xuân 2011-2012. Qua thực tế năm nay thấy khá hơn ở độ đồng đều, năng suất, chất lượng gạo, cơm mềm, dẻo,đậm và thơm. Đặc biệt là thời gian sinh trưởng ngắn, rất hợp với vùng thấp trũng, lũ lụt sớm. Cũng theo Thạc sĩ Miền, chúng ta không thể yêu cầu một giống ngắn ngày mà năng suất phải cao như các giống dài ngày khác. Hơn nữa, với nước ta hiện nay, năng suất không còn đặt nặng, vấn đề quan trọng hàng đầu là chất lượng gạo. Gia lộc 102 đã đáp ứng tốt điều đó. Kỹ sư Hưng, một cán bộ của ngành nông nghiệp Quảng Nam cho biết, thời vụ ở trong này sớm hơn Hà Tĩnh một tháng trời, rất thuận lợi để làm giống hè thu cho ngoài đó. Trong số hàng trăm đơn vị làm giống trên đất Quảng Nam với mấy chục loại giống thì Gia Lộc 102 là nhiều ưu điểm nhất. Bà con nông dân ở đây tinh nhạy lắm, vì thế vụ đông xuân năm 2012-2013 mặc dầu tỉnh chưa có chủ trương, họ đã tự động làm hơn 100 héc ta. Ngành sẽ tham mưu cho tỉnh chính thức đưa bộ giống Gia Lộc 102 vào sản xuất từ vụ đông xuân 2013 này. - Với Quảng Nam thì đã rõ, song đối với Hà Tĩnh kết quả cụ thể đến nay ra sao, thưa anh? Mắt lấp lánh niềm vui, nụ cười rộng mở, Giám đốc Võ Thanh Hải trả lời tôi: “Công phu lắm anh ạ. Để có kết quả như hôm nay. Công ty đã đầu tư vào đây gần tỷ bạc cho vụ hè thu lẫn đông xuân từ năm 2011 đến nay. Đơn vị thành lập hẳn một bộ phận chuyên lo sản xuất, khảo nghiệm. tìm kiếm giống. Mỗi vụ, chúng tôi cho khảo nghiệm khoảng 100 héc ta ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ, Thạch Hà, dăm chục héc ta ở Quảng Nam. Kết quả cho thấy rất rõ sự ưu việt của Gia Lộc 102 trên mọi đồng đất. Bà con ở Thạch Xuân, Đức Lạng, Cẩm Quang nhìn đồng lúa bội thu, phấn khởi nói vui: “Gia Lộc 102 phải gọi là giống lúa có một không hai mới đúng”!. Qua khảo nghiệm ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Bắc đến đồng đất miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Nam càng thấy tính thích ứng của nó rất rộng” Điều đáng mừng là, từ thành công đó, hai năm nay Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nhất trí chỉ đạo các địa phương phối hợp với Công ty đưa giống Gia Lộc 102 vào cơ cấu. Sau khi làm việc với các địa phương trong tỉnh, vụ hè thu này Công ty chuẩn bị đủ lúa giống để sản xuất từ 1.500 đến 2.000 héc ta. Các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Đức Thọ đã đưa Gia Lộc 102 vào trong đề án sản xuất. Công ty chủ trương đầu tư toàn bộ phân bón Việt – Nhật theo phương thức cho vay trả chậm sau khi thu hoạch, nếu bà con nông dân có nhu cầu. Hiện tại, giá lúa giống Gia Lộc 102 rẻ hơn hẳn các loại giống đang được sử dụng trên địa bàn Hà Tĩnh. Khi đã sản xuất đại trà được tại chỗ, chắc chắn giá còn rẻ hơn nữa- Giám đốc Hải khẳng định. Chứng kiến nhiều bà con ở TP Hà Tĩnh đến Công ty mua gạo Gia Lộc 102, tôi thật sự vui mừng trước thành công của các anh. Chỉ vào bao bì xinh xắn, đóng 10 kg gạo, có lô gô của Công ty VTNN Hà Tĩnh với câu ca dao khá bắt mắt: “Gia Lộc mang lộc đến nhà/ Gạo thơm, cơm dẻo đậm đà hương quê”, cô giáo Phan Thị Mân nói với tôi: “Cả nhà em và bà con ở các phường Nguyễn Du, Trần Phú TP Hà Tĩnh lâu nay hầu như chỉ dùng loại gạo này. Gia Lộc 102 hạt gạo đẹp, dễ nấu, cơm vừa thơm, vừa mềm, giá cả rất hợp lý. Chỉ mong Công ty sớm nhân rộng nó ra cả tỉnh để ai cũng được thưởng thức loại gạo đặc sản này!” Khắc Hiển |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã