Cầm tấm các-vi-dít Trần Trọng Việt đưa cho, tôi mới hay anh là GĐ Cty TNHH Nông nghiệp Hải Đăng...
Mọi hy vọng, thành quả với Việt vẫn còn ở phía trước |
Địa điểm SX của công ty là khu đất rộng 1,4ha, nằm ngay cạnh sông Châu Giang. Ở đó, giám đốc Việt cho dựng mấy khu nhà lưới, bên trong anh trồng dưa chuột, cà chua Nhật trong bầu. Việc tưới nước hoàn toàn tự động bằng hệ thống ống tưới nhỏ giọt đã qua xử lý từ nguồn nước sông. Hơn 1ha nhưng chỉ có rất ít lao động, được Việt thuê người địa phương...
Hỏi chuyện mới biết Việt có bằng ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành công nghệ môi trường hẳn hoi. Sau vài năm ra trường, đi làm thuê cho mấy công ty, dự án. Năm 2013 Việt “hồi hương” mang theo giấc mơ làm giàu từ đất, cụ thể là trồng rau sạch, kèm theo một kế hoạch bài bản.
Hỏi lý do, Việt bảo, khi đi làm dự án, tiếp xúc với một số thanh niên Nhật, thanh niên Israel, nghe họ khích “nước mày chả thiếu điều kiện để làm giàu từ nông nghiệp mà vẫn nghèo, chẳng qua là chúng mày không biết cách làm mà thôi”, cậu “cay cú" lắm.
Việt kể thêm: “Một lần vợ chồng em vào siêu thị ở Hà Nội. Vợ em mua quả táo bé tí tẹo của Mỹ với giá 32.000 đồng. Em hỏi sao không mua hoa quả của Việt Nam, cô ấy bảo sợ độc. Quan sát thì thấy đúng là nhiều sản phẩm cùng loại của mình cùng được bày bán mà ít người mua...”.
Để có một khu SX hiện đại, Việt đã đầu tư một số vốn lớn |
Điều này làm anh suy nghĩ. “Lạ nhỉ? Quả táo Mỹ thì chắc gì đã hơn táo Việt Nam. Trong khi để về được đến đây nó phải qua bao khâu bảo quản, thời gian, chi phí vận chuyển, đắt là phải. Mà suy cho cùng, mọi thứ tự nhiên đã hoàn hảo rồi, việc bảo quản chỉ là do con người nghĩ ra mà thôi. Mua táo Mỹ, từ chối táo Việt thì đúng là đồ tươi không ăn, bỏ thêm tiền để mua đồ bảo quản...”, Việt nhìn nhận.
Anh cho biết, trước khi bắt tay làm nông nghiệp, Việt đã mất khá nhiều thời gian đi “tầm sư”, trong đó có đến 3 tháng ra tận Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm ở huyện Gia Lộc (Hải Dương), đêm ngủ ở phòng bảo vệ, ban ngày trực tiếp lao động trồng rau trong nhà kính để “học những khái niệm ban đầu về nông nghiệp sạch”, rồi mò mẫm lên chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) tìm hiểu thị trường.
Từ những gì thu lượm được, Việt về quê thành lập công ty, khởi nghiệp nghề làm nông. “Cũng may, bố mẹ em là người cấp tiến, rất ủng hộ chuyện làm ăn của em, bằng cách cho em cầm sổ đỏ nhà ở đi thế chấp ngân hàng, rồi vay thêm các nguồn khác được gần 2 tỷ đồng để đầu tư...”, Việt kể.
Gian nan nhất với Việt là đi thuê gom đất. Trong số 1,4ha ven sông thuê được, chỉ có 4.000m2 là đất công của xã. Số còn lại của mấy chục hộ nông dân. Để thuê được, Việt phải mất rất nhiều thời gian vận động, đàm phán. Đáng nói là, thuyết phục thế nào bà con cũng chỉ cho thuê một năm một, sau đó mới... tính tiếp. Thời gian thuê đất ngắn là một rủi ro lớn. Nhưng theo Việt: “Quyết tâm làm rồi nên em vẫn chấp nhận”.
Bắt tay vào làm, mấy lứa dưa đầu, như lời Việt rất được về năng suất nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao bởi sản phẩm chưa được thị trường biết đến nhiều. Hái một quả cà chua nhót chín đỏ, đưa lên miệng nhai ngon lành, Việt tự tin, bảo: “Mọi hy vọng, thành quả em đặt cả vào tương lai phía trước...”.
Cà chua nhót, một trong những sản phẩm sạch của Cty Nông nghiệp Hải Đăng |
Tác giả bài viết: Theo Trần Duy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã