Một lần phôi, ba lần thu
Sau giờ làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, thạc sĩ sinh học chuyên ngành nấm Nguyễn Lê Quốc Hùng đưa tôi tiếp cận khu nhà nấm linh chi 100m², tọa lạc tại số 351, hẻm Ngô Tất Tố, phường 8, Đà Lạt. Khi hậu cuối buổi chiều mát rượi khiến cho màu nâu đỏ của nấm linh chi Đà Lạt sắp xếp theo hàng, theo lớp ở đây đậm nét hơn. “Căn nhà nấm bao bọc lớp nylon trắng bên ngoài, cùng một lớp lưới đen bên trong để “đóng - mở” điều hòa ánh sáng, độ ẩm hàng ngày. Dưới nền đất trộn với cát, được phủ kín tấm bạt đen giữ một lượng nước xăm xắp, nhằm cô lập các loại nấm bệnh rửa trôi xuống trên giàn nấm linh chi đỏ khi tưới phun. Hàng tuần xử lý sạch mầm bệnh gây hại bằng cách dùng vôi bột khuấy đều trên mặt nước nền nhà. Cứ 100m² lắp đặt 5 kệ nấm khung sắt với chiều cao 2m, bố trí đưa vào sản xuất 10.000 bịch phôi giống, thu hoạch đến 3 đợt trong thời gian hơn 210 ngày chăm sóc…”- thạc sĩ Hùng khái quát chức năng của từng khu vực nhà nấm.
Đầu tháng 7/2016, Cơ sở sản xuất nấm linh chi Phượng Hoàng thu hoạch đợt nấm thương phẩm lần thứ 2 để cung cấp theo nhu cầu của khách hàng nhiều nơi. Trước đó 2 tháng, cơ sở đã thu hoạch đợt nấm linh chi đầu tiên và tiêu thụ hầu hết chỉ sau vài tuần phơi khô, đóng gói sản phẩm. Theo lịch thời vụ, đến tháng 8/2016, cơ sở sẽ “gặt hái” đợt nấm linh chi lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng của một chu kỳ sản xuất. Thời gian kéo dài một tháng kế tiếp, cơ sở tiến hành các biện pháp sinh học làm sạch đất, trả lại môi trường sinh thái ban đầu trước khi xuống giống bịch phôi trồng vụ nấm linh chi mới.
Ước tính kết quả chu kỳ “khai trương” trồng nấm linh chi đỏ Đà Lạt trên diện tích 100m² với 10.000 bịch phôi giống, Cơ sở Phượng Hoàng đạt tỷ lệ 95% sản phẩm loại 1 với đường kính tai nấm từ 10- 12cm, cuống nấm dài từ 3- 5cm; còn lại 5% sản phẩm loại 2 với các kích thước tương ứng nhỏ hơn hoặc do hình thái nhiều chỗ không được nguyên vẹn. Riêng màu sắc nâu đỏ đặc trưng của giống linh chi nguồn gốc hoang dã Đà Lạt đã phủ đều gần 100% sản phẩm. Với quy trình khép kín sản xuất và sấy khô sản phẩm linh chi đỏ, cơ sở Phượng Hoàng bán ra từ 1- 1,4 triệu đồng/kg, gồm 3 mặt hàng: nấm nguyên cây, nấm xắt lát mỏng và nấm dạng bột xay, sử dụng như cách pha chế trà trong ấm và hòa tan trong bình giữ nhiệt, hoặc ngâm rượu sau 7 ngày.
Hạch toán sơ bộ sau 7 tháng vụ mùa trồng nấm linh chi đỏ Đà Lạt trên diện tích 100m², Cơ sở Phượng Hoàng thu lợi nhuận tương đương khoản vốn đầu tư ban đầu, khoảng 100 triệu đồng (gồm phôi giống, giàn nấm khung sắt, vật liệu ni lông, hệ thống tưới…).
Không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu
Theo thạc sĩ sinh học Nguyễn Lê Quốc Hùng, loài nấm linh chi đỏ Đà Lạt được nhóm nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phát hiện dưới gốc cây phi lao cổ thụ trong khu biệt thự nội ô Đà Lạt trong năm 2011, sau đó bắt tay vào việc phân lập, nhân giống bằng công nghệ cấy mô. Giai đoạn kế tiếp, đưa về nguồn giống nấm linh chi đỏ Đà Lạt cho mỗi huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng trồng 3- 4 mô hình, mỗi mô hình từ 50 -100m². Trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất là những cán bộ kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (trong đó có thạc sĩ Hùng). Đến nay, qua đánh giá khoa học cho thấy, nấm linh chi đỏ gốc Đà Lạt sản xuất tại vùng đất Lâm Đồng cơ bản đạt các hàm lượng dược tính (tăng khả năng miễn dịch cơ thể, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư…) tương đương với linh chi các loại nhập về từ nhiều nước châu Á. Đặc biệt khi trồng ngay tại vùng sinh thái bản địa Đà Lạt thì linh chi đỏ càng đạt tỷ lệ cao về hoạt chất dược lý và hương vị đắng thơm khác biệt, mang về giá trị kinh tế vượt trội cho người sản xuất.
Tuy nhiên, dù là “người trong nghề”, nhưng đến đầu năm 2016, thạc sĩ Hùng mới có điều kiện xây dựng hoàn chỉnh diện tích 300m² nhà trồng nấm linh chi đỏ Đà Lạt ở đường Ngô Tất Tố, trong đó đưa vào sản xuất 100m² giai đoạn 1 với những kết quả khả quan nêu trên. Còn lại 200m², Hùng tiếp tục đặt phôi giống trồng mới trong quý 3 và quý 4 năm 2016. Phần chỉ đạo kỹ thuật do thạc sĩ Hùng đảm trách, phần thực hành sản xuất do 2 thành viên trong gia đình thường trực. “Tất cả công đoạn chăm sóc nấm linh chi đỏ Đà Lạt của Cơ sở Phượng Hoàng đều không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Toàn bộ dinh dưỡng và các chất sinh học phòng trừ bệnh hại tổng hợp đã phối trộn trong bịch giá thể phôi giống. Quá trình chăm sóc chủ yếu tưới nước cân đối qua hệ thống tự động lắng lọc, khử trùng; đồng thời áp dụng các biện pháp sinh học để luôn đảm bảo môi trường nhà nấm trong lành…”, thạc sĩ Hùng cho biết.
Cơ sở sản xuất nấm linh chi Phượng Hoàng đã được cấp chứng nhận “cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm”, và đang hoàn tất thủ tục xét cấp chứng nhận “sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP”…
Văn Việt /kinhtenongthon.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã