Học tập đạo đức HCM

Nông dân Lâm Đồng làm rau VietGAP

Thứ hai - 29/06/2015 06:29
Nhận tin nóng sốt, tổ hợp nông dân huyện Đơn Dương và Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng vừa được trao chứng nhận VietGAP và tổ chức một buổi lễ ra mắt hoành tráng, tôi lên đường gặp họ để xem làm rau VietGAP như thế nào. Nông dân ở Lâm Đồng bây giờ ra đồng chẳng còn “đầu tắt mặt tối” như xưa...

Kiểm soát chặt chất lượng

Anh Đinh Xuân Toản (thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) là Tổ trưởng tổ sản xuất rau VietGAP của Cty Metro Cash & Carry Vietnam (kho trung chuyển rau củ quả Đà Lạt, có trụ sở đóng tại huyện Đức Trọng) đang tất bật chỉ huy mấy anh thợ sắt dựng khu nhà kính 1.200m2 công nghệ Pháp ngay trong vườn nhà bỏ dở việc, vào nhà mở tủ lục mấy cuốn sổ ghi chép chỉ cho tôi xem nhật ký sản xuất của từng hộ, từng giống cây trồng, từng loại thuốc bảo vệ thực vật, từng loại phân bón... Anh nói: “Với cách làm này, sản phẩm của chúng tôi khi đến người tiêu dùng... rủi có vấn đề gì thì cơ quan chức năng dễ dàng truy đến tận nguồn gốc xuất xứ. Ngược lại, khi tiêu thụ, sản phẩm của nhà nông ở đây có giá cao hơn, được khách hàng tin hơn vì chất lượng đạt tiêu chuẩn đặt ra hơn”.

Tôi nhờ Nguyễn Ri Mi Phong, cán bộ kỹ thuật của kho trung chuyển rau củ quả Đà Lạt của Metro Cash & Carry Vietnam - người đang “nằm vùng” tại Suối Thông (Đạ Ròn, Đơn Dương) - đưa đi thăm đồng, thăm những nông dân làm rau VietGAP. Ngồi sau xe máy của Phong, tôi tranh thủ hỏi: “Nghe bảo Phong trước đây có thời làm cho Dalat Hasfarm, nay về Metro, phụ trách hướng dẫn kỹ thuật tổ hợp tác nông dân ở đây, em thấy sao?”. Anh chàng kỹ sư nông học (đang học dở thạc sĩ) tuổi 32 này thật thà: “Cái nào cũng có sự hay. Nhưng được “cắm chân” ngay trên đồng ruộng để hướng dẫn bà con nông dân làm rau VietGAP hay hơn anh à! Thu nhập không đáng nói lắm, nhưng em hài lòng vì được làm đúng với nghề mà mình đã học”.

Phong dừng xe bên vệ đường. Phía bên trên là vườn rau VietGAP của anh Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1963, trú tại Suối Thông B2, Đạ Ròn). Anh Phúc là một trong những người vào tổ hợp tác sản xuất rau ở đây ngay từ đầu (2007) nên tỏ ra thạo tin: “Tổ hợp tác của chúng tôi hiện có 20 thành viên, diện tích sản xuất là 25ha. Rau củ của 20 hộ thành viên chúng tôi làm ra cung cấp tất tật cho Metro. Trước, nhà nông chúng tôi làm theo tiêu chuẩn Metro Requirements, nay thì nâng lên thành tiêu chuẩn VietGAP”.

Anh Phúc hiện đang có 1,3ha đất nông nghiệp sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho Metro. Ba loại cây trồng chính được anh trồng theo hướng dẫn của Metro là bắp cải, cà chua và cải thảo; thỉnh thoảng, theo lịch vụ, một phần trong diện tích này sẽ được chuyển sang trồng xà lách, cà tím... “Tùy theo nhu cầu của thị trường mà luân canh. Hơn nữa, sản phẩm làm ra được đảm bảo tiêu thụ hết. Kể cả những lúc nông sản rớt giá thì nông dân là thành viên trong tổ hợp tác của chúng tôi cũng được đảm bảo không lỗ vốn”. Tôi quay sang hỏi Phong: “Nhờ vào đâu? Metro có bù lỗ?”. Phong chắc nịch: “Không bù lỗ. Vì Metro luôn dự báo thị trường khá chính xác. Với lại, sản phẩm được làm ra ở đây được tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống siêu thị Metro trong cả nước nên vấn đề đầu ra luôn đảm bảo. Ví dụ, có lúc cà chua ở Đơn Dương chỉ còn vài ngàn đồng 1kg, Metro vẫn thu mua ở mức giá đảm bảo cho nông dân không lỗ, hoặc có lời chút đỉnh; và khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị thì vẫn đảm bảo tiêu thụ hết và có lời chút đỉnh, hoặc ít nhất là huề vốn”.

Anh Nguyễn Minh Thắng - một trong những tổ viên của Tổ hợp tác rau VietGAP ở Suối Thông B2 nói: “Tôi làm với Metro 7 sào, làm từ 6 năm nay rồi. Hiện 7 sào của tôi được trồng 2 sào sú đang thu hoạch, 2 sào sú khác được gần 20 ngày tuổi (hai tháng rưỡi là thu hoạch), 3 sào còn lại đang trồng cà chua giống ana theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. 6 năm rồi tôi chưa bao giờ phải “mất ăn mất ngủ” như những hộ nông dân sản xuất tự do ở bên ngoài. 2 sào sú của tôi cho thu khoảng 10 tấn, tương đương 70 triệu đồng, cứ trừ khoảng gần 40% chi phí đầu vào thì biết ngay lợi nhuận. Nói chung, làm theo VietGAP với Metro sẽ có thu nhập cao hơn từ 15 - 25% so với làm bình thường trước đây!”.

Xu thế tất yếu

Vậy, những nông dân ở Đơn Dương (và ở một vài địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng) làm rau theo tiêu chuẩn Metro Requirements so với tiêu chuẩn VietGAP có gì khác, có gì khó hơn? Anh Đinh Xuân Toản khẳng định: “Hai tiêu chuẩn tuy có sự khác nhau nhưng về cơ bản là tiêu chuẩn này chính là cái nền để thực hiện tiêu chuẩn kia nên bà con nông dân ở đây không mấy bỡ ngỡ khi chuyển đổi. Ở tiêu chuẩn Metro Requirements, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Metro. Còn bây giờ, làm theo tiêu chuẩn VietGAP thì đây là tiêu chuẩn quốc gia nên sản phẩm của bà con được tiêu thụ rộng rãi hơn. Về lý thuyết thì “rộng rãi” hơn là vậy, nhưng trong thực tế thì sản phẩm của bà con làm ra không đủ để cung cấp cho Metro...”. Anh Toản vừa lật lật mấy cuốn sổ ghi chép kiểu nhật ký gieo trồng vừa nói thêm để tôi dễ hình dung “tâm thế” của nhà nông VietGAP ở đây: “Có nhiều mối đến đặt hàng rau VietGAP với nhà vườn Suối Thông nhưng mọi người đều từ chối. Vì, thứ nhất là không đủ hàng, thứ hai là vì “chữ tín” với Metro - đơn vị đang giúp chúng tôi làm nông theo kiểu mới”.

Anh Võ Văn Tuấn - cán bộ quản lý thu mua ngành rau củ quả của kho trung chuyển rau củ quả Đà Lạt thuộc hệ thống Metro Cash & Carry Vietnam cho tôi biết thêm: Sau khi thành lập kho trung chuyển rau củ quả Đà Lạt, bắt đầu từ 2007, Metro Cash & Carry Vietnam đã đặt ra nhiệm vụ cho mình là huấn luyện nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn MetroGAP (Metro Requirements) để tạo nguồn hàng đầu vào vừa ổn định, vừa có nguồn gốc xuất xứ và vừa đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến đầu 2014 đến nay, Metro đã chuyển đổi từ tiêu chuẩn MetroGAP sang VietGAP được 40 nông dân, vừa phát triển thêm 15 nông dân sản xuất theo VietGAP; và cũng theo tiêu chuẩn VietGAP, đang có 25 nông dân được đào tạo. Cho đến lúc này, Metro đã có 55 nông dân ở Lâm Đồng được cấp chứng nhận VietGAP với tổng cộng 100ha đất sản xuất rau củ quả đạt chuẩn VietGAP tại 3 vùng nguyên liệu chính là Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt.

 

 

 

 Cán bộ kỹ thuật Nguyễn Ri Mi Phong và thành quả nông sản VietGAP của nông dân.Ảnh: KD 

Theo tiêu chuẩn này, 55 nông dân VietGAP Lâm Đồng ở 3 vùng nguyên liệu mỗi tháng cung cấp cho hệ thống Metro trong cả nước 600 tấn hàng rau củ với 72 sản phẩm các loại. “Đặc biệt, 72 sản phẩm rau củ quả của nhà nông Lâm Đồng khi bước vào Metro đều được kiểm chứng tiêu chuẩn VietGAP và hơn thế là phải đạt được tiêu chuẩn HACCP” - anh Võ Văn Tuấn nói thêm. Cán bộ kỹ thuật Nguyễn Ri Mi Phong giải thích: “HACCP là cụm từ tiếng Anh viết tắt: Hazard Analysis Critical Control Point, có nghĩa là hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua việc phân tích mối nguy và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các điểm tới hạn”. Anh Đinh Xuân Toản tiếp lời: “Nhà nông chúng tôi được huấn luyện những thứ này rất kỹ. Phải làm theo xu thế tất yếu này thôi. Vì, chỉ sơ sẩy trong sản phẩm của mình một tẹo thôi là... chết ngay!”. Rồi anh Toản nửa đùa nửa thật: “Cái bắp sú này của tôi khi đưa đến đâu đó trong hệ thống mà xảy ra “chuyện” thì hệ thống ghi chép này sẽ “mách bảo”tất cả!”.

Những con số do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cung cấp: Lâm Đồng hiện có gần 40.000ha đất nông nghiệp được sản xuất theo kiểu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, riêng cây rau chiếm đến 11.887ha. Một trong mười mục tiêu mang tầm chiến lược Lâm Đồng đặt ra cho địa phương phấn đấu trong những năm tiếp theo đó là “Xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm rau hoa không chỉ ở Việt Nam mà ở khu vực Đông Nam Á”. Như vậy, để trở thành một trung tâm rau - hoa mang tầm khu vực Đông Nam Á, Lâm Đồng rất cần những nông dân ra đồng với tâm thế mới như những nông dân ở Đơn Dương vừa được cấp chứng nhận VietGAP như vừa kể.

Theo laodong.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập295
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm293
  • Hôm nay33,575
  • Tháng hiện tại939,677
  • Tổng lượt truy cập91,003,070
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây