Gà Đông Tảo là vật nuôi quý, có giá trị cao Ảnh: Hải Đăng
Vật liệu nghiên cứu: Gà trống được tuyển chọn là gà được 10 - 18 tháng tuổi, khối lượng 3,5 - 5 kg với một số tiêu chí về ngoại hình đặc trưng của gà trống theo phương pháp cho điểm. Tổng số 62 gà trống, điểm đánh giá tối thiểu 75/100 được lựa chọn làm vật liệu nghiên cứu khai thác và đánh giá chất lượng tinh. Gà mái cũng phải đảm bảo 6 - 10 tháng tuổi, khối lượng 3 - 3,5 kg với một số tiêu chí về ngoại hình đặc trưng của gà mái Đông Tảo theo phương pháp cho điểm. Sử dụng 420 gà mái ở xã Đông Tảo có số điểm tối thiểu 75/100 làm vật liệu cho các theo dõi khác nhau trong nghiên cứu này.
Gà trống và mái ở trên đều nuôi tại các hộ chăn nuôi theo phương pháp bán thâm canh. Gà được nuôi nhốt trong chuồng kết hợp với thả tự do trong vườn cây, xung quanh bao bằng lưới B40. Gà trống, mái trong giai đoạn sinh sản cho ăn 2 lần/ngày, khẩu phần chủ yếu là thóc và một phần ngô đều ở dạng nguyên hạt.
Khai thác tinh gà Ðông Tảo: Trước khi mát xa, để bảm bảo vô trùng, gà trống được cắt lông và vệ sinh khu vực hậu môn. Phương pháp mát xa cần 2 người: một người đặt gà nằm trên một chiếc ghế, ức gà tỳ trên một cái gối mềm. Dùng tay trái giữ hai chân sau của gà, tay phải cầm sẵn dụng cụ hứng tinh. Người kia dùng tay phải trước tiên vuốt phần bụng từ ức gà đến phần hậu môn từ 3 - 4 lần. Sau đó tay trái vuốt từ lưng đến đuôi 3 - 5 lần cho tới khi thấy gà có phản xạ phóng tinh thì dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ hai bên lỗ huyệt của gà. Nếu thấy tinh dịch chảy ra thì người giữ gà đưa dụng cụ hứng tinh vào. Thời gian mát xa để gà trống có phản xạ xuất tinh tương đối nhanh (30 giây - 1 phút). Thông thường, 80 - 85% gà trống sau khi tách khỏi đàn mái 3 - 4 ngày đã có thể lấy được tinh ngay từ lần lấy tinh đầu tiên.
Ðánh giá một số chỉ tiêu Sinh học tinh dịch: Số mẫu nghiên cứu là 584 liều tinh của 30 gà trống.
Thể tích tinh dịch: áp dụng phương pháp của Milovanov bằng sử dụng phễu hứng tinh có chia độ.
Hoạt lực tinh trùng: áp dụng phương pháp của Chemineau bằng cách đánh giá theo thang điểm 1.
Nồng độ tinh trùng: đếm bằng buồng đếm hồng cầu (kiểu Newbauer).
Tỷ lệ tinh trùng sống: Sử dụng phương pháp nhuộm màu bằng dung dịch nhuộm Eosin-Nigrosin-Natri citrate.
Tỷ lệ tinh trùng kỳ hình: làm tiêu bản, nhuộm với thuốc nhuộm xanh Metylen, đỏ Fucxin và hỗn hợp Eosin với Nigrosin.
Ðánh giá ảnh hưởng khoảng cách giữa 2 lần khai thác tinh đối với chất lượng tinh dịch: Theo dõi 16 gà trống với khoảng cách giữa hai lần khai thác tinh là: 1 ngày 2 lần, 1 ngày/lần, 2 ngày/lần và 3 ngày/lần. Sô liều tinh khai thác là 60 đối với mỗi một khoảng cách khác nhau.
Bảo quản tinh dịch: Pha loãng bằng 2 môi trường: môi trường Lorenz (môi trường 1 gồm: glycocoll, sodium chloride và nước cất) và môi trường Ringer's cải tiến (môi trường 2 gồm: sodium chloride, potasium chloride, calcium chloride, magnesium sulphate sodiumbicarbonate và nước cất). Trong đó, pH của môi trường 1 và 2 tương ứng là 7 và 7,2. Áp lực thẩm thấu của môi trường 1 và 2 tương ứng là 330,5 và 380,4 miliosmol/kg. Tỷ lệ pha loãng tinh dịch đối với cả 2 môi trường là tinh dịch : môi trường = 1 : 1.
Thụ tinh nhân tạo: Bắt giữ gà, tay trái cầm 2 chân dốc đầu gà xuống dưới, tay phải đẩy lưng gà mái vào 2 khe đùi. Dùng 2 ngón cái và 2 ngón trỏ ấn nhẹ xung quanh lỗ huyệt xương gà mái, kết hợp với kẹp hai đùi tạo áp lực làm cho âm đạo gà lộn ra. Khi âm đạo lộn ra hết sẽ xuất hiện một lỗ tròn nhỏ, đây chính là vòng cơ giáp ranh giữa âm đạo và tử cung, khi đó, một người cầm súng bắn tinh nhẹ nhàng đưa đầu ống dẫn tinh vào tử cung, khi qua được cơ vòng âm đạo, nhanh chóng bóp cò súng để đẩy một lượng tinh dịch đã định sẵn vào tử cung của gà mái. Sau khi người bắn tinh nhẹ nhàng rút súng ra, người giữ gà dùng 2 ngón tay cái và 2 ngón tay trỏ kéo nhẹ hậu môn gà lên, mở hai đùi ra để trả tử cung về vị trí cũ và thả gà xuống nền.
Ðánh giá thời điểm dẫn tinh và liều lượng tinh thích hợp: Sử dụng 60 gà mái, chia làm 2 lô: 30 gà mái được dẫn tinh vào buổi sáng và 30 gà mái được dẫn tinh vào buổi chiều. Khoảng cách giữa 2 lần dẫn tinh của cả 2 lô trên là 3 ngày. Sau 3 ngày dẫn tinh lần cuối, thu trứng của gà mái, đem ấp để kiểm tra tỷ lệ trứng có phôi.
Liều lượng tinh và số lượng tinh trùng cho 1 lần dẫn tinh được tính toán trên cơ sở lượng tinh, mật độ tinh trùng và tỷ lệ pha loãng của lần khai thác. Ðể đánh giá liều tinh và số lượng tinh trùng thích hợp cho 1 lần dẫn tinh, lựa chọn 90 gà mái chia làm 3 lô, mỗi lô 30 con. Gà mái trong mỗi lô được phối với liều tinh tương ứng là: 0,08; 0,12 và 0,16 ml; số lượng tinh trùng cho 1 lần dẫn tinh tương ứng là: 100; 150 và 200 triệu tinh trùng. Khoảng cách giữa 2 lần dẫn tinh của các lô đều là 3 ngày. Sau 3 ngày dẫn tinh lần cuối, thu trứng của gà mái, đem ấp để đánh giá tỷ lệ trứng có phôi.
Gà trống có phản xạ xuất tinh chậm với thời gian mát xa khoảng 30 - 120 giây qua 3 lần huấn luyện khai thác tinh. Nguyên nhân có thể do da của gà rất dày nên kích thích bằng phương pháp mát xa hiệu quả không cao như đối với những giống gà thông thường khác.
Lượng tinh dịch trung bình của gà trống là 0,46 ml, tương đối thấp. Thông thường hoạt lực tinh trùng của vật nuôi đạt 70 - 90%. Nếu hoạt lực dưới 70% là tinh dịch có chất lượng kém và phải loại bỏ tinh dịch nếu hoạt lực dưới 50%. Hoạt lực tinh trùng của gà Ðông Tảo trung bình chỉ đạt 76,04%.
Những tháng mùa hè thời tiết nóng, oi bức, chất lượng tinh dịch kém hơn so với những tháng mùa thu và mùa đông. Tuy nhiên, lượng tinh dịch vẫn đạt tiêu chuẩn để thụ tinh (giá trị thấp nhất 0,25 ml/lần). Khoảng cách giữa 2 lần khai thác tinh tốt nhất là một ngày 1 lần.
Có thể sử dụng cả hai môi trường 1 và 2 để pha loãng tinh dịch gà với tỷ lệ 1 :1, tuy nhiên môi trường 1 thích hợp hơn do sau 9 giờ bảo tồn nhiệt độ 50 C vẫn đạt được hoạt lực trên 50%.
Với khoảng cách giữa 2 lần dẫn tinh là 3 ngày, liều tinh là 0,12 ml/lần dẫn tinh, lượng tinh trùng 150 triệu/liều tinh, tỷ lệ trứng có phôi đạt trên 84%. Dẫn tinh vào buổi chiều đạt hiệu quả tốt hơn dẫn tinh vào buổi sáng. Khai thác tinh gà trống, thụ tinh nhân tạo cho gà mái đạt được tỷ lệ trứng có phôi trên 80%.
(Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã