Anh Lượng cho biết trên diện tích hơn 1,5 ha trồng cao su của gia đình trước đây, anh đã đầu tư trồng các loại cây ăn trái như mãng cầu, mít, sầu riêng… và xây dựng chuồng bò theo mô hình VietGAP. Trong vòng 3 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, internet… hiện đàn bò của anh đã phát triển lên đến gần 40 con. Mỗi năm đàn bò cho sinh sản gần 20 con bò giống, mang về thu nhập gần 300 triệu đồng.
Không chỉ bán bò giống, anh Lượng còn nuôi gần 100 con gà đẻ trứng. Tận dụng nguồn phân bò dồi dào làm hệ thống dẫn, xây hầm biogas để xử lý chất thải, giải quyết “bài toán” môi trường, tạo nguồn khí gas sử dụng trong gia đình, thu gom phân, nước phân để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình. Đối với lượng phân dôi dư, anh cũng tự mua các chế phẩm sinh học về để ủ, sau đó bán lại cho người dân trong vùng. Không những thế, hơn 1,2 ha cây ăn trái hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm khi đang phát triển tốt. Hiện mô hình của anh đang tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, trong đó có cả những thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ tay trắng trở thành tỷ phú chăn nuôi bò sữa
Câu chuyện được chị Mạch Thị Trường Xuân (ngụ tại ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) chia sẻ với báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) tạo nên niềm tin khởi nghiệp cho những người nông dân chân chất khao khát làm giàu, xây dựng quê hương. Chị Xuân chia sẻ, lúc khởi nghiệp, gia đình chị chỉ có 250 m2 đất canh tác. Trồng trọt không sinh lợi bao nhiêu, chị từng phải làm đủ thứ nghề trong một thời gian dài để kiếm sống... Tuy nhiên, thu nhập cũng không cải thiện là bao. Kinh tế gia đình chị Xuân đã có bước ngoặt thay đổi từ khi chương trình chăn nuôi bò thịt, bò sữa được thành phố Mỹ Tho triển khai.
Thời điểm đó vào khoảng năm 2005-2006, công tác khuyến nông, trợ giúp vốn chăn nuôi bò được lãnh đạo địa phương quan tâm. Là phụ nữ nghèo khao khát lập thân, lập nghiệp, chị Xuân thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Mặt khác, chị gom góp vốn dành dụm và vay thêm ngân hàng làm chuồng trại chăn nuôi 4 con bò thịt. Bên cạnh đó, chị tìm mua bã bia, tận dụng đất quanh nhà trồng cỏ chăn nuôi để làm thức ăn cho bò, áp dụng các biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh phòng chống bệnh tật…
Buổi đầu khởi nghiệp gặt hái được nhiều thành công. Chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, chị có thu nhập khá từ nghề chăn nuôi bò thịt. Trả nợ xong, chị còn dư vài trăm triệu đồng làm vốn tái sản xuất. Đến năm 2007, được dự các cuộc hội thảo, tập huấn khuyến nông chuyên đề chăn nuôi bò sữa và tham quan các trại chăn nuôi bò sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Xuân mạnh dạn chuyển từ nuôi bò thịt sang nuôi bò sữa. Chị đã đầu tư cải tạo lại chuồng trại phù hợp với đối tượng nuôi mới; đồng thời, đầu tư mua 5 con bò sữa về nuôi.
Sau vài năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa, chị đã hoàn vốn đầu tư ban đầu và có lãi. Tính riêng nguồn sữa, mỗi con bò sữa cho lãi 100.000 đồng/ngày. Công việc kinh doanh thức ăn cho bò cũng phát triển với nguồn lãi trên 400.000 đồng/ ngày.
Có vốn, điều kiện, kiến thức chăn nuôi, chị mở rộng quy mô đàn bò sữa lên 30 con trong chuồng, thuê thêm 1 ha đất chuyên trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, chị Xuân còn đầu tư hai máy vắt sữa bò, trang bị thêm máy cắt và xay cỏ.
Anh Võ Hồng Minh chia sẻ: “Mẹ tôi mất sớm, nhà lại đông anh em nên nghèo khó vô cùng. Sau khi lập gia đình, cuộc sống vợ chồng tôi càng cơ cực hơn, tài sản chỉ có mảnh đất đồi trên 300m2... Vậy mà vợ chồng đồng cam cộng khổ rồi cũng tích cóp được vốn liếng để năm 1993 mua 10 con bò lai sind về nuôi”.
Chỉ 10 năm sau, đàn bò sinh sản của anh Minh đã tăng lên trên 100 con. Để có nguồn thức ăn cho đàn bò anh bán bớt 4 con mua được 2ha đất trồng cỏ. Đến năm 2006, anh có trên 150 con bò. Từ đó, bình quân mỗi năm đàn bò cho anh số tiền lãi từ 500-600 triệu đồng. Có tiền, anh xây dựng căn nhà khang trang hơn 1 tỷ đồng, mua ô tô trị giá gần 900 triệu đồng.
Đầu năm 2015, anh mua 20 con bò sinh sản Brahman trị giá trên 700 triệu đồng về nuôi. “Bước đầu, tôi thấy bò sinh trưởng phát triển tốt và đã sinh sản được 10 con. Mỗi con bò giống có trọng lượng từ 600-700kg. Giống bò này cho trọng lượng thịt rất tốt và sản lượng thịt cao gấp 2 lần so với bò thường”, anh Minh nói.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây anh đã mua trên 100 con dê giống lai bách thảo và sắm thêm 2 xe máy múc, 2 ô tô tải với số tiền trên 3 tỷ đồng. Về bí quyết làm kinh tế nông nghiệp, anh Minh bộc bạch ngắn gọn: “Kiên trì, lấy ngắn nuôi dài, cần cù, chịu khó và nắm bắt thị trường là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công”. Trang trại nuôi bò của anh Minh giờ đã có tiếng tăm, thương lái khắp nơi đổ về mua bán.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã