Lúa vàng óng ả, hạt nặng uốn cong bông. Mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa lai Syn6 với sự liên kết “4 nhà” đã biến cánh đồng rộng 20 ha thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thêm trù phú.
Về thôn Minh Phượng vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch lúa vụ mùa, mấy bác nông dân thăm đồng “kháo” nhau rằng: “Nhìn lúa chắc hạt, nhiều bông như thế, nếu gặt rồi phơi khô phải được ít nhất hai tạ tư, hai tạ rưỡi. Vụ mùa sâu bệnh nhiều, chưa bao giờ thấy đồng lúa đẹp như thế”.
Đó chính là mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa lai 3 dòng Syn6 do Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viên KHNN Việt Nam) phối hợp với UBND xã Nham Sơn chỉ đạo thực hiện.
Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, thuốc BVTV… bằng kinh phí của Dự án Trung ương “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong SX lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc”.
Có người đã gọi đây là mô hình “4 tốt” (giống tốt, vật tư nông nghiệp tốt, kỹ thuật tốt và chỉ đạo SX tốt). Giống lúa Syn6 đã được kiểm chứng có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo tốt, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ.
Mặc dù được đưa vào Bắc Giang một thời gian dài, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa áp dụng đúng kỹ thuật thâm canh nên ảnh hưởng tới năng suất.
Để đảm bảo mô hình được triển khai bài bản, trước tiên Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông cử chuyên gia tập huấn kỹ thuật cho các hộ đăng ký tham gia với 150 người trong 2 ngày.
Là đơn vị cung ứng giống, thuốc BVTV, Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cam kết bảo lãnh về năng suất của giống lúa lai 3 dòng Syn 6 tương đương với giống lúa đại trà tại địa phương (giống Khang dân 18). Phân bón tối ưu được lựa chọn trong mô hình là phân NPK Lâm Thao và áp dụng kỹ thuật sạ tay nhằm giảm chi phí và tăng năng suất.
Được chuyên gia kỹ thuật của Cty Syngenta Việt Nam, Cty CP Supe phốt phát & hóa chất Lâm Thao hướng dẫn quy trình phòng trừ sâu, bệnh và liều lượng bón phân trong từng giai đoạn sinh phát triển, cây lúa đã sinh trưởng tốt.
So với Khang dân 18, khả năng chống chịu sâu bệnh của giống lúa Syn6 vượt trội hơn, đặc biệt là sâu đục thân và sâu cuốn lá. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các giống lúa cùng trà gieo cấy… đều bị đổ ngã, riêng Syn 6 hầu như không bị thiệt hại.
Qua kết quả đánh giá các yếu tố cấu thành năng suất, dự kiến năng suất thực thu sẽ đạt khoảng 70 tạ/ha, cao hơn mô hình đối chứng gieo cấy Khang dân 18 là 15 tạ/ha. Với giá bán khoảng 8.000 đồng/kg lúa (cao hơn Khang dân 18 là 1.300 đồng/kg), trừ chi phí SX, nông dân thu lãi hơn 53 triệu đồng/ha.
“Thực tế, tiềm năng năng suất của lúa lai là rất lớn. Trên thế giới, có quốc gia đã đạt năng suất bình quân 12 tấn/ha. Nhưng vì sao đến bây giờ, diện tích gieo trồng lúa lai của Việt Nam vẫn còn hạn chế? Đó là vì nhiều nông dân chưa có kiến thức về thâm canh tổng hợp lúa lai, do đó năng suất thực tế không vượt trội so với lúa thuần”, ông Lê Quốc Thanh. |
Ông Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông cho biết, ở vùng ĐBSH và ĐBSCL, những TBKT trong thâm canh lúa được áp dụng rất tốt và người nông dân như một nghệ nhân SX lúa gạo.
Nhưng ở vùng trung du miền núi, vùng sâu, vùng xa còn có rất nhiều vấn đề quan tâm, đặc biệt là mỗi nhà làm một kiểu dẫn đến khó kiểm soát và hiệu quả không cao.
Trong mô hình này, chúng ta đã đưa ra một gói kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho Bắc Giang, một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.
“Bài học kinh nghiệm rút ra từ mô hình này là cần xây dựng được những cánh đồng một giống. Bởi, khi làm cùng giống sẽ thuận lợi trong điều tiết thủy nông, lịch thời vụ, chỉ đạo SX, quản lý dịch bệnh và đưa cơ giới hóa vào SX.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có một sản phẩm cùng loại với số lượng lớn để vươn tới những thị trường lớn. Còn nếu một cánh đồng có tới mấy chục giống, mấy chục sản phẩm thì không bao giờ tìm được doanh nghiệp đến thu mua”, ông Thanh nói.
Để xây dựng được một cánh đồng lớn, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đơn vị nghiên cứu khoa học và người nông dân có vai trò quan trọng, đảm thực hiện tốt từ khâu cung ứng vật tư, cung ứng giống đến chỉ đạo SX, kỹ thuật chăm sóc theo một quy trình khép kín, tạo ra những sản phẩm sạch với năng suất cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, Phan Thế Tuấn nhận định: “Thành công của mô hình là điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận TBKT mới, thực hành áp dụng vào SX. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nhân rộng mô hình sang các xã khác, từ đó nâng cao hiệu quả SX và hoàn thành các mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa”.
Minh Phúc
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã