Tuy nhiên cùng với sự gia tăng diện tích nuôi thì những bất cập về con giống cũng ngày càng hiện rõ. Sản xuất tôm càng xanh giống trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu cho người nuôi do việc thả giống mang tính tập trung theo mùa nước nổi. Vì vậy phần lớn tôm giống hiện nuôi ở địa phương có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc, Thái Lan với giá thành rất cao, nguồn giống chưa được kiểm soát và mang đến rất nhiều rủi ro cho người nuôi tôm.Vì vậy, để đáp ứng con giống có chất lượng tốt, từ năm 2008, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã tiến hành chương trình chọn giống tăng sinh trưởng trên tôm càng xanh. Hệ số di truyền bước đầu được tính toán về tính trạng tăng trưởng ở mức trung bình (0,2 – 0,3). Hiệu quả chọn lọc tính trạng tăng trưởng đạt trung bình khoảng 10% / thế hệ.
Nhằm góp phần khẳng định hiệu quả của giống tôm đã qua chọn lọc, đồng thời so sánh hiệu quả kinh tế với giống tôm tại địa phương, Trạm Thủy sản huyện đã tiến hành thực hiện mô hình: “Nuôi thử nghiệm tôm càng xanh bằng con giống đã qua chọn lọc từ nhiều dòng bố mẹ” do KS. Nguyễn Sỹ Khánh là chủ nhiệm đề tài.
Mục tiêu: Thử nghiệm về mặt hiệu quả khi nuôi tôm càng xanh đã qua chọn giống trong điều kiện và mô hình thực tế của huyện.
Nội dung: So sánh các chỉ tiêu tăng trưởng (chiều dài, trọng lượng), năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế giữa tôm giống đã được chọn lọc và tôm giống địa phương.
Đề tài được thực hiện tại ao nuôi của hộ ông Trần Văn Phát, ngụ tại khóm 5, Thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Bố trí 2 ao liền kề nhau bao gồm ao thử nghiệm thả tôm giống đã qua chọn lọc (sau đây gọi tắt là tôm chọn giống) từ Viện nghiên cứu NTTS II và ao đối chứng thả tôm giống có nguồn gốc từ Thái Lan và đã thông qua kiểm dịch của cơ quan quản lý tại địa phương. Tôm giống từ 2 nguồn này đều có chiều dài khoảng 1,2-1,5 cm, và có cùng ngày tuổi (post 15). Thời gian thả giống đối với ao thử nghiệm là ngày 2/6/2013 và ao đối chứng là ngày 4/6/2013. Hai ao có cùng chế độ chăm sóc và quản lý.
Sau quá trình nuôi thử nghiệm tôm càng xanh từ con giống đã qua chọn lọc từ nhiều dòng bố mẹ tại huyện Tam Nông, chúng tôi có một số kết luận sau:
- Trong cùng điều kiện nuôi về mật độ, thức ăn, các chỉ tiêu môi trường, chế độ chăm sóc…tôm chọn giống có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tôm đối chứng. Cụ thể, tại thời điểm thu hoạch, tôm chọn giống có trọng lượng bình quân nặng hơn 22,8% và chiều dài bình quân dài hơn 22,1% so với tôm đối chứng.
- Hiệu quả kinh tế của tôm chọn giống cao hơn so với tôm đối chứng. Cụ thể, năng suất của tôm chọn giống là 1.527 kg/ha và tôm đối chứng là 1.248 kg/ha. Tổng doanh thu của tôm chọn giống cao gấp 1,3 lần và lợi nhuận cao gấp 2,4 lần so với tôm đối chứng.
Như vậy, qua kết quả ban đầu thu được, có thể nhận thấy tôm giống đã qua chọn lọc hoàn toàn thích nghi và đạt hiệu quả cao với điều kiện và phương pháp nuôi tại địa phương, mở ra một hướng mới cho việc nuôi tôm càng xanh ở huyện Tam Nông. Đề tài đã được Hội đồng khoa học Huyện Tam Nông thẩm định và phê duyệt thông qua vào tháng 1/2014. Dựa trên những kết quả đã đạt được, sắp tới Trạm Thủy sản Huyện sẽ kết hợp với các ngành chức năng tiến hành nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh bằng con giống đã qua chọn lọc từ nhiều dòng bố mẹ đến các hộ nuôi tôm trong toàn Huyện.
Nguồn: bannhanong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã