Học tập đạo đức HCM

“Chính sách hỗ trợ” - nhìn từ ngành nông nghiệp

Thứ sáu - 11/12/2015 21:51
Thực tế phụ thuộc của người dân vào Nhà nước, xét từ gốc rễ, đó chính là lỗi của hệ thống chính sách, do tư duy quản trị quốc gia kém cập nhật.

Trong một cuộc đối thoại chính sách gần đây về thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức ở Hà Tĩnh, các đại biểu đã trả lời một khảo sát nhanh về mức độ hài lòng với môi trường kinh doanh tại tỉnh này. Hầu hết cho rằng môi trường và mức độ thuận lợi khi đầu tư vào nông nghiệp là hạn chế. Một kết quả dễ đoán.

Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là sau đó, trong các thảo luận sâu về chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, phần lớn đại biểu thuộc nhóm doanh nghiệp lại đòi hỏi những hỗ trợ, ưu đãi từ phía chính quyền địa phương, trong đó những “cơ chế đặc thù” về đất đai, vốn vay, thuế... Những ưu đãi trực tiếp là mối quan tâm được đặt ra hàng đầu!

Ở một khía cạnh khác, từ phía các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, đầu ra cho nông sản đương nhiên là chuyện “đau đầu nhất”. Nhưng đối tượng được đòi hỏi phải cung cấp lời giải, theo họ, rốt cuộc lại cũng là chính quyền địa phương.

Những đòi hỏi, cả từ phía doanh nghiệp, người sản xuất đối với các cơ quan nhà nước cho thấy một thực tế rằng, mức độ phụ thuộc, hay nói trắng ra là “ỷ lại” của người dân, doanh nghiệp vào Nhà nước là rất nặng nề. Và nhìn ở góc độ ngược lại, cái bóng của Nhà nước bao trùm lên đời sống xã hội và hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp và nông thôn vẫn còn quá lớn.

Khi “chính sách” đồng nghĩa với “trợ cấp”

Việc bao cấp nửa vời, việc để người dân không nắm được “luật chơi” và “cách chơi” trong nền kinh tế thị trường là trách nhiệm của những người làm chính sách, là lỗi không thể chối bỏ của hệ thống đồ sộ các cơ quan nhà nước.Box phải

Khi nhìn vào danh mục 16 chính sách (được thống kê sơ bộ) về phát triển nông nghiệp, nông thôn do trung ương và địa phương (Hà Tĩnh) ban hành, “hỗ trợ” và “khuyến khích” là từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong tiêu đề các văn bản này. Đi sâu vào từng văn bản, hỗ trợ ở giai đoạn đầu vào cho người sản xuất (thông qua trợ cấp hiện vật bằng con giống, chuồng trại, phân bón, máy móc và vật tư nông nghiệp) hay bằng tiền (cả tiền mặt trực tiếp và hỗ trợ lãi suất)... là trục chủ đạo. Nói cách khác, cốt lõi của chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay đang là trợ cấp bằng đủ hình thức khác nhau đến người dân.

Nhìn rộng ra, “chính sách” đồng nghĩa với “hỗ trợ” không chỉ là thuộc tính riêng của ngành nông nghiệp. Có những lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an sinh xã hội, hai chữ “chính sách” đã bị đánh đồng hoàn toàn với “trợ cấp” từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng. Từ lâu, một tâm lý phổ biến đã hình thành, nói đến “chính sách”, nói đến “dự án” là nói đến tiền, nói đến vật chất mà Nhà nước mang cho người dân. Thế nên, người nghèo, người thu nhập thấp “xin” hỗ trợ đã đành mà doanh nghiệp, khi thảo luận về môi trường kinh doanh cũng nhăm nhăm vào “xin chính sách”, “xin cơ chế”, mà thực chất là xin tiền hỗ trợ từ ngân sách, phổ biến nhất là thông qua lãi suất thấp.

Trong khi đó, một loạt vấn đề cốt lõi cần đến vai trò của Nhà nước như xây dựng và thực thi các thiết chế đảm bảo giao dịch dân sự và xử lý tranh chấp thương mại, gỡ bỏ những rào cản thủ tục hành chính, đảm bảo thực thi các tiêu chuẩn kỹ thuật... lại bị gạt ra ngoài lề những thảo luận chính sách. Những công cụ cần sử dụng trong hệ thống chính sách của một nhà nước hiện đại dường như chưa được cập nhật vào từ điển của người làm chính sách.

Và hệ quả của “hỗ trợ”

Chính sách kiểu “hỗ trợ” tất yếu tạo ra cơ chế xin cho. Cơ chế xin cho, đến lượt nó là điều kiện cần, kết hợp với điều kiện đủ là sự yếu kém trong việc giám sát từ cơ quan dân cử, truyền thông và tổ chức xã hội độc lập, tạo ra mảnh đất không thể màu mỡ hơn cho vòi vĩnh, tham nhũng, thất thoát và sử dụng “tiền cho” sai mục đích, sai đối tượng. Từ chính sách hỗ trợ, dê, bò của Nhà nước, trâu, gà từ dự án dễ dàng đi lạc vào trang trại của quan xã và người thân. Cũng từ chính sách hỗ trợ, việc chạy dự án, đưa phong bì, chia phần trăm cho “bên cho” trở thành thông lệ.

Ở chiều ngược lại, những người làm chính sách trở nên ngày càng “nghiện” cách thiết kế chính sách kiểu này, bởi vì nó vừa là cách dễ dàng nhất trong thực thi, giải ngân, và báo cáo thành tích, một mặt khác quan trọng hơn, cũng là thứ dễ dàng mang lại lợi ích cho họ dựa trên vị thế của người đi “cho”.

Hệ quả thứ hai, nguy hiểm hơn rất nhiều, của chính sách hỗ trợ là tạo ra tâm lý phụ thuộc và dựa dẫm của bên nhận vào Nhà nước. Chúng ta đã có quá nhiều bài học thất bại về việc doanh nghiệp nhà nước không thể lớn cũng như không chịu lớn vì bảo hộ, trợ cấp nặng nề. Chúng ta cũng đang có hàng chục triệu nông dân sản xuất nhỏ đang rơi vào vòng xoáy “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và trông chờ, dù âm thầm hơn, sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Phải nói ngay rằng, vai trò của Nhà nước không phải là đi giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Sản xuất ra bao nhiêu, bán đi đâu, giá cả thế nào, đó là câu chuyện của thị trường, là trách nhiệm và lợi ích trực tiếp và thiết thân của những người tham gia vào cuộc chơi thị trường. Nhưng sau ba mươi năm phát triển kinh tế thị trường và hội nhập thương mại quốc tế, việc bao cấp nửa vời, việc để người dân không nắm được “luật chơi” và “cách chơi” trong nền kinh tế thị trường là trách nhiệm của những người làm chính sách, là lỗi không thể chối bỏ của hệ thống đồ sộ các cơ quan nhà nước.

Thay vì “giáo dục” và cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân về thị trường, về hội nhập khu vực và toàn cầu, các chính sách “trợ cấp”, ít nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, đã tạo ra ảo tưởng sai lầm là Nhà nước có thể làm thay, có thể cáng đáng, có thể dẫn dắt người nông dân và khu vực nông thôn tiến vào hội nhập. Hệ quả rất rõ ràng, trong khi một số lượng không nhỏ quan chức trục lợi lớn từ ngân sách và nguồn lực quốc gia, hàng chục triệu nông dân đang phải trả giá và thiệt đơn thiệt kép khi bước vào nền kinh tế thị trường đầy đủ, cũng như hội nhập vào cuộc chơi toàn cầu hóa.

Thay đổi tư duy quản trị quốc gia

Thực trạng dựa dẫm và phụ thuộc của người dân, doanh nghiệp vào Nhà nước có một phần nhất định thuộc về quán tính, là di sản lịch sử của một thời đã qua. Một bộ phận không nhỏ người dân từng trải qua những năm tháng dài được bao cấp toàn diện bởi Nhà nước.

Mô hình kế hoạch hóa tập trung và bao cấp, lo lắng cho công dân của mình từ cây kim sợi chỉ, đồng thời cũng giúp Nhà nước kiểm soát hiệu quả công dân của mình trong thời chiến và giai đoạn hậu chiến. Nhưng sự sụp đổ của hệ thống bao cấp, đáng tiếc đã không đi kèm với tiến trình người dân, mỗi cá nhân công dân được đặt trở lại vào vai trò chủ thể, vai trò trung tâm của tiến trình phát triển. Thay vào đó, cái bóng của Nhà nước vẫn là quá lớn, bao trùm lên phát triển kinh tế và đời sống xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Tư duy Nhà nước phải quản lý và kiểm soát vẫn là tính trội, lấn át vai trò của một nhà nước phục vụ và kiến tạo môi trường phát triển.

Nhà nước, thay vì chỉ là một cột trụ, cùng kinh tế thị trường và hệ thống các tổ chức xã hội làm thành bệ đỡ cho một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiện vẫn đang đóng vai trò trung tâm, lấn át và làm thay một cách thiếu hiệu quả cho thị trường và các tổ chức xã hội. Và người dân - công dân thay vì ở vai trò trung tâm, lại đang ở vị thế phụ thuộc, thụ động và bị lấn át trước cái bóng khổng lồ của Nhà nước. Chính sách kiểu bao cấp và trợ cấp, suy cho cùng, là hệ quả của tư duy quản trị quốc gia kém cập nhật đó.

Dù sao đi nữa, hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng chục triệu hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ không phải đang đứng trước mà thực sự đã ở trong “vòng xoáy kép”: ốm yếu, thiếu thông tin và còn mơ màng chờ “hỗ trợ” trong lúc đã bị ném xuống dòng nước của cuộc đua toàn cầu. Tư duy quản trị quốc gia sẽ thay đổi, hay số phận “đất nước đi làm thuê cho toàn thế giới” đang chờ đợi chúng ta?

Theo Nguyễn Quang Đồng/thesaigontimes.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập323
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm320
  • Hôm nay55,357
  • Tháng hiện tại760,470
  • Tổng lượt truy cập90,823,863
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây