Nhu cầu lớn
Chất khoáng là thành phần rất quan trọng trong cơ thể tôm giúp cho quá trình lột xác của tôm được dễ dàng; nếu thiếu khoáng tôm sẽ bị bệnh cong thân, mềm vỏ. Đối với nuôi TTCT mật độ cao thì việc bổ sung khoáng cần phải được quan tâm và kịp thời. Có thể sử dụng liên tục suốt vụ nuôi, nhất là ở giai đoạn tăng trưởng nhanh của tôm từ 2 đến 3 tháng tuổi. Nhu cầu khoáng của tôm thay đổi tùy theo dạng khoáng. Các loại khoáng tinh thể, có thể hòa tan trong nước thường được hấp thụ cao nhất ở dạng các ion, những hợp chất khác trao đổi điện tử với khoáng hình thành các hợp chất bền, ít tan sẽ khó được hấp thụ. Tuy vậy, việc bổ sung khoáng chất cho tôm, nếu trộn cho ăn thì hiệu quả cao hơn nhiều, thay vì tạt xuống nước.
TTCT có tốc độ tăng trưởng nhanh, do tôm lột xác liên tục, lại được nuôi theo mô hình thâm canh mật độ cao cho nên nhu cầu khoáng chất cũng rất cao. Nước có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan sẵn có càng cao, và ngược lại. Ở độ mặn thấp, hàm lượng Ca, Mg, P, Na… trong nước thấp, tôm hấp thụ khoáng không đủ; đặc biệt trong quá trình sinh trưởng, tôm thẻ cần rất nhiều khoáng, do đó trong ao nuôi tôm thẻ nên luôn duy trì độ kiềm 100 mg/l trở lên, bằng cách sử dụng vôi CaCO3. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tạt khoáng cho ao nuôi để tôm cứng vỏ dễ lột xác, giúp tôm tăng trưởng nhanh, hạn chế hiện tượng đục cơ và cong thân, mềm vỏ.
Lớp vỏ ki-tin của tôm được hình thành chủ yếu từ CaCO3, với một lượng ít Mg, P và S. Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường nước thông qua uống và hấp thụ qua mang. Do đó, sử dụng khoáng trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng mất đi trong quá trình lột xác của tôm là rất cần thiết.
Nên cung cấp chất khoáng cho tôm nuôi vào buổi chiều - Ảnh: Huy Hùng
Nhu cầu chất khoáng trong khẩu phần ăn
Khi nuôi ở nồng độ muối thấp, tôm sẽ khó khăn hơn trong việc lấy muối khoáng hòa tan trong môi trường nước vì vậy khoáng phải được bổ sung trực tiếp trong khẩu phần ăn. Nếu tôm sống trong môi trường nước có độ mặn cao, nhu cầu về Ca2+, K+ và Mg2+ một phần được đáp ứng. Tuy nhiên, nếu tôm sống trong môi trường có độ mặn thấp K+ thường thiếu hụt cần bổ sung khoảng 1% trong khẩu phần ăn. Lượng P cần bổ sung 1 - 2% trong khẩu phần ăn. Ca có ảnh hưởng đến sự hữu dụng của P; do đó khi nuôi tôm trong độ mặn thấp cần bổ sung Ca với tỷ lệ không quá 2,5%. Na+, Cl-, K+, Ca2+ và Mg2+ thường tôm có thể nhận từ nước, đáp ứng phần nào nhu cầu sinh lý của tôm. Riêng PO43- và SO42- thì phải bổ sung thông qua thức ăn.
Nhu cầu chất khoáng trong nước
Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường nước thông qua uống và hấp thụ qua mang. Do đó, việc tạt khoáng trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất trong quá trình lột xác của tôm là rất cần thiết. Việc bổ sung khoáng chất vào thức ăn phụ thuộc vào khả năng hữu dụng sinh học của những loại khoáng này ở môi trường nước. Vì vậy, nếu đủ lượng khoáng trong môi trường nước thì không cần bổ sung khoáng vào thức ăn. Nếu tôm sống trong môi trường nước có độ mặn cao, nhu cầu về Ca2+, K+ và Mg2+ một phần được đáp ứng. Nếu tôm sống trong môi trường có độ mặn thấp hơn 4‰ thì cần bổ sung 5 - 10 mg K+/lít và 10 - 20 mg Mg2+ /lít để bảo đảm tôm tăng trưởng bình thường và tỷ lệ sống cao. Trong nước nuôi tôm, tỷ lệ Na:K phải đạt 28:1, và Mg:Ca là 3,1:1.
Cách bổ sung chất khoáng
Tốt nhất nên bổ sung khoáng chất vào buổi chiều hoặc lúc 22 - 24 giờ, vì tôm thường lột xác ban đêm. Khi tôm lột xác, nhu cầu ôxy tăng gấp đôi và sau khi lột xác, tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng chất từ môi trường nước để tạo vỏ, quá trình hấp thu khoáng chất diễn ra mạnh lúc 2 - 4 giờ.
Khi thấy tôm có hiện tượng mềm vỏ kéo dài, tôm khó lột xác, cần phải định kỳ tạt khoáng bột xuống ao với liều lượng 1 kg/1.000 m3 nước kết hợp trộn khoáng nước liều lượng 10 ml/kg thức ăn (2 lần/ngày), sẽ khắc phục được hiện tượng tôm mềm vỏ, khó lột xác.
30 - 65 ngày tuổi, tôm tăng trưởng mạnh nhất. Nếu trong giai đoạn này tôm tăng trưởng chậm chứng tỏ hàm lượng Ca, Mg trong nước thiếu, không đủ nhu cầu hấp thu của tôm, cần phải bổ sung khoáng nước bằng cách trộn vào thức ăn với liều lượng 5 ml/kg thức ăn, 2 lần/ngày.
Một số sản phẩm bổ sung chất khoáng
Hiện nay trên thị trường có bán các loại khoáng chất của các công ty uy tín như: Vi-Caphos của Công ty Viphavet; Mario của Tiệp Phát; Mixlec của Công ty TNHH UV Việt Nam, Aquamax của Công ty TNHH CPP, Vi-caphos của Công ty Asiland…, với hướng dẫn sử dụng được ghi trên nhãn mác. Ngoài ra người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm với thành phần chính là một trong số các loại muối khoáng có trong bảng kèm theo.
>> Việc bổ sung chất khoáng không những giúp cho tôm nuôi khỏe mạnh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng miễn dịch. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã