Giá trị kinh tế
Đối mục được biết đến như là một loài cá đại chúng vì chất lượng thịt và giá cả phải chăng hơn so với cá mú, cá chẽm. Cá đối thương phẩm được tiêu thụ ở hầu hết các thị trường trong nước từ các chợ cho đến các nhà hàng và xuất khẩu. Ngoài giá trị thịt thơm ngon, trứng cá đối còn là một món ăn quý. Hiện nay, với giá bán dao động 80 - 100 nghìn đồng/kg, lợi nhuận 40 - 50%, cá đối mục được xem là một sự lựa chọn an toàn đối với người nuôi nhỏ lẻ ở các vùng nuôi tôm ven biển.
Đặc điểm sinh học
Cá có thân dài, tương đối tròn, đầu rộng và dẹt ở phía trên. Kích thước miệng trung bình, không răng hoặc có các răng nhỏ. Mắt to, màng mỡ mắt phát triển, lưng màu xanh ô liu, màu trắng bạc ở phần bụng, vây đuôi chia thành hai thùy. Cá là loài rộng muối, rộng nhiệt, sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 15 - 250C, nước lợ, mặn và có thể chịu đựng được nhiệt độ lên tới 350C. Cá phân bố rộng ở các thủy vực nước ven biển vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Nhu cầu ôxy của cá không cao, có thể sống tốt từ 2 mg/l trở lên.
Ngoài tự nhiên, chiều dài lớn nhất của cá lên tới 120 cm, thông thường 50 cm, trọng lượng tối đa đạt 8 kg. Cá thành thục sau 3 năm, trọng lượng trung bình 2 kg. Khi thành thục, cá tập trung thành đàn di cư ra vùng biển khơi để sinh sản, mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10. Cá có trọng lượng 1,5 kg, sức sinh sản đạt 1 - 1,5 triệu trứng. Sau khi sinh sản, trứng nở thành ấu trùng sau 25 - 30 giờ, ấu trùng có kích thước rất nhỏ (2,5 - 3,5 mm), theo dòng hải lưu trôi dạt vào các bãi triều ven bờ của các cửa sông ven biển. Ấu trùng sử dụng động, thực vật phù du làm thức ăn, khi lớn thành cá giống, chúng sử dụng mùn bã hữu cơ, huyền phù lơ lửng và rong tảo đáy làm thức ăn và trưởng thành, tạo nên vòng đời mới.
Tình hình nuôi
Trên thế giới, cá đối mục được coi là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế ở các nước thuộc vùng Địa Trung Hải, Israel, Tuynisia, Hồng Kông, Đài Loan… Tại Việt Nam, cá đối mục đã được sản xuất giống và nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định. Trong điều kiện nuôi, ngoài bón phân gây thức ăn tự nhiên, người nuôi còn có thể dùng thức ăn tự chế từ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, ngô, khoai sắn… và thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm vừa phải cho cá.
Nuôi cá đối mục cho hiệu quả cao, được nhiều địa phương áp dụng - Ảnh: CTV
Do đặc tính ăn tạp nghiêng về mùn bã hữu cơ nên cá đối mục được nuôi ngắt vụ và ngắt dịch bệnh ở các ao nuôi tôm thâm canh hay bị dịch bệnh. Với giá bán cá giống dao động 8 - 12 nghìn đồng/con (cỡ 8 - 12 cm), mật độ thả 4 - 6 con/m2 (nuôi đơn) hoặc 0,5 - 1 con/m2 (thả ghép), sau 6 - 7 tháng thả, cá đạt tỷ lệ sống 80 - 90%, trọng lượng 0,7 - 1 kg/con, năng suất ước 2 - 2,5 tấn/ha.
Địa chỉ cung cấp giống: 1. Trung tâm KHKT&SX Giống thủy sản Quảng Ninh. Vũ Công Tâm. Điện thoại: 0904 399 055. 2. Công ty CP Thanh Hương, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Điện thoại: 052 629 4042. 3. Trung tâm Giống thủy sản Bình Định. Lê Tấn Phát. Điện thoại: 0905 302 201. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã