Anh Trần Văn Loát quản lý cỏ dại để tăng hiệu quả giữ nước cho cây bưởi.
Được mệnh danh là một trong những nơi nóng nhất Việt Nam, đa số nông dân trồng bưởi ở Hương Khê đang đang quay cuồng tìm cách chống hạn, cứu bưởi. Trong khi đó, một số nông dân bằng cách nuôi cỏ dại lại không phải lo lắng nhiều đến hạn hán.
Giữa mùa đại hạn, hơn 100 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình anh Trần Văn Loát (Hương Trạch) vẫn xanh tốt, trĩu quả. Anh Loát chia sẻ, hiện tại gia đình vẫn chưa cần tưới quá nhiều, bởi cần phải tích trữ nước để tưới trong thời gian dài. Tuy nhiên, cây bưởi vẫn xanh tốt, đất vẫn đủ độ ẩm nhờ vào cỏ dại.
Anh Loát kể tiếp: Trong thời gian tìm hiểu về nông nghiệp, tôi biết đến phương pháp canh tác lạ là sử dụng cỏ dại để chống hạn, chống úng. Nội dung này cũng thường được nhắc đến tại các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP. Thực hành theo phương pháp này hiệu quả rõ rệt. Đất không bị khô, trong khi bưởi vẫn năng suất, chất lượng. Trung bình mỗi cây bưởi đạt 50 quả, hầu hết nặng trên 800 gam.
Cỏ dại không ảnh hưởng đến năng suất cây bưởi.
Theo kinh nghiệm của anh Loát, để hiệu quả cao hơn, không phải người làm vườn để cỏ dại phát triển tự do mà cần có phương pháp quản lý. Nông dân thường dọn sạch cỏ dại bởi sợ cỏ ăn tranh dinh dưỡng. Thực tế cỏ ăn dinh dưỡng khi bón phân cho cây, tuy nhiên, nếu dọn sạch thì cây trồng cũng không thể hấp thụ hết mà sẽ bị rửa trôi. Còn nếu nuôi cỏ thì sau khi ăn chất dinh dưỡng sẽ trả lại cho cây trồng bằng chất hữu cơ.
Khi cỏ dại quá tốt, nông dân cần cắt tỉa, để lại phần gốc khoảng 10 cm, phần ngọn nên sử dụng để ủ phân vi sinh hoặc tủ vào gốc, tạo điều kiện cho các loại động vật như giun, dế… ăn và phát triển, qua đó giúp đất trồng tơi xốp hơn.
Vườn bưởi gia đình anh Trần Đình Tường nhờ cỏ dại nên không phải lo nhiều đến chống hạn.
Vườn bưởi Anh Trần Đình Tường (thôn 4, xã Hà Linh) mùa này đang mang một màu xanh mơn mởn. Anh Tường cho hay: “Nếu không có cỏ dại thì gia đình sẽ rất vất vả để tưới nước, chống hạn. Nhưng mới đây, biết được phương pháp nuôi cỏ dại chống hạn, chúng tôi không còn nhiều vất vả như trước đây nữa. Thời điểm nắng nóng này, gia đình chỉ thực hiện cắt bớt phần ngọn của cỏ. Mặc dù cỏ nhiều nhưng năng suất bưởi vẫn đạt cao. 150 gốc bưởi Phúc Trạch trên diện tích 0,5 ha đang phát triển rất tốt, hiện có khoảng 6.000 quả bưởi đang độ tuổi phát triển.”
Ông Võ Tá Tài, cán bộ kỹ thuật Trại giống bưởi Phúc Trạch (xã Phúc Trạch) khẳng định, nuôi cỏ dại trong vườn bưởi là phương pháp canh tác đúng. Không chỉ chống hạn, về mùa lũ, cây bưởi hạn chế bị thối quả do cỏ giúp đất thoát hơi nước, tăng ôxi trong đất. Người dân chỉ nên dọn sạch cỏ khi bón phân sau mùa thu hoạch. Để hiệu quả hơn, không phải cứ để cỏ mọc tự nhiên mà cần có phương pháp quản lý. Theo đó, về mùa mưa, người dân có thể để cỏ mọc tự nhiên, còn mùa hè, nên cắt ngắn chứ không dọn sạch.
Mùa hè, cần cắt bớt phần ngọn của cỏ để hạn chế thoát nước qua lá.
Bà Lê Thị Tầm, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu nông lâm thế giới (ICRAF) cho biết, thực tế cỏ dại giảm thoát hơi nước, tạo độ ẩm và chống xói mòn, rửa trôi (do giảm tốc độ dòng chảy khi mưa), tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh trưởng làm đất tơi xốp hơn. Hơn thế nữa, cỏ còn giúp người dân tạo sinh kế, tăng thu nhập do tạo ra thức ăn cho gà, bò…
Bà Lê Thị Tầm cũng khuyến cáo thêm, nếu để tốt hơn, người dân có thể trồng cỏ Guinea tím (chịu hạn tốt) hoặc cỏ họ đậu (cung cấp dinh dưỡng, cố định đạm)… Nếu là đất đồi, bà con nên nghiên cứu trồng theo băng, theo đường đồng mức để tạo bậc thang tự nhiên chống trôi đất.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã