Mô hình trồng thanh long ruột đỏ
Xã Thạch Văn hiện có 50 mô hình sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp vừa và nhỏ do đoàn viên, thanh niên đứng chủ đang phát huy hiệu quả. Tiêu biểu là đoàn viên Nguyễn Văn Bường, sinh năm 1989 ở thôn Bắc Văn. Với 50 triệu đồng vay qua Tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn thanh niên xã quản lý, anh đã xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gà, lợn. Ban đầu anh nuôi 500 con gà, 10 con lợn, tiền lãi từ những lứa đầu tiên được tiếp tục tái đàn, mở rộng chuồng trại. Việc chăn nuôi gặp không ít rủi ro do dịch bệnh, giá cả lên xuống thất thường, song do nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, kiên trì, chịu khó, anh đã từng bước khắc phục khó khăn, duy trì và mở rộng quy mô. Đầu năm 2018, anh tiếp tục được vay nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ việc làm của Tỉnh đoàn để đầu tư xây thêm hệ thống chuồng trại, tăng tổng đàn. Đến nay, trên diện tích 3.000 m 2 gia trại, anh đã xây được 07 chuồng với hơn 3.000 con gà, 70 con lợn, hàng trăm gốc keo, tràm chuẩn bị thu hoạch. Khu chăn nuôi có hệ thống bể biogas khép kín, chất thải được tận dụng để trồng cây, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm, anh xuất bán 03 lứa lợn, hàng chục lứa gà, cho thu nhập ổn định 300 triệu đồng/năm. Năm 2017, mô hình của anh Nguyễn Văn Bường được Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh công nhận là mô hình kinh tế tiêu biểu. Tiềm năng về thị trường đầu ra các sản phẩm chăn nuôi khá thuận lợi đang tạo động lực và niềm tin để anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, xác định hướng đi vững vàng trong thời gian tới.
Khai thác tiềm năng đất đai, nhiều đoàn viên thanh niên ở vùng biển ngang xã Thạch Trị đã xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 mô hình do đoàn viên thanh niên làm chủ cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên/năm; có 03 hợp tác xã do đoàn viên quản lý (Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Trần Phú của anh Phạm Đình Đạo, Hợp tác xã kinh doanh thức ăn gia súc và chăn nuôi tổng hợp của anh Dương Văn Đồng, Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Thái Dương của anh Nguyễn Đình Dương). Riêng mô hình của anh Phạm Đình Đạo ở thôn Trần Phú có diện tích đất thuê 04 ha, kết hợp nuôi 5.000 con gà trên cát, 03 ao nuôi cá, tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Đến nay đã bước sang năm thứ ba, hướng đi của anh cho thấy hiệu quả, trừ các chi phí, tiền lãi thu được hàng tháng khoảng 15 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi lợn
Sau 8 năm lao động xa quê, tích lũy được một số vốn, năm 2012, đoàn viên Lê Đăng Hưng quyết định về quê lập nghiệp. Qua tìm hiểu, học tập kỹ thuật chăm sóc của các mô hình ở miền Bắc, với sự giúp sức, hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao khoa học công nghệ và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, anh đã trồng thử nghiệm 350 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 01ha ở vùng đồi núi thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn. Hiệu quả từ những vụ mùa đầu giúp anh có thêm động lực để tiếp tục đầu tư, mở rộng. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các tổ chức, ngành chuyên môn (Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Chuyển giao khoa học công nghệ và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện hỗ trợ trên 600 triệu đồng, Quỹ khởi nghiệp của Trung ương Đoàn cho vay 50 triệu đồng), đến nay anh đã trồng được 6.000 trụ thanh long trên diện tích 05 ha với kinh phí đầu tư khoảng 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn liên kết với 10 hộ dân trồng khoảng 20 ha ở các huyện Can Lộc, Hương Sơn, Thạch Hà để đảm bảo nguồn cung ổn định cho các đơn hàng. Bình quân mỗi kg bán ra thị trường với giá 40.000 đồng, mỗi năm cho thu hoạch 06 lứa, doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm. Anh đã đứng ra thành lập Hợp tác xã sản xuất cây ăn quả với 07 thành viên liên kết sản xuất, tiêu thụ 05 ha thanh long, 10 ha cam, bưởi… Hiện tại, anh đang hoàn tất các thủ tục để sản phẩm thanh long được dán tem đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, tìm kiếm cơ hội vào các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Thành công từ mô hình của đoàn viên Lê Đăng Hưng đã tạo điều kiện cho nhiều đoàn viên thanh niên học tập, liên kết xây dựng các mô hình vệ tinh. Anh Hưng cho biết, sẽ hỗ trợ 10% giống và hướng dẫn miễn phí về kỹ thuật, phương pháp cho đoàn viên thanh niên có nhu cầu thử nghiệm xây dựng mô hình
Ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã có hàng trăm mô hình kinh tế do đoàn viên đứng chủ trên các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Qua chia sẻ của các đoàn viên, khó khăn gặp phải chủ yếu là đầu mối bền vững để tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn còn thiếu do số tiền vay lãi suất thấp từ các tổ chức tín dụng còn chỉ phù hợp với những mô hình vừa và nhỏ… Để tiếp thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng, khâu nối với cấp ủy, chính quyền trong việc hỗ trợ về chính sách đất đai, vốn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đánh giá, tổng kết, tổ chức các diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên khởi nghiệp.Tác giả bài viết: Theo Phan Hương/hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã