Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016; ngành lâm nghiệp tăng 4,31% và ngành nông nghiệp tăng khá ở mức 2,01% (so với mức giảm 0,78% của cùng kỳ năm trước).
Thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho toàn ngành nông nghiệp |
Trong lĩnh vực trồng trọt, ngoại trừ SX lúa vụ ĐX tiếp tục đà giảm nhẹ về tổng sản lượng do việc rút dần diện tích đất trồng lúa, còn lại các nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao đều tăng về diện tích và sản lượng.
Đáng chú ý là sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước như: Chè đạt 455,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; cao su đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4,4%; hồ tiêu đạt 207,7 nghìn tấn, tăng 7,1% (riêng sản lượng điều chỉ đạt 222,3 nghìn tấn, giảm 26,8% do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài). Mặc dù một số loại cây ăn quả tại phía Bắc như vải, nhãn thất thu so với mọi năm do nguyên nhân bất khả kháng về thời tiết, tuy nhiên sản lượng một số cây ăn quả chủ lực khác đều đạt khá như: Cam đạt 304,6 nghìn tấn, tăng 24,8%; thanh long đạt 488 nghìn tấn, tăng 16,4%; xoài đạt 448,3 nghìn tấn, tăng 2,2%...
Sáu tháng đầu năm 2017, thủy sản tiếp tục là lĩnh vực ghi dấu ấn, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ đã và đang có những tín hiệu bứt phá mạnh mẽ theo những định hướng chiến lược của Chính phủ cho ngành tôm tới năm 2025. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.668,2 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.232,6 nghìn tấn, tăng 2,2% và tôm đạt 252,1 nghìn tấn, tăng 8,9%.
Trong đó, sản lượng tôm sú và tôm thẻ đạt 222,4 nghìn tấn, tăng 9,2%. Một số địa phương có sản lượng tôm tăng cao như Cà Mau đạt 66,9 nghìn tấn, tăng 1%; Bạc Liêu đạt 33,8 nghìn tấn, tăng 3%; Kiên Giang đạt 20,8 nghìn tấn, tăng 12,9%. So với những năm trước, nuôi tôm nước lợ nửa đầu năm 2017 gặp thuận lợi về thời tiết và giá cả nên diện tích nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm ước tính đạt 605,2 nghìn ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với tôm, nuôi cá tra cũng đang từng bước phục hồi khi giá cá tra tăng dần trong những tháng đầu năm đã khuyến khích người dân thả nuôi trở lại. Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 543,3 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,8%; quý II tăng 1,9%), trong đó Đồng Tháp đạt 185,7 nghìn tấn; An Giang đạt 116,9 nghìn tấn...
Cùng với việc giữ vững SX trong nước, nhiều mặt hàng chủ lực của nông nghiệp tiếp tục ghi nhận tình hình XK khả quan, đặc biệt là nhóm ngành hàng rau quả vẫn đang giữ được đà tăng trưởng về XK đáng kinh ngạc.
XK rau quả tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2017 (Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm cơ sở XK cà rốt sang Hàn Quốc tại Hải Dương) |
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoại trừ mặt hàng sắn và sản phẩm sắn tiếp tục đà tụt giảm do nhu cầu NK của các nước giảm mạnh, còn lại các mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam đều tăng ấn tượng về giá trị XK.
Cụ thể, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị XK thủy sản ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% và giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số các mặt hàng nông sản XK, gạo, cao su và chè là những ngành hàng có kim ngạch XK tăng cả về lượng và giá trị. Cụ thể, tổng khối lượng XK gạo 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,8 triệu tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK gạo của Việt Nam.
XK mặt hàng cao su 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 462 nghìn tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1.957 USD/tấn, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2016. Khối lượng chè XK 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 63 nghìn tấn và 98 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Cà phê và hạt điều là hai ngành hàng giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị XK. Cụ thể, XK cà phê 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 817 nghìn tấn và 1,86 tỷ USD, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê XK bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 2.264 USD/tấn, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 16,8% và 14,8%. Đối với hạt điều, 6 tháng đầu năm 2017, XK ước đạt 149 nghìn tấn và 1,5 tỷ USD, dù giảm 4,4% về khối lượng nhưng lại tăng 20,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều XK bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 9.562 USD/tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, giá trị XK hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, chiếm 84,7% tổng giá trị XK hàng rau quả. Trong 5 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị XK hàng rau quả tăng mạnh là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (96,3%), Nga (67,2%), Nhật Bản (56,1%), Trung Quốc (50,5%), Hoa Kỳ (23,5%), Hàn Quốc (14,9%) và Thái Lan (12,5%)…
+ Sau sự cố môi trường biển miền Trung, 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động khai thác thủy sản đã được khôi phục dần, với tổng sản lượng cả nước ước tính đạt trên 1,66 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản khai thác biển 6 tháng đạt trên 1,57 triệu tấn, tăng 4,9%. Hoạt động đánh bắt thủy sản tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã hồi phục và tăng trở lại (Hà Tĩnh tăng 18,9% về sản lượng; Quảng Bình tăng 12,2%; Quảng Trị tăng 41,8% và Thừa Thiên - Huế tăng 29,2%). + Trong 6 tháng đầu năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 100 nghìn ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác đạt khá với 4.835 nghìn m3, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng đến kỳ khai thác. Việc sản phẩm gỗ từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường xuất khẩu gỗ của nước ta trong thời gian tới... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã