Học tập đạo đức HCM

Để hợp tác xã hoạt động thực chất, hiệu quả...

Thứ ba - 12/06/2018 21:11
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, kiên quyết không để các hợp tác xã tồn tại một cách hình thức. Theo đó, từ trung ương đến địa phương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

 

 

Hướng dẫn xã viên phương pháp thâm canh rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt

Bài đầu: Vẫn loay hoay tìm hướng đi

Hợp tác xã là cầu nối quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình để tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao... Nhưng sau hơn 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, thành phần kinh tế này vẫn loay hoay tìm hướng đi do thiếu vốn, khoa học - công nghệ, trong khi đội ngũ cán bộ chưa đủ, chưa mạnh...

Khó khăn từ nội tại

Hiện nay, cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động, với hơn 7,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Nhưng giá trị sản xuất kinh doanh của mỗi một hợp tác xã chỉ đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/hợp tác xã/năm, thu nhập của các thành viên và người lao động đạt dưới 1 triệu đồng/ người/tháng. Đáng nói, có nơi chỉ đạt vài trăm nghìn đồng/người/ tháng, thậm chí không có lương, nên xã viên không thiết tha vào hợp tác xã. 

Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tiến cho biết, hiện nay hiệu quả sản xuất và mức đóng góp của hợp tác xã vào GDP cả nước vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 4%, thậm chí còn giảm so với những năm trước đây. Phần lớn các hợp tác xã quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu; quản lý, kinh doanh thiếu minh bạch, cơ sở vật chất còn nghèo, năng lực cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nên chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém tồn tại trong thời gian dài.

Trên thực tế, nhiều hợp tác xã sau khi tổ chức lại, các thành viên đều góp vốn, nhưng lượng vốn góp không nhiều, có nơi mỗi thành viên chỉ góp vốn 10.000 đồng. Thậm chí, nhiều hợp tác xã chỉ góp vốn tượng trưng hoặc lấy chính giá trị tài sản chung của hợp tác xã như: Trụ sở làm việc, đất đai, trang thiết bị máy móc… chia cho tổng số thành viên hiện có để tính số vốn tối thiểu của thành viên. Ngoài ra, trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ hợp tác xã nhìn chung hạn chế, số cán bộ quản lý của hợp tác xã đã qua đào tạo trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 46%. Đa số cán bộ lại là người cao tuổi, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu nhạy bén, không năng động, không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hầu hết sản phẩm của thành viên vẫn “tự bơi” mà chưa có sự hỗ trợ của hợp tác xã. 

Chia sẻ khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể của đơn vị, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Vực (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Bá Đồng cho biết: "Chúng tôi đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, nhưng do những khó khăn “cố hữu” nên hợp tác xã vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có sự chuyển biến từ làm dịch vụ đến liên kết tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Ngoài ra, doanh thu của hợp tác xã mỗi năm chỉ vài trăm triệu đồng, nếu hoạt động theo mô hình mới phải đóng bảo hiểm cho cán bộ giống như doanh nghiệp thì hợp tác xã không thể kham nổi".

Khó tiếp cận chính sách ưu đãi
 

 

Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền

Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã cũng còn nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ. Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã 2012 và Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã cụ thể hóa rất rõ cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hợp tác xã. Tuy nhiên, gần 4 năm qua ngân sách vẫn chưa bố trí được kinh phí thực hiện, một số nội dung của quyết định cũng chưa được triển khai, nhất là chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã về phát triển kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm… Ngoài ra, việc các hợp tác xã tiếp cận với những chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, khoa học, công nghệ, chế biến, thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng hết sức khó khăn. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, theo thống kê mới có khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay. Thiếu vốn khiến nhiều hợp tác xã không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có nguy cơ phá sản.

Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cho biết, các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã về vốn, khoa học công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm được quy định rõ ràng, nhưng tiếc rằng hầu hết các đơn vị chưa tiếp cận được những ưu đãi này. "Muốn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, kho chứa, thuê cửa hàng tiêu thụ nông sản cho thành viên thì phải có vốn. Nhưng khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng thì đều không được chấp nhận vì chúng tôi không có tài sản thế chấp và chưa có phương án kinh doanh khả thi" - ông Vĩnh nói. 

Trao đổi về những khó khăn của hợp tác xã khi tiếp cận với chính sách, nhất là nguồn vốn, theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), việc tiếp cận vốn đối với hợp tác xã còn khó khăn do nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng (năng lực điều hành, quản trị hạn chế dẫn đến lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh). Một số hợp tác xã hoạt động thiếu công khai minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, chưa tuân thủ nguyên tắc của Luật Hợp tác xã năm 2012, nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn. Số lượng dịch vụ của hợp tác xã ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, chưa có sự gắn kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, hiện chỉ có 48,5% số hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh trong quá trình hoạt động.

(Còn nữa)
 
 
 
Đổi mới để phát triển
(HNM) - Xuất phát từ những đặc thù của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, nhất là những điều kiện để phát triển kinh tế hộ và kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, đi vào cuộc sống thì các hợp tác xã đã có những khởi sắc. 
Quỳnh Dung/hanoimoi.com.vn
 Tags: hợp tác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập134
  • Hôm nay31,524
  • Tháng hiện tại646,515
  • Tổng lượt truy cập91,820,244
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây