Công nghệ điện hóa - siêu âm
Tác giả của công nghệ này là TS Lê Quang Tiến Dũng và cộng sự thuộc bộ môn Vật lý chất rắn - Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Huế. Với ưu điểm không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào khác trong quá trình nuôi, đây là giải pháp được trao giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2016. Công nghệ đã được ứng dụng thành công ở các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… giúp giải được bài toán lớn về xử lý các chất dư thừa đọng lại dưới đáy ao nuôi. Thiết bị xử lý nước trong hồ tôm dựa trên nguyên lý chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa thành vi bọt khí. Dung dịch vi bọt khí được điều chế bằng phương pháp điện hóa - siêu âm đã tăng hiệu suất diệt khuẩn mà không cần đến bất kỳ một loại hóa chất diệt khuẩn, kháng sinh nào và cũng không cần thay nước trong suốt vụ nuôi. Bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất, dung dịch vi bọt khí đã đem lại chìa khóa thành công cho nuôi tôm thâm canh vì đã cùng lúc xử lý đạm hóa tan trong suốt vụ nuôi, xử lý khuẩn, xử lý tảo và làm giàu ôxy cho nước ao nuôi. Cụ thể, khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm - điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ NaCl 5 g/l. Với nồng độ NaCl 20 g/l, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỷ lệ dung dịch vi bọt khí: khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.
Công nghệ giúp giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây. Đến nay, công nghệ đã được Trường ĐH Khoa học Huế kết hợp với Công ty Huetronics tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng điện hóa - siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.
Thiết bị XpertCount2
Thiết bị được sản xuất bởi XpertSea Solutions, một nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm công nghệ tin học phần cứng và phần mềm của ngành thủy sản có trụ sở tại Canada. Hiện, thiết bị đang được phân phối tại Việt Nam bởi Công ty Vinhthinh Biostadt. Đây là một thiết bị di động thông minh dùng để kiểm tra và đánh giá nhanh chất lượng các loài thủy sinh về: số lượng, kích cỡ (chiều dài) và độ phân đàn (CV). Sử dụng công nghệ quang học tiên tiến an toàn cho tất cả sinh vật, XperCount2 giúp người sử dụng đếm hàng nghìn sinh vật, từ các tế bào vi tảo, ấu trùng đến các hậu ấu trùng chỉ trong vài phút. Mọi dữ liệu từ thiết bị XperCount2 đều được tổng hợp vào một báo cáo kiểm soát chất lượng dựa trên công nghệ đám mây dễ sử dụng, có thể được tải về và chia sẻ giữa ban quản lý cơ sở tôm giống và khách hàng. XperCount2 hoạt động như một chiếc máy tính được hỗ trợ thêm bởi 2 camera và bộ cảm biến nên có độ chính xác vượt trội lên đến 95% đối với tất cả ứng dụng cập nhật mỗi 2 tuần. Có khoảng cách kích thước hoàn thiện từ 1 micromet đối với vi tảo cho đến lớn hơn như ấu trùng tôm hay tôm post. Máy vận hành bằng pin, sử dụng liên tục 6 - 8 giờ, gọn nhẹ (khoảng 4 kg), dễ thao tác, sử dụng màn hình cảm ứng và hệ thống wifi nên vừa có tính cơ động cao, nhưng cũng dễ dàng sử dụng trong mọi lúc, mọi nơi. Máy có khả năng báo cáo và phân tích chuyên sâu cho 100% hoạt động truy xuất và mở rộng sản xuất. Kết quả các mẫu kiểm tra sẽ được tự động gửi về cho khách hàng và khách hàng có thể truy cập từ bất kỳ trình duyệt nào để xem dữ liệu.
Hệ thống RAS
Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng không thể phủ nhận rằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) cho đến nay vẫn được xem là hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh và mang lại hiệu quả đối với người nuôi nhất tại nhiều nước trên thế giới. Với ưu điểm là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (trên 100 kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. RAS bao gồm một dây chuyền các quá trình bổ sung, cho phép lượng nước thải được tái sử dụng cho các bể nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, nước sẽ tuần hoàn trong một hệ thống kín và hoàn toàn không thay nước, chỉ một lượng nhỏ nước mới được cấp thêm vào hệ thống để bù đắp cho lượng nước hao hụt do bốc hơi. Sau khi hệ thống được vận hành, kiểm tra thông số môi trường (DO, pH, NH3, NO2…) và nhiệt độ, sau đó có thể thả cá vào bể nuôi. Thông thường cá được thả vào bể phải có mật độ cao (100 - 200 con/m3), hàng tuần định kỳ kiểm tra thông số môi trường để điều chỉnh thích hợp. Hệ thống lọc phải được vận hành liên tục suốt vụ nuôi (3 - 5 tháng), hệ thống sục khí phải được duy trì hằng ngày. Sau khi vận hành hệ thống lọc tuần hoàn 3 ngày trở lên thì thả cá giống vào bể và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn được điều chỉnh theo sức ăn của cá.
Hiện, RAS được cải tiến, áp dụng chủ yếu trong các trại sản xuất tôm giống ở các tỉnh ĐSBCL.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã