Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định, việc giá lợn cải thiện chủ yếu do giảm đàn nuôi và tăng tiêu thụ trong nước.
Cục Chăn nuôi khuyến cáo, dù giá lợn đang cải thiện nhưng chưa nên tái đàn nhanh |
Theo Cục Chăn nuôi, hiện giá lợn hơi bình quân lợn tiêu chuẩn siêu nạc loại 80-110 kg/con đã ở mức từ 35.000-38.000đ/kg, có nơi đã cán mốc 40.000 đ/kg. Đây là dấu hiệu rất tích cực không chỉ cho người chăn nuôi lợn mà có tác động chung đến thị trường các sản phẩm chăn nuôi, vì mặt hàng thịt lợn vẫn chiếm 65-70% cơ cấu sản phẩm của ngành chăn nuôi.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Nguyên nhân chính của việc phục hồi giá lợn hơi hiện nay là do thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ đã triển khai tích cực, trong đó đặc biệt là giải pháp kiểm soát mạnh khâu tăng đàn.
Hiện người chăn nuôi đã loại thải khá nhiều lợn nái và lợn con kém chất lượng mà trước đây đều để nuôi tận dụng. Bên cạnh đó, cùng với các chiến dịch “giải cứu" thịt lợn, sức tiêu thụ tại thị trường nội địa đã tăng lên đáng kể, giúp giải phóng được lượng thịt lợn tồn ứ trước đây.
Mặt khác, trước tình hình thị trường đang từng bước cải thiện, tâm lý nhiều trang trại đã cân nhắc thời điểm xuất bán, một số quyết định kìm hàng để chờ thị trường tốt hơn nên lượng thịt lợn xuất chuồng không diễn ra tình trạng “bán tống bán tháo” như trước đây…
Ông Dương khuyến cáo, tuy thị trường thịt lợn hiện đã có dấu hiệu khôi phục trở lại, nhưng người chăn nuôi không nên chủ quan tăng đàn ngay trong thời gian tới. Bởi việc giá lợn cải thiện thời gian qua chưa phải là những biểu hiện căn cốt của quan hệ cung cầu và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, với quy mô đàn nái hiện có cũng như năng lực SX, cả nước vẫn có dư khả năng để tăng sản lượng cung thịt lợn cho thị trường mà chưa cần phải tính đến vấn đề mở rộng quy mô đàn và quy mô chăn nuôi.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước của ngành chăn nuôi và các DN sản xuất, chế biến thịt lợn, sẽ tục các biện pháp mở thị trường cả trong nước và XK, không chỉ đối với mặt hàng thịt lợn mà cả các sản phẩm chăn nuôi khác như thịt, trứng gia cầm mà các DN đang ráo riết triển khai.
Nếu không có gì trở ngại thì tháng 8/2017, có thể có lô thịt gà đầu tiên được XK sang thị trường Nhật Bản do Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn kết hợp với các đối tác Nhật Bản thực hiện và các công ty khác cũng đang xúc tiến khẩn trương như CP Việt Nam, RTD, Ba Huân, Biển Đông…
Đây cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi triển khai nhanh các gải pháp tái cơ cấu, tổ chức mạnh SX theo các chuỗi liên kết và điều chỉnh phương thức, đối tượng chăn nuôi cho phù hợp, như chăn nuôi truyền thống kết hợp với chăn nuôi hữu cơ gắn với giết mổ, chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ cho các phân khúc thị trường trong nước và hướng tới XK.
“Người chăn nuôi lúc này cần tập trung làm tốt một số khâu như: Tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vacxin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, do thời gian qua đã có biểu hiện lơ là. Hiện sức khỏe đàn lợn đã sút kém và mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp khi ẩm độ lớn, mầm bệnh nhiều, kết hợp khối lượng vật nuôi trung chuyển lớn vào các tháng cuối năm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh so với mọi năm”, ông Nguyễn Xuân Dương khuyến cáo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã