Vùng nông nghiệp CNC 2.000 ha
Với quyết tâm cao và sau nhiều nỗ lực của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, địa phương liên quan, đến thời điểm này Bình Thuận đã hoàn thành việc xây dựng đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, ban hành kèm theo Quyết định số 2059/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 10/8/2018. Theo đó, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC Bình Thuận được đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn: Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân và Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình. Quy mô diện tích toàn vùng 2.155 ha. Trong tương lai, đây là vùng sản xuất, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa ở các đô thị lớn theo các nhóm sản phẩm tươi, chế biến đóng hộp.
Cụ thể, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt 6 - 7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năng suất cây trồng tăng gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất truyền thống. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC phải đạt các tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP. Quy trình công nghệ sản xuất phải tiên tiến nhất tại thời điểm đầu tư…Trong đó, rau và cây hàng năm bố trí các cây trồng chủ lực như dưa lưới, măng tây, hành, tỏi, ớt, nấm ăn và khuyến khích trồng thêm khoai lang Nhật. Riêng cây dược liệu, phục vụ công nghiệp chế biến như đinh lăng, lô hội, bạc hà, nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây bụp giấm, hồng trà....
Tiến độ một số dự án còn chậm
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, HTX đầu tư trên vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gồm: HTX Nông nghiệp CNC Bình Minh đã đầu tư mô hình trồng thanh long leo giàn, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và một số loại cây trồng khác với diện tích 72,64 ha, hiện đã mở rộng thêm 77,5 ha, tổng cộng là 150,14 ha. Có 3 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM thuộc tập đoàn FLC và Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát hiện nay đang xin chủ trương đầu tư. Riêng dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt CNC và nhà máy chế biến sữa của Công ty TNHH Thông Thuận tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình đã nhập hơn 1.000 bò cái sinh sản. Theo đánh giá, dự án hiện nay triển khai chậm. Ngoài ra, khu sản xuất tôm giống tập trung CNC tại xã Chí Công (Tuy Phong) với diện tích 90 ha. Dự kiến đầu năm 2019, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ nông nghiệp thông minh 4.0 là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Do đó, Sở Nông nghiệp & PTNT đã kiến nghị tỉnh đề xuất Trung ương, Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ nông nghiệp 4.0 để chỉ đạo về quy hoạch, chính sách và nguồn lực tạo động lực và quyết tâm chính trị đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã