Từ việc nuôi vài cặp chim trĩ để ngắm chơi, sau gần 2 năm, đến nay đàn chim trĩ của anh Thiện đã lên đến 5.000 con. Đều đặn mỗi tháng, anh Thiện xuất bán 1.000 con chim trĩ thương phẩm, một năm anh lãi hơn 2 tỷ đồng.
Chỉ vào đàn chim trĩ đang đứng kín vườn cây cà phê già cỗi rộng khoảng 7.000 m2 của mình, anh Nguyễn Văn Thiện ở thị trấn Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng) chia sẻ, chim trĩ bố mẹ thì chỉ có 600 con thôi, còn lại toàn là chim nuôi thương phẩm với tổng đàn cũng lên tới 5.000 con.
Anh kể, cách đây hơn 2 năm, anh có nuôi vài đôi chim trĩ đỏ làm cảnh ngắm chơi vì chúng khá đẹp. Nuôi được một thời gian, anh nhận thấy chim trĩ dễ chăm sóc, quá trình nuôi ít mắc bệnh, thức ăn hàng ngày vô cùng đơn giản, trong khi sinh sản ổn định. Đặc biệt, quá trình nuôi anh giết thịt chim trĩ ăn thử thì thấy thơm ngon hơn cả thịt gà ta thả vườn.
Sau đó, anh tìm hiểu về thị trường chim trĩ mới hay biết, loại chim đặc sản này đang là mặt hàng được ưa chuộng, giá trên thị trường cũng rất cao. Nhiều trang trại không có đủ chim để cung cấp cho các đầu mối.
|
Từ việc nuôi thử vài cặp chim trĩ, đến nay anh Thiện đã có đàn chim trĩ 5.000 con. |
“Nhìn thấy đầu ra tốt, chim mình nuôi thử đã thành công, tôi quyết định tìm đến một đầu mối cung cấp chim trĩ giống ở Hà Nội để liên kết với họ trong quá trình gây đàn và sản xuất chim trĩ thương phẩm bán”, anh nói. Ban đầu, anh nhập 600 con chim trĩ về nuôi gây đàn chim bố mẹ sinh sản để nhận đàn.
Chim trĩ nuôi được 6 tháng tuổi bắt đầu đẻ trứng. Mỗi tuần, chúng ấp nở được trên 250 con chim trĩ con, một tháng ấp được tầm 1.000 con. Tất cả số chim này anh giữ lại nuôi gối đầu để lúc nào cũng có chim thương phẩm bán ra thị trường. Toàn bộ trứng chim trĩ đẻ ra được anh cho vào lò ấp nở rồi nuôi thành chim thương phẩm bán ra thị trường. Thỉnh thoảng có khách hỏi mua chim trĩ giống anh cũng xuất bán, song số lượng chim để nuôi thương phẩm nhiều hơn.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi chim trĩ, anh Thiện cho biết, nuôi gà có những mấy chục bệnh cần phòng ngừa, nhưng nuôi chim trĩ thì chỉ cần cảnh giác với 5 loại bệnh nên việc chăm sóc khá dễ dàng. Khó nhất là lúc nuôi úm (chim mới bóc trứng) thì khâu chăm sóc cần phải kỹ, chim phải tiêm vắc xin đầy đủ nhằm phòng tránh bệnh tật sau này.
|
Sau khi gây nuôi chim trĩ thành công, giờ đây mỗi tháng anh lãi gần 100 triệu đồng nhờ xuất bán chim thương phẩm. |
Chuồng trại cho chim ở thì cực kỳ đơn giản. Cả vườn cà phê già cỗi với diện tích 7.000 m2 của anh được anh sử dụng một phần làm lán trại cho chim trĩ ngủ buổi tối. Diện tích còn lại anh để làm sân chơi cho chim, gốc cà phê già tận dụng làm bóng mát, làm giàn cho chim bay nhảy lên chơi. Anh chọn lưới cước quây xung quanh vườn vì loại lưới này bền và giá rẻ.
Nhiều người nuôi chim trĩ cứ ra lông cổ thì bán thương phẩm, nhưng như thế thịt chim chưa ngon, ăn hơi nhão, rất mất khách. Riêng anh, để thịt chim thương phẩm khi đem bán thơm ngon, chắc thịt, anh nuôi đủ 6 tháng. Lúc đó, chim đạt trọng lượng 1,2-1,5kg/con, lông chim mọc đã đầy đủ, chim trống lông đuôi cũng tới thời điểm dài đẹp.
Gây nuôi được gần 1 năm thì đàn chim đạt số lượng đến 5.000 con. Theo đó, mỗi tháng anh đều đặn xuất bán khoảng 1.000 con chim thương phẩm ra thị trường phục vụ các nhà hàng, khách sạn . Giá xuất buôn tại chuồng là 270.000 đồng/con, chim đẹp chọn lọc bán làm chim cảnh có giá 450.000 đồng/con.
“Chim trĩ bán được giá khá ổn định, đặc biệt chim trĩ tôi nuôi lại làm được từ khâu nhân giống tới cám ăn nên chi phí giá thành giảm đi rất nhiều”, anh nói. Với giá thành hiện tại, sau khi trừ hết chi phí (tiền cám, tiền vắc xin, khấu hao chuồng trại), mỗi con chim xuất chuồng bán thương phẩm anh lãi ít nhất 100.000 đồng. Một tháng xuất chuồng 1.000 con, anh lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo anh, hiện là thời điểm chim trĩ đẻ ít vì trái mùa sinh sản nên đàn chim giữ ở mức 5.000 con. Thế nhưng, vào mùa sinh sản, chim trĩ đẻ nhiều hơn thì tiền lãi thu được tăng cao. Nếu tính số tiền thu được như những tháng này thì một năm anh lãi trên 2 tỷ đồng.
“Dự kiến, thời gian tới tôi sẽ nhân đàn lên tầm khoảng 10 vạn con, vừa làm con giống bán, vừa nuôi chim bán thương phẩm”, anh Thiện tiết lộ./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã