Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), để phát triển khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp thực sự trở thành động lực quan trọng nhất để xây dựng nền nông nghiệp thông minh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu; phấn đấu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2025 và 50% đến năm 2030 cần tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp.
Trước tiên, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Theo đó, cần có cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp; cơ chế, quy chế phối hợp, liên kết viện, trường và doanh nghiệp để thúc đẩy xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; cơ chế khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp thành lập viện, trung tâm nghiên cứu hoặc liên kết với tổ chức khoa học công nghệ công lập đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao trên nền tảng công nghệ số thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Mục tiêu chính giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8 - 3,2%/năm; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; thu nhập bình quân đầu người dân cư nông thôn gấp 1,6 lần năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.
Đổi mới phát triển nguồn nhân lực bằng việc quy hoạh phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành; đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ quốc gia tới năm 2025 và tầm nhìn 2030. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất, giao nhiệm vụ khoa học công nghệ để cán bộ khoa học công nghệ, đặc biệt cán bộ trẻ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng từ giá trị lao động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ tích hợp trên nền tảng công nghệ số trong thời kỳ cách mạng chuyển đổi số bằng việc đ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng có hiệu quả các công nghệ cao, công nghệ sinh học vào một số lĩnh vực trọng điểm về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp, hình thành nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất quy mô hàng hoá. Xây dựng lộ trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo định hướng chuyển đổi số quốc gia; hình thành cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ phát triển nông nghiệp.
Dành nguồn lực xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông sản quy mô hàng hoá đối với một số sản phẩm chủ lực của ngành.
Đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông nghiệp, miền núi. Hình thành tại mỗi vùng một số mô hình liên kết giữa khoa học công nghệ, sản xuất, kinh doanh; hướng vào khai thác các lợi thế của vùng về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, hình thành các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng.
Để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần phải thúc đẩy xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ bằng việc hình thành cơ chế hợp tác công - tư; giao quyền khai thác, chuyển nhượng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm tạo ra cho các doanh nghiệp để ứng dụng nhanh vào sản xuất. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho nghiên cứu, phát triển hạ tầng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sinh học,... trên nền tảng công nghệ số.
Phát triển thị trường khoa học công nghệ, trước hết là hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp phục vụ kiểm tra chuyên ngành, hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển thị trường nông sản. Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật khoa học công nghệ, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ của ngành. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, chế biến, thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học, nông sản.
Và một trong các giải pháp hết sức quan trọng là phải đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ nhằm đưa vào áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới trong nông nghiệp bằng việc tăng cường hợp tác khoa học công nghệ nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế, là đối tác chiến lược của Việt Nam. Tăng cường năng lực hội nhập, năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp trong phát triển thị trường khoa học công nghệ, sản phẩm nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, thịnh vượng.
Đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 8 khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án; 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được địa phương công nhận; 47 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ cao tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở 3 trục sản phẩm. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra,… Hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân... rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã được hoàn thành trong vài năm gần đây. Điều này đã làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững.
https://nongnghiep.vn/nen-nong-nghiep-thong-minh-can-co-khoa-hoc-cong-nghe-d272659.html
Theo Công Hà/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã