Là một trong những mô hình sản xuất nông sản kiểu mới thành công, những năm qua, hợp tác xã xóm Mòng, huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã tạo ra các sản phẩm rau an toàn, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp xã viên ổn định đời sống; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là kết quả của dự án ADDA (Đan Mạch) với trường Cao đẳng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bắc Bộ và Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình.
Mô hình trồng rau hữu cơ được triển khai tại Lương Sơn từ năm 2008 với sự kết hợp của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Dự án bắt đầu tại thị trấn Lương Sơn, xã Hoà Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hoà, Thành Lập, Cư Yên, Tân Vinh và hoạt động dưới dạng "nhóm sở thích" gồm 82 thành viên (chia thành 8 nhóm và một hợp tác xã) với tổng diện tích canh tác là 2,7 ha.
Tham gia dự án, các thành viên được tạo điều kiện hỗ trợ về đất trồng kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ. Trước đó, người dân sẽ tham gia tập huấn 3 tháng về phương pháp trồng và chăm sóc. Kết thúc khóa học, chỉ những người được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện tham gia vào mô hình.
|
Mô hình trồng rau hữu cơ được triển khai tại Lương Sơn từ năm 2008. Ảnh: Lương Sơn Organicfarm. |
Rau hữu cơ Lương Sơn đảm bảo chất lượng nhưng thời gian đầu, sản phẩm gặp khó khăn do không tìm được đầu ra. Sau đó, nhờ giới thiệu, nhóm trồng rau đặt vấn đề thu mua với một số công ty ở Hà Nội và dần đi vào tiêu thụ đều đặn với số lượng lớn, giá thành đảm bảo. Đó cũng chính là động lực để bà con trồng rau duy trì mô hình.
Ngoài ra, toàn bộ nguồn giống rau phải do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh cung cấp. Loại phân bón duy nhất được sử dụng là phân chuồng ủ hoai mục từ 3 đến 6 tháng. Để phòng trừ và hạn chế sâu bệnh, bà con tự chế thuốc trừ sâu bằng hỗn hợp nguyên liệu gồm tỏi, ớt, gừng ngâm với rượu trong vòng 5-7 ngày rồi mang phun trực tiếp lên rau. Nước tưới lấy bởi 2 nguồn chính là nước dẫn từ suối xuống ruộng hoặc nước bơm từ giếng khoan đã được kiểm định chất lượng nước…
Sau 3 năm dự án triển khai, hợp tác xã nông sản hữu cơ Lương Sơn chính thức ra đời vào năm 2011. Đến tháng 6/2015, toàn huyện có 16 nhóm sản xuất rau hữu cơ với 98 thành viên, mỗi nhóm có tối thiểu 5 người. Năm 2015, hợp tác xã rau hữu cơ Lương Sơn được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình hỗ trợ thực hiện mô hình kiểm soát chất lượng theo chuỗi sản phẩm.
Bên cạnh đó, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cũng đầu tư hệ thống lưới che chắn cây trồng, thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh về hợp tác xã và các sản phẩm kinh doanh, đồng thời, cung cấp thiết bị quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… Đây là cơ sở để hợp tác xã tạo nên các sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi đưa ra thị trường.
Hiện nay, ngoài một tỷ lệ nhỏ được tiêu thụ tại địa phương, phần lớn rau hữu cơ của các xã, thị trấn ở huyện Lương Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt.
Trong 9 tháng năm 2016, tổng khối lượng nông sản hữu cơ do liên nhóm sản xuất huyện Lương Sơn cung cấp cho thị trường lên tới trên 100 tấn. Người trồng cũng đạt thu nhập 3,5-4 triệu đồng một tháng.
Theo Thủy Nguyễn/vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã