Vừa tất bật làm sạch cỏ trên các luống rau, chị Nguyễn Thị Tố Nga - Chủ tịch Hội LHPN xã vui vẻ tiếp chuyện: “Tháng 10/2016, giấc mơ thành lập mô hình sản xuất rau an toàn bấy lâu tôi ấp ủ đã trở thành hiện thực. Sau quá trình khảo sát, quy hoạch, đã có 44 hộ dân đồng ý tham gia. Với cảnh quan đẹp, thoáng đãng; nằm ngay cạnh đường lớn, thuận lợi cho việc tiêu thụ và gần nguồn nước đảm bảo vấn đề tưới tiêu, thôn Đại Nghĩa trở thành địa điểm lý tưởng để hình thành HTX rau sạch”.
Mô hình sản xuất rau an toàn kỳ vọng mang lại thu nhập cao cho các xã viên.
Xuất phát từ ý tưởng đó, HTX Sản xuất rau an toàn thôn Đại Nghĩa được thành lập trên nền diện tích 24.000 m2. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của HTX, UBND xã Đức Yên hỗ trợ 59 triệu đồng lắp đặt hàng rào, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước… Ngoài ra, mỗi hộ tham gia còn được hỗ trợ mua giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Trước đây, nông dân không chú trọng đến liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác mà chủ yếu sản xuất theo hộ, nhỏ lẻ, thiếu tính kết nối nên hiệu quả không cao. Chúng tôi xác định, muốn cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, cần thiết phải thay đổi tư duy sản xuất. Ngoài sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, bà con còn được tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình trên toàn tỉnh, đây chính là cơ hội để nông dân làm ra sản phẩm chất lượng, tạo thương hiệu riêng cho địa phương” - Giám đốc HTX Nguyễn Cảnh Hải cho biết.
Quy trình sản xuất được thực hiện khá chặt chẽ từ khâu làm đất, xử lý hạt giống, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, ngoài các loại rau chính vụ như lạc, bầu…, HTX còn dành 2.000 m2 đất trồng rau trái vụ như rau thơm, xà lách, hẹ… cho hiệu quả gấp đôi. Theo tính toán của các tổ viên, 1 bó rau ngò (mùi) giá từ 500-1.000 đồng, được thu hoạch 2 lần trên diện tích 50 m2 sẽ cho thu nhập trung bình mỗi tháng 1 triệu đồng.
Theo đánh giá, trồng rau màu cho thu nhập ổn định và thường xuyên hơn trồng lúa. Đặc biệt, dịp tết Nguyên đán vừa qua là thời điểm “vàng” cho các hộ dân tăng gia sản xuất. Chỉ tính riêng thời gian từ tháng 10/2016 tới sau đợt tết Đinh Dậu, doanh thu của HTX đã xấp xỉ hơn 400 triệu đồng. Nếu duy trì tốt, doanh thu vượt 870 triệu đồng/3 vụ thu hoạch theo dự tính ban đầu là hoàn toàn có thể. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có thêm nguồn thu từ 4-5 triệu đồng/tháng.
HTX Sản xuất rau an toàn thôn Đại Nghĩa không những giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó, mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, từng bước thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang hàng hóa gắn với thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm rau mới chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ qua nhà hàng, khách sạn, các điểm chợ trên địa bàn huyện và người sản xuất vẫn đang loay hoay với bài toán đầu ra.
“HTX vừa thay đổi tư duy sản xuất, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng sản xuất những loại rau cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh trong việc kêu gọi các doanh nghiệp liên kết nhằm tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm” - Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Nhật khẳng định.
Thùy Dương/ Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã