Vải thiều Lục Ngạn là một trong những loại nông sản thế mạnh của tỉnh Bắc Giang, mỗi năm đạt khoảng 140.000 – 160.000 tấn mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Nhưng có đến 60% sản lượng tiêu thụ thị trường nội địa, 40% sản lượng được xuất khẩu (chủ yếu qua Trung Quốc). Đưa quả vải nói riêng và nông sản Việt đi xa, đến với những thị trường khó tính phải có công nghệ bảo quản đảm bảo chất lượng nông sản sau thu hoạch.
Công nghệ túi MAP được Viện Hóa học phát triển có thể kéo dài thời gian bảo quản nông sản. Ảnh: Hồng Nhung
Viện Hóa học (VAST) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo ra “Công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng nông sản bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP”, công nghệ này được hoàn thành nghiên cứu vào tháng 8.2016.
TS Trịnh Đức Công – Viện Hóa học cho biết, nguyên lý của túi MAP là bọc sản phẩm trong một lớp màng có độ thẩm thấu khí chọn lọc – hút CO2 và đẩy oxy, hạn chế quá trình hô hấp của rau quả, ngăn trái cây chín nhanh và bảo quản được lâu hơn. Màng bao gói được chế tạp từ các loại nhựa nhiệt dẻo và được sử dụng ở dạng nguyên sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bước đầu, VAST đã xây dựng mô hình bảo quản 5 tấn vải thiều Lục Ngạn bằng túi MAP. Vải vừa thu hoạch được ngâm 7 phút trong nước 47 độ C để giảm vi sinh vật, sau đó ngâm 6 phút trong dung dịch axit oxalic pH=3 để ổn định màu vỏ rồi cho vào túi MAP buộc chặt, bảo quản ở nhiệt độ 4 – 5 độ C, độ ẩm 85 – 90%. Vải sau khi cho ra kho chỉ cần giữ ở nhiệt độ 16 – 18 độ C. Kết quả cho thấy, trong 30 ngày, màu sắc, hương vị và chất lượng quả vải đạt 98% như ban đầu.
Với giá thành rẻ (1.000 – 1.500 đồng/túi) và dễ sử dụng công nghệ MAP được kỳ vọng sẽ giúp người nông dân thoát khỏi cảnh bị chèn ép giá khi vải chín rộ, hay cám cảnh “được mùa rớt giá” như: Dưa hấu, hành tím, thanh long. Đồng thời tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Ngoài dự án về MAP, hiện VAST đang xây dựng mô hình trồng nghệ theo hướng GACP, phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất để chiết xuất curcumin từ củ nghệ làm thực phẩm chức năng và một số sản phẩm có giá trị cao, năng suất giống nghệ trồng trên chân đất ruộng đạt 40,5 tấn/ha, trên đất vườn đạt 23 tấn/ha, trên đất đồi đạt 20 tấn/ha và doanh thu bình quân từ 160 -320 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, giai đoạn 2014 – 2017, Bộ KHCN đã triển khai 5 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho tỉnh Bắc Giang với tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ là 15,6 tỷ đồng. Ví dụ như: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vườn giống cam sạch bệnh”; “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và bảo quản khoai tây sạch bệnh” có năng suất trung bình đạt 17-18 tấn/ha và diện tích trồng khoai tây mở rộng từ 2.500ha lên 4.000ha.
theo http://danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã