Bao đời nay hươu sao là vật nuôi nhận được nhiều sự quan tâm của người dân trên khắp cả nước cũng như các tổ chức trong và ngoài nước. Hươu được xem là động vật quý hiếm, nguồn cung cấp thịt có chất lượng cao cho nhu cầu ẩm thực.
Đặc biệt, nhung hươu còn được ví như “thần dược” bồi bổ sức khoẻ cho con người và được sử dụng như là một vị thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền phương Đông.
Tại Hà Tĩnh, nghề chăn nuôi hươu có truyền thống từ thế kỷ trước và huyện Hương Sơn là thủ phủ nuôi hươu gần như đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề chăn nuôi hươu trên địa bàn phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Toàn huyện hiện có 15.000 hộ dân nuôi hươu với số lượng đàn trên 38.000 con. Nghề nhung hươu mỗi năm cho thu nhập hơn 430 tỷ đồng, trong đó 250 tỷ từ bán con giống, cao xương hươu, da hươu và 180 tỷ bán sản phẩm từ nhung hươu.
Năm 2019, nhung hươu Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cùng với Luật Chăn nuôi bổ sung hươu vào đối tượng nuôi quản lý, tạo hành lang pháp lý mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm hươu sao.
“Lợi thế phát triển đàn hươu của Hương Sơn rất lớn, song lâu nay bà con chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, ít chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng đàn giống. Để gia tăng giá trị kinh tế từ đối tượng nuôi chủ lực này, huyện đang phối hợp ngành chuyên môn nghiên cứu các giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời kích cầu bằng các chính sách hỗ trợ chăn nuôi quy mô lớn; nâng cao chất lượng hươu đực giống”, ông Thọ nhấn mạnh.
Phân tích về những hạn chế đang gặp phải trong chăn nuôi hươu, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho rằng, bà con vẫn đang nuôi ở quy mô nhỏ lẻ nông hộ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích lũy, truyền từ đời này sang đời khác, không có sổ sách ghi chép, theo dõi, quản lý hươu.
Do đó, công tác quản lý và phát triển đàn hươu chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy được hết tiềm năng lợi thế của địa phương. Hơn nữa, tình trạng thoái hóa giống, giảm sự đa dạng quần thể nguy cơ ngày càng cao.
Đối với việc phát hiện, phòng trừ dịch bệnh, do kiến thức, kinh nghiệm nhận biết, xử lý các loại dịch bệnh của người chăn nuôi còn rất hạn chế nên khi phát hiện hươu bị bệnh hầu hết đã ở giai đoạn nặng, biến chứng.
Việc điều trị cũng không tuân thủ căn cứ khoa học mà chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian nên không ít cơ sở, hộ chăn nuôi thiệt hại nặng do hươu chết, sinh sản kém hoặc chất lượng đàn hươu suy giảm.
“Hiện hươu sao chủ yếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, ký sinh trùng, cảm nóng, say nắng… nên giải pháp hữu hiệu nhất là phòng bệnh thông qua việc cho hươu ăn uống sạch sẽ, chuồng trại khô ráo, thoáng khí. Ngoài ra, Chi cục cũng đã xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật chăn nuôi và phòng, trị một số bệnh thường gặp trên hươu, bà con có thể dựa vào đó để phát triển nghề nuôi hươu bền vững hơn”, ông Trần Hùng nói thêm.“Hiện hươu sao chủ yếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, ký sinh trùng, cảm nóng, say nắng,… nên giải pháp hữu hiệu nhất là phòng bệnh thông qua việc cho hươu ăn uống sạch sẽ, chuồng trại khô ráo, thoáng khí. Ngoài ra, Chi cục cũng đã xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật chăn nuôi và phòng, trị một số bệnh thường gặp trên hươu, bà con có thể dựa vào đó để phát triển nghề nuôi hươu bền vững hơn”, ông Trần Hùng nói thêm.
Từ trước đến nay, Hà Tĩnh dành rất nhiều tâm huyết, tiền của để hỗ trợ người chăn nuôi phát triển nghề nuôi hươu sao. Tuy nhiên, từ năm 2022 địa phương “đánh” chính sách vào những khâu yếu nhất như giống, thị trường để đồng bộ tất cả các khâu, từ giống, quy trình nuôi đến chế biến, tiêu thụ.
Theo đó, từ nay đến 2025, Hà Tĩnh hỗ trợ 100% kinh phí bình tuyển hươu đực giống, tối đa 300 triệu đồng/năm. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí nuôi giữ hươu đực giống đã được bình tuyển đạt các tiêu chí để nhân giống với mức 2 triệu đồng/con/năm.
Theo ông Trần Hùng, việc ban hành chính sách phù hợp, đúng thời điểm sẽ khuyến khích người chăn nuôi thay đổi tư duy “nuôi hươu thuận theo tự nhiên”. Tức là, muốn nhung hươu tốt, con giống tốt nhất định phải đầu tư. Trước hết là cải thiện hươu đực giống, sau đó chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời xây dựng các cơ sở chế biến nhung OCOP.
Theo thống kê, hiện Hương Sơn là huyện có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhung hươu đạt chuẩn OCOP nhất toàn tỉnh với 5 cơ sở gồm: Cơ sở Hiền Ngọc, xã Sơn Giang; HTX nhung hươu, mật ong Hương Luật, xã Sơn Lâm; Doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà, xã Sơn Giang; Công ty CP nông nghiệp Hương Sơn, thị trấn Phố Châu và Công ty CP nhung hươu Việt, xã Sơn Châu.
Ông Bùi Văn Lợi (68 tuổi), trú tại khối 6, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, người đang sở hữu con hươu có cặp nhung “khủng” nhất Hà Tĩnh chia sẻ, 5 năm trước gia đình ông mua con hươu đực giống từ một người dân trên địa bàn với giá 20 triệu đồng. Con hươu thuộc dòng hươu nhung huyết, màu đỏ mịn. Trong năm đầu tiên sau khi mua về nuôi, con hươu đã cho cặp lộc nhung nặng 1,7kg, với 12 nhánh rất đẹp mắt.
Liên tục những năm tiếp theo lộc nhung càng to hơn và ra nhiều nhánh. Đến nay con hươu đã có trọng lượng khoảng 70kg, lộc nhung phân thành 15 nhánh, dài khoảng 40cm, nặng gần 5kg.
“Biết thông tin con hươu có cặp nhung “khủng”, một số người đến hỏi mua về làm giống, thậm chí có người trả giá đến 450 triệu đồng nhưng tôi không bán mà để phối giống bán cho người dân trên địa bàn. Mục tiêu của tôi là tuyển chọn, nâng cao chất lượng hươu giống từ con hươu đực “có một không hai” này, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình và người chăn nuôi hươu trên địa bàn tỉnh”, ông Lợi nói.
Hiện gia đình ông Lợi còn nuôi 25 con hươu khác, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ bán lộc nhung và con giống. Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Hà Tĩnh xác định, hươu sao là đối tượng nuôi chủ lực của các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Riêng huyện Hương Sơn, đàn hươu sẽ chiếm khoảng 60 - 70% tổng đàn toàn tỉnh, tương đương mỗi năm tăng đàn bình quân từ 1.000 - 2.000 con.
Việc tăng đàn, nâng cao chất lượng đàn hươu giống còn hướng đến cung cấp con giống cho các tỉnh thành trên cả nước. Như năm 2021, hươu giống Hương Sơn có những thời điểm vận chuyển trên dưới 100 con vào Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Phú Quốc…
Ông Phan Xuân Đức, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn cho hay, để nâng cao chất lượng hươu giống và sản phẩm nhung, huyện đang phối hợp Sở KH-CN thực hiện dự án quảng bá chỉ dẫn địa lý nhung hươu, bao gồm tuyên truyền thương mại hóa nhung hươu, thực hiện đề án tập tính sinh học của hươu, xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh.
Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh
Theo Thanh Nga - Văn Hùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã