Học tập đạo đức HCM

Doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi các FTA có hiệu lực?

Thứ sáu - 17/07/2015 00:29
- Việt Nam đang tham gia 15 FTA, trong đó có 10 FTA đã ký và 5 FTA đang đàm phán. Cơ hội đang mở ra rất lớn, tuy nhiên, để được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA, “bài toán” đặt ra là doanh nghiệp cần đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng thuế ưu đãi
Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam đang tham gia 15 FTA; trong đó có 10 hiệp định đã ký và 5 hiệp định đang đàm phán. Trong 10 FTA đã ký thì có 8 FTA đã có hiệu lực đang thực hiện, 2 FTA chưa có hiệu lực.
Tại Diễn đàn CEO ngành nhựa diễn ra vào ngày 10/07 vừa qua, bà Bùi Kim Thùy, Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, động lực chính để hình thành các FTA giữa các nước là mức thuế quan lý tưởng giữa các nước dành cho nhau, cắt giảm về 0% theo lộ trình.
Bà Thùy đặc biệt lưu ý, hiện nay các yếu tố, như: lao động giá rẻ, dân số trẻ, khỏe không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa, vì vậy mức ưu đãi lý tưởng về thuế quan là một trong những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất - nhập khẩu. Điển hình như, khi TPP có hiệu lực, 90%-95% các sản phẩm được đưa về mức thuế suất 0%.
Tuy nhiên, có một vấn đề là, nhiều doanh nghiệp lại không biết phải đáp ứng những điều kiện gì để được hưởng mức thuế quan lý tưởng này.
Chủ trì một cuộc hội thảo về sự chuẩn bị của Việt Nam trước thềm Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 (AEC), TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “2 năm gần đây, nhiều hội thảo đã tổ chức bàn đến AEC, nhưng nếu đi hỏi các doanh nghiệp về vấn đề này, tôi chắc chỉ khoảng 30% là có hiểu biết về cộng đồng này thôi. Thậm chí, nhiều quan chức Việt Nam cũng hiểu rất lơ mơ”.
Năm 2014, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Singapore cũng đã từng điều tra về nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đến AEC. Kết quả thật đáng buồn khi chỉ ra rằng, đã có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam được điều tra không biết gì về AEC và 94% doanh nghiệp cũng không biết gì về "Biểu đánh giá AEC" - một cơ chế giám sát của ASEAN về mức độ tham gia xây dựng cộng đồng AEC của các nước thành viên.
Với các FTA đã ký kết, cũng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Tất yếu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không hiểu rõ cơ hội hay thách thức khi tham gia AEC vào năm 2015. Thế nên, tới 63% doanh nghiệp cho rằng, AEC chẳng có ảnh hưởng gì hoặc ít ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Một số doanh nghiệp "vô tư" trước sự kiện hội nhập khu vực lớn nhất này trong 10 quốc gia ASEAN.
Nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2014 thuộc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đánh giá: Những nhận thức hạn chế như vậy sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC, như: giảm thuế quan, thủ tục hải quan điện tử...
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về những cơ hội, thách thức từ các FTA đem lại.
Cụ thể là cần nắm rõ những điều kiện quan trọng để hưởng mức thuế quan ưu đãi đó chính là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa đó mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi.
Đây vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa đến từ đâu, có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng của FTA hay không.
 “Quy tắc xuất xứ” là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên.

Tăng năng lực cạnh tranh để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại
Một thách thức lớn đối với Việt Nam khi tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA, đó là sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ở các nước đối tác trong FTA.
Tại Hội thảo “Việt Nam trong thế giới thương mại không biên giới - Cơ hội và thách thức” tổ chức giữa tháng 05/2015, ông Matthew J. McConkey, luật sư thành viên của Mayer Brown tại Mỹ cho biết, với việc có thêm nhiều FTA, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng cũng sẽ có thêm nhiều khả năng doanh nghiệp Việt Nam bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Bởi lẽ, tăng xuất khẩu vào một nước sẽ khiến ngành sản xuất trong nước đó cảm thấy bị đe doạ.
Theo các thống kê đối với khu vực ASEAN, các FTA ảnh hưởng lớn đến biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, với Malaysia, từ năm 2007-2011, nước này không điều tra bất kỳ vụ kiện chống bán phá giá nào.
Tuy nhiên, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực (tháng 05/2010), trong năm đầu, do giảm thuế nhập khẩu, doanh nghiệp Malaysia phải chịu sức ép từ hàng nhập khẩu, nên cuối năm 2011, nước này đã chuẩn bị rất nhiều hồ sơ khởi kiện đối với hàng hóa nhập khẩu.
Malaysia đã tiến hành 11 vụ điều tra chống bán phá giá trong năm 2012 và 8 vụ trong năm 2013. Năm 2014, nước này tiến hành 8 vụ kiện chống bán phá giá từ Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc - những đối tác FTA với Malaysia.
Gần đây nhất, vào ngày 28/04/2015, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn sơn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân hàng Việt Nam bị kiện là do Việt Nam vẫn bị xem là nền kinh tế phi thị trường.
Phân tích vấn đề trên, bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chia sẻ, thông thường các vụ kiện phòng vệ thương mại, như kiện chống bán phá giá không liên quan đến các FTA, mà liên quan đến chu kỳ kinh tế. Tức là giai đoạn nào mà nền kinh tế gặp khó khăn họ sẽ càng sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Mặc dù vậy, bà Giang cũng cảnh báo, các đối tác FTA sắp tới của Việt Nam như: Mỹ và Nga là những nước đã tiến hành nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, do đó, khi xuất khẩu vào các nước này, doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý và chuẩn bị kỹ.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cũng đề xuất: “Doanh nghiệp nên có một bộ phận riêng về phòng vệ thương mại, vì có khả năng các vụ kiện đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào hai nước này sẽ tăng lên”.
Một khi bị kiện, nếu doanh nghiệp không theo đuổi vụ kiện, có thể bị mất thị trường xuất khẩu. Lưu ý, khi chuyển sang thị trường khác, trong khoảng 2 năm đầu, dù ở bất cứ thị trường nào doanh nghiệp cũng sẽ gặp phải một vụ kiện tương tự.
Theo ông Matthew J. McConkey, trong nhiều năm qua Việt Nam đối mặt nhiều vụ kiện từ châu Âu, Mỹ và các nước láng giềng.
Đến hết năm 2018, tức đầu năm 2019, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ phải xem Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ông Matthew J. McConkey băn khoăn không biết liệu đến năm 2019 Mỹ có xem Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chờ đợi được công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình bằng cách tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
“Phòng vệ thương mại được xem như cái van cuối cùng để doanh nghiệp sử dụng khi thuế đưa về 0%. Bản thân Chính phủ không muốn sử dụng những hàng rào thuế quan chúng ta đã cố gắng đàm phán để đưa về 0%, mà muốn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh”, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết./.
Tham khảo từ các nguồn:
1. Văn Nam (2015). Cần chú ý quy tắc xuất xứ hàng hóa khi các FTA có hiệu lực, truy cập từhttp://www.thesaigontimes.vn/132871/Can-chu-y-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-khi-cac-FTA-co-hieu-luc.html
 
2. T. Thu (2015). Nhiều FTA được ký, hàng xuất khẩu VN sẽ thêm rủi ro?, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/130385/Nhieu-FTA-duoc-ky-hang-xuat-khau-VN-se-them-rui-ro.html
Lê Vân
theo kinhtevadubao
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập272
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại823,016
  • Tổng lượt truy cập90,886,409
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây