Tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nói đến nay ngành nông nghiệp còn nhiều tồn tại như chất lượng lúa gạo thấp, sức cạnh tranh chưa cao, sản xuất và kinh doanh lúa gạo còn manh mún, liên kết quy mô lớn và liên kết vùng chưa phổ biến, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến lúa gạo VN chưa phát triển.
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành giữa tháng 6-2013.
Phải có giống lúa “nghìn đô”
Nghiên cứu điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về giải pháp xuất khẩu gạo. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì rà soát lại kho thóc để đảm bảo yêu cầu tạm trữ khi cần, đồng thời xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu VN đi kèm là các chính sách khuyến khích. Phó thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Lương thực nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời giá sàn xuất khẩu gạo cho phù hợp cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa trong nước cũng như dự báo thị trường xuất khẩu gạo nhằm tránh bất lợi cho gạo xuất khẩu VN. C.V.KÌNH |
Ông Doanh cho rằng ngoài việc tập trung về năng suất, đã đến lúc cần phải nhìn nhận đến một tiêu chí khác của giống lúa là có giá trị thương phẩm cao.
“Hiện nay VN chỉ xuất khẩu được giá trên dưới 400 USD/tấn gạo, đã đến lúc cần giống lúa có thể xuất khẩu được 600 USD/tấn gạo, thậm chí khoảng 1.000 USD/tấn. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa quan trọng nhưng nông dân mới sử dụng 35% giống lúa xác nhận, còn 65% là giống không kiểm soát được nên ảnh hưởng rất lớn đến gạo xuất khẩu và năng suất lúa” - ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, Bộ NN&PTNT đã xây dựng chương trình nghiên cứu, khuyến nông có trọng điểm, tập trung nghiên cứu về giống với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế để tạo ra giống lúa tốt nhất cho bà con sử dụng, thông qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu và cải thiện thu nhập cho người trồng lúa.
Ông Đoàn Ngọc Phả - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - sốt ruột đặt vấn đề VN xuất khẩu gạo mấy chục năm rồi nhưng không có thương hiệu gì cả.
“Cần quy định rõ gạo 5% tấm dài, ngang bao nhiêu, dư lượng theo tiêu chuẩn VN, quốc tế thế nào để đảm bảo dư lượng hóa chất... Vừa qua tại cuộc họp ở TP.HCM tôi có đặt vấn đề này, muốn nâng giá trị gạo VN thì phải có chuẩn. được biết Hiệp hội Lương thực VN đang làm việc với Bộ NN&PTNT để xây dựng chuẩn này nhưng lâu rồi chưa thấy” - ông Phả nói.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thịnh - phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cho rằng việc có một hay nhiều bộ giống lúa còn tùy thuộc chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Vì vậy điều quan trọng là cần phải tạo cơ hội đa dạng cho nông dân trong việc chọn giống lúa, trong đó hướng tới việc đạt được các giống lúa chất lượng cao.
Đổi mới xuất khẩu
TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết viện hiện có 60-70% giống lúa OM đáp ứng tốt nhu cầu trồng lúa của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vấn đề là giá trị xuất khẩu gạo VN còn thấp do doanh nghiệp làm theo quy trình ngược.
Cụ thể, theo ông Bảnh, thay vì tìm thị trường, căn cứ vào nhu cầu của từng vùng, từng nước trên thế giới rồi về nước đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu cho sản phẩm, thì các doanh nghiệp lại áp dụng quy trình “trúng thầu rồi mới quay về tìm mua lúa của nông dân”.
Ông Bảnh ví dụ gạo xuất sang Philippines trúng thầu với giá 430 USD/tấn, các doanh nghiệp muốn có lời thì chỉ mua lúa của nông dân giá 4.000-5.000 đồng/kg, một mức giá quá thấp.
“Ngay cả trong nước muốn ăn gạo tạm được phải mua 12.000-15.000 đồng/kg, gạo ngon khoảng 20.000 đồng/kg và ngon nữa phải trên 25.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy giá trong nước đôi khi còn cao hơn giá bán cho thế giới. Tôi cho rằng cách bố trí lại sản xuất và tiêu thụ là quan trọng chứ không phải chỉ có giống lúa tốt là đủ” - ông Bảnh khẳng định.
Để cải thiện vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giáp - giám đốc Trung tâm Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam - cho rằng cần phải xây dựng chiến lược xuất khẩu, bán cho thị trường nào, chất lượng gì và việc này nhất thiết phải bàn với doanh nghiệp, các hiệp hội.
TS Samarendu Mohanty, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), nhận định thu nhập của nông dân VN thấp nhất so với quốc gia có sản xuất thâm canh lúa gạo tương đồng. Do đó, theo ông Mohanty, VN cần định hướng tới quốc gia, thị trường cụ thể, xuất khẩu cái gì, tới đâu để giúp cải thiện thu nhập của nông dân.
“VN cần vào thị trường mới để tăng xuất khẩu. Gạo thơm VN có thể phát triển thị trường mới chứ không phải thị trường hiện có của Thái Lan, bởi gạo thơm của họ đã có nhãn hiệu, nổi tiếng hàng thập kỷ nay. VN không thể thâm nhập thị trường Hong Kong hay các quốc gia phát triển mà có thể vươn ra thị trường châu Phi vì họ có nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới hoặc các thị trường Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Mexico...” - ông Mohanty nói.
CHÍ QUỐC
Theo tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã