Đây là thông tin được lãnh đạo Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao mở rộng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 11/11.
Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Ảnh: doanhnhansaigon.vn |
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, khu nông nghiệp công nghệ cao đang thực hiện 4 dự án mở rộng tại các nơi phù hợp. Trong đó, dự án mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi có diện tích 200 ha, dự án mở rộng tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi rộng 23 ha; hai dự án đang được xây dựng và thu hút đầu tư là khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ với diện tích 89 ha, dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh rộng 170 ha.
Với việc hoàn thành các dự án trên, đến năm 2020, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh có tổng diện tích 570 ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn của thị trường.
Cùng với việc mở rộng diện tích nói trên, doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của TP Hồ chí Minh cũng như các quy định ưu đãi chung của Nhà nước. Cụ thể, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động; được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước, 50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm, 50% kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, phí tiếp cận thông tin thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, 70% chi phí xử lý chất thải.
Là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Thắng, Giám đốc Công ty nấm Trang Sinh, cho biết: Với những chính sách ưu đãi của khu công nghiệp, công ty đã cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng nấm theo hướng công nghiệp với hình thức nhà máy nấm. Công ty đang có kế hoạch thực hiện 10 nhà lạnh sản xuất nấm để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh có diện tích 88 ha tại huyện Củ Chi, chính thức đi vào hoạt động năm 2010 với mục tiêu tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hướng đến phát triển nền nông nghiệp đô thị hiệu quả, sinh thái, bền vững. Khu nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như vùng sản xuất lan tại huyện Củ Chi, vùng sản xuất rau an toàn 145 ha theo quy trình VietGAP tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.
Khu nông nghiệp công nghệ cao cũng đã hoàn thiện các quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 11 loại mô hình trình diễn với sản phầm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đã thực hiện chuyển giao cho hơn 30 tổ chức, hộ gia đình kỹ thuật cấy mô invitro cây lan Hồ Điệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, nấm linh chi, rau thủy canh. Năm 2014, khu nông nghiệp công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 2 tiến bộ kỹ thuật về rau ăn lá và rau ăn quả, tiếp tục đăng ký 2 quy trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau ăn quả (cà chua bi, ớt) trong nhà màng trong năm 2015.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã