Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn) theo hướng công nghiệp, hiện đại; gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, đến năm 2016, sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to cho phép khai thác tối đa 19 nghìn tấn/năm; sản lượng cá ngừ vằn đạt 50 nghìn tấn/năm. Số tàu khai thác cá ngừ bằng nghề câu là 1.940 chiếc, 1.400 tàu khai thác bằng nghề lưới vây là, 1.000 tàu khai thác bằng nghề lưới rê, 135 tàu dịch vụ hậu cần. Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%; 100% ngư dân trực tiếp khai thác cá ngừ được đào tạo kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sơ chế, bảo quản cá ngừ tiên tiến.
Đến năm 2020, sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to cho phép khai thác tối đa 21 nghìn tấn/năm. Sản lượng cá ngừ vằn đạt 70 nghìn tấn/năm. Giảm tổn thất thu hoạch xuống dưới 10%.
Đề án này được thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trong thời gian từ năm 2014-2020.
Phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hướng hiện đại
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hướng hiện đại, trong đó đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ cá ngừ hiện đại bằng vỏ thép, vật liệu mới và vỏ gỗ đối với tàu trên 400CV theo thiết kế mẫu; nâng cấp, cải hoán tàu khai thác, tàu dịch vụ phục vụ khai thác cá ngừ đại dương; chú trọng đầu tư, nâng cấp máy tàu có công suất nhỏ hơn 400CV thành tàu từ 400CV trở lên,…
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành quy chế và triển khai thực hiện tổ chức thí điểm các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trên cơ sở lựa chọn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ có thị trường xuất khẩu tốt nhằm sản xuất theo nhu cầu và định hướng thị trường.
Đồng thời xây dựng và triển khai mô hình liên kết dọc như mô hình tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi do một doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và tổ chức thực hiện toàn bộ chuỗi; mô hình liên kết theo chuỗi do doanh nghiệp tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ hợp tác trực tiếp với tổ chức đại diện các chủ tàu khai thác (hợp tác xã, tổ hợp tác),…
Xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương như: đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá ngừ chuyên dụng; quy hoạch, bố trí mặt bằng và đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần hiện đại, đồng bộ phục vụ khai thác, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ tại Khánh Hòa gắn với trung tâm nghề cá lớn.
Về giải pháp thực hiện, Đề án nêu rõ tiếp tục điều tra nguồn lợi, xác định trữ lượng, biến động của nguồn lợi cá ngừ và triển khai có hiệu quả công tác dự báo ngư trường. Xây dựng và triển khai Dự án tăng cường nghiên cứu và dự báo ngư trường. Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến cá ngừ tiên tiến trên tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cá ngừ tại các địa phương và tích hợp với Bộ để thống nhất quản lý và truy xuất nguồn gốc.
Đối với xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ. Triển khai hợp tác quốc tế về đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đấu tranh với các rào cản thương mại; tham gia các Hội chợ trong khu vực và thế giới,…
Thanh Trúc
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã