Đây là ý kiến của gần 20 nhà sáng chế nông dân trong buổi gặp gỡ, chia sẻ với nhau do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 28-4, tại TPHCM.
Ông Phạm Hoàng Thắng, một nhà sáng chế tại Thành phố Cần Thơ cho biết, với nhiều nhà sáng chế để nghiên cứu ra được sản phẩm phải cầm cố tài sản, thậm chí bán nhà; và nghiên cứu ra sản phẩm lại hết tiền để thương mại hóa.
Năm 2000, sau khi thiết bị gieo hạt của ông Thắng đã nghiên cứu thành công, tự ông phải kéo xe đến các tỉnh, xuống tận các huyện, các xã để phổ biến, trình diễn cho nông dân. “Nông dân thấy được lợi ích, nhu cầu máy lúc đó rất cao, mỗi năm có thể bán được 50.000-70.000 cái, nhưng không có vốn đành chịu,” ông Thắng nhớ lại.
Theo ông Thắng, thiết bị của ông gieo được 3 - 4 hec-ta mỗi ngày, tiết kiệm được 50% giống so với sạ tay; các nhà khoa học cũng tính toán giảm được 50kg phân bón/hec-ta trong một vụ.
Dù thành lập doanh nghiệp 15 năm nay, sản phẩm ứng dụng rộng rãi trong cả nước và cũng được công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH-CN), nhưng đến nay ông vẫn duy trì quy mô cơ sở hộ gia đình, chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước.
Ông Thắng muốn được nhà nước hỗ trợ về đất đai, vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất nhưng bao năm qua vẫn không có được cái nào.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Huyện Châu Phú, Tỉnh An Giang chia sẻ, chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu cao, nhưng phải bán giá thấp để nông dân được lợi. Mà giá thấp lại không có đủ kinh phí để nghiên cứu cái mới, trong khi việc nghiên cứu, cải tạo để giúp tăng năng suất thì yêu cầu rất nhiều.
“Bộ KH-CN nên có hỗ trợ cho nông dân nghiên cứu, cải tiến, hoặc sáng tạo những thiết bị mới để giúp cơ giới hóa, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, phục vụ cộng đồng, thay vì để nhà sáng chế nông dân tự bơi như hiện nay”, ông Dũng kiến nghị.
Ông Lê Phước Lộc, nhà sáng chế nông dân tại Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang, mong muốn nhà nước cần có kênh cho các nhà sáng chế nông dân trình bày ý tưởng của mình, với những giải pháp khả thi thì tài trợ vốn. Nếu thành công sẽ trả lại vốn, nếu chưa thành công cũng cần có sự hỗ trợ; chứ lấy tiền nhà ra cầm cố nghiên cứu thất bại lâm vào cảnh hộ nghèo xã hội lại phải gánh.
Chủ tịch CLB hỗ trợ nông gia, ông Nguyễn Thể Hà, kể: Không ít nhà khoa học đến nhờ công ty ông (công ty Bùi Văn Ngọ) chế tạo máy sau đó viết báo cáo để lấy tiền nhà nước. Trong khi đó những nhà sáng chế nông dân thật sự cần tiền để chế tạo máy ứng dụng vào thực tế lại không có được nguồn hỗ trợ tài chính nào.
Theo Thái Ngọc (Kinh tế Sài Gòn online)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã