Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và cho biết sẽ làm việc cụ thể với các Bộ, ngành liên quan về đề xuất này.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi giữ cương vị Tư lệnh của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp. Đã có tới gần 70 doanh nghiệp tham dự buổi đối thoại này, trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành như TH true MILK, Minh Phú, VinEco, Việt- Úc, Intermex, Pan Group…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi đối thoại với gần 70 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
“Để nông dân làm việc cho tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ rất khổ”
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Thời gian gần đây các DN, tập đoàn kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng lên đáng kể, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành. Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 DN năm 2007 lên 3.640 DN năm 2015, 9 tháng đầu năm 2016 có tới 4.080 DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương và nhiều lĩnh vực”.
Được chia sẻ với Bộ trưởng NNPTNT về câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp, bà Ba Huân (Phạm Thị Huân) - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ: “Có thời điểm công ty chúng tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn, đến nỗi nhiều người tưởng công ty sẽ phá sản, có lúc tôi cũng thoáng nghĩ đến việc bỏ cuộc, tuy nhiên khi nghĩ tới nông dân, những người đã tin tưởng và đi theo chúng tôi rất nhiều năm, nếu tôi bỏ cuộc thì những người nông dân sẽ ra sao. Nghĩ đến họ tôi có thêm sức mạnh và động lực để vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước. Nếu để nông dân làm cho các tập đoàn đầu tư nước ngoài thì họ cũng sẽ rất khổ và vất vả. Vậy nên bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, các bộ ngành cần có những chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn nữa để họ phát triển bền vững”.
Bà Ba Huân cũng chia sẻ thật: “Nhiều người hỏi tôi có tuổi rồi, vì sao vẫn còn ham làm đến thế?. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình xuất thân là nông dân, nên việc của mình là cùng giúp nông dân làm giàu, tăng thu nhập, nên tôi mới phải làm. Tôi mong Bộ trưởng có nhiều kế sách giúp nông dân làm giàu, chứ nói thực giờ họ làm ra nhiều, mà thu nhập chẳng được bao nhiêu?”.
Sau khi nghe bà Ba Huân chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh khát vọng và những đóng góp của bà cho ngành nông nghiệp và vì nông dân, đồng thời ông khẳng định, chính vì những vướng mắc trên, nên hôm nay Bộ NNPTNT và VCCI mới tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất tâm huyết với ngành
Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến nông sản, ông Đinh Cao Khuê – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến nông sản khi đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc thiết bị hoặc phát triển giống cây trồng nguồn vốn vay với lãi suất thấp khoảng 5% và thời gian cho vay đầu tư tối thiểu khoảng 12 năm, đồng thời mở ra và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông sản cơ chế vay vốn tín chấp”.
Nghe đến đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cắt ngang hỏi: Thế hiện công ty của anh Khuê đang phải vay với lãi suất bao nhiêu?.
“8-10% thưa Bộ trưởng”- ông Khuê trả lời.
“Vậy đó là cao hay thấp”- Bộ trưởng Cường hỏi tiếp.
Nghe đến đây tất cả các doanh nghiệp có mặt tại buổi đối thoại đều đồng thanh nói: Đó là mức lãi suất quá cao.
Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và cho biết sẽ làm việc cụ thể với các Bộ, ngành liên quan về đề xuất này.
Cùng chung quan điểm với ông Khuê, bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH cũng kiến nghị: “Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành cần lựa chọn ngành hàng chủ lực để đưa ra các bộ chính sách ưu tiên cụ thể. Bộ chính sách đó phải đủ sức lôi cuốn doanh nghiệp vào nông nghiệp, vì nông nghiệp rủi ro rất lớn, khí hậu thời tiết thiên tai dịch bệnh. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là những doanh nghiệp có tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn” – Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH kiến nghị.
Bà Thái Hương cho biết thêm: “Chúng ta cần chọn ngành hàng ưu tiên từ lợi thế của mình để cạnh tranh với thế giới, ví dụ thế mạnh là lúa thì cần chọn một số giống lúa tốt nhất, chất lượng nhất và tập trung phát triển các giống lúa đó. Vùng nào có lợi thế nhất để phát triển sản phẩm gì thì chỉ tập trung đầu tư phát triển sản phẩn đó, từ đó tạo ra những thương hiệu có tính chất vùng miền, những sản phẩn đó phải là sản phẩm đi từ thiên nhiên, có nguồn gốc thiên nhiên. Đồng thời nên có quy chuẩn tiêu chuẩn đối với từng ngành hàng, bộ tiêu chuẩn quy chuẩn đó phải tương đồng với quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn chung của thế giới và loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn gian dối, trục lợi”.
Tác giả bài viết: Đình Thắng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã