“Tuấn bò sát” hay “Tuấn trang trại” là những biệt danh của người dân Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ưu ái đặt cho anh Nguyễn Thanh Tuấn. Anh là người đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại ở địa phương này.
Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp
“Bản thân tôi lúc đầu khởi nghiệp rất khó khăn về vốn. Khi bước vào công việc này cũng khó khăn trăm bề, chưa nắm được quy trình về chăm sóc cũng như thị trường đầu ra cũng chưa có. Tôi đã gặp những thất bại. Tuy nhiên, nhờ những thất bại đó mình phải đứng dậy. Sau đó, cũng nhờ Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam hỗ trợ vốn vay, tôi quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi sinh học”, anh Tuấn tâm sự.
Ban đầu, anh Tuấn dành dụm mua được 16.000 m2 đất đồi, trong đó anh để 4.000 m2 nuôi kỳ nhông, kỳ đà, ba ba, cá. Phần đất còn lại, Tuấn trồng các loại vải, sầu riêng, chuối lùn, xoài, gừng...
Lấy ngắn nuôi dài, khi có thêm vốn, anh Tuấn tiếp tục tận dụng để nuôi 11.000 con kỳ nhông bố mẹ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 30.000 con giống (mỗi con giá 13.000 đồng) và gần 1 tấn kỳ nhông thương phẩm, thu lãi trên 600 triệu đồng.
Chàng kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn hiện đã lai tạo được con kỳ nhông Bình Thuận với kỳ nhông cát trắng Tam Hiệp cho ra giống kỳ nhông có năng suất cao, đáp ứng yêu cầu thả nuôi ở các địa phương khí hậu khắc nghiệt như ở miền Trung, đất Quảng. Anh cũng đang đảm nhận tiêu thụ sản phẩm và cung cấp con giống đến các hộ nuôi kỳ nhông trong tỉnh và các địa phương khác như An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế…
Bên trong trang trại của Tuấn có riêng một khu vực có xây thành cao hơn được chia ra làm nhiều ô, đây là nơi Tuấn đang nuôi 30 con kỳ đà bố mẹ có nguồn gốc Đồng Tháp và khoảng 70 con kỳ đà giống. Trong trang trại còn có một ao nuôi ba ba và cá có diện tích hơn 1.000 m2, nuôi 1.000 ba ba bố mẹ và 3.000 ba ba con, gần 5.000 con cá rô phi, điêu hồng, chép lai.
Ngoài ra trong trang trại của anh còn có 500 heo công nghiệp, 500 gà Đông Tảo, 1.500 con vịt trời.
Đưa trí thức tham gia vào nông nghiệp
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam nhận định: “Chúng tôi đánh giá rất cao lực lượng trí thức tham gia vào nông nghiệp. Phải càng nhiều trí thức tham gia vào nông nghiệp thì may ra mới thay đổi được kết quả và cách làm nông nghiệp trong thời đại mới”.
Theo anh Tuấn, việc từng học ngành CNTT đã giúp anh tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi từ sách báo nước ngoài, trên mạng internet dễ dàng rồi áp dụng chăm sóc vật nuôi, cây trồng của mình. Ví dụ, với mô hình nuôi vịt trời hơn 1.500 con, theo anh Tuấn đây là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng khá cao, ít khi bị nhiễm bệnh lại có diện tích lớn trang trại thả. Tuy nhiên, để vịt phát triển tốt anh vẫn xây một chuồng trại rộng rãi, bảo đảm vệ sinh tập trung, có ao tắm mát.
Về mô hình nuôi gà Đông Tảo, đây là loại gà dễ nuôi, sức đề kháng tốt hơn gà ta bình thường lại được bán với giá rất cao, đang được khách hàng ưu chuộng nên anh Tuấn nuôi nhiều loại như gà giống, gà lấy thịt, gà để làm cảnh…Với gà giống 1 tuần tuổi được bán với giá 200 nghìn đồng/con, gà thương phẩm được bán 200 nghìn đồng/kg. Mỗi năm mô hình này cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, từ năm 2015, anh Tuấn đã nghiên cứu mở rộng sản xuất trong trang trại theo hướng hữu cơ. “Hiện nay nhu cầu của các hộ gia đình trên địa bàn là muốn dùng những thực phẩm tốt cho sức khỏe, vì vậy tôi quyết định nghiên cứu các sản phẩm hạn chế mầm bệnh cũng như tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Hiện, anh Tuấn đã mở rộng trang trại với quy mô hơn 30.000 m2, trong đó có 15.000 m2 trồng rau sạch theo hướng thủy canh, áp dụng hệ thống tưới mở rộng. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi trong trang trại, anh Tuấn còn canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thức ăn công nghiệp, phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Sản phẩm đầu ra của trang trại đã được 50 kênh vận chuyển và mang tiêu thụ.
Với những thành tích đạt được trong những năm qua, anh Nguyễn Thanh Tuấn đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng, như: Giải thưởng Lương Định Của năm 2010; Giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam tiêu biểu năm 2011 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng, Giải thưởng “Trang trại vàng” Việt Nam do Báo Nông nghiệp Việt Nam tặng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Bằng chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu làm theo lời Bác” năm 2010.
Tuấn cho biết anh vẫn chưa hài lòng với hiện tại. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình bằng cách hướng dẫn cho nhiều hộ dân cùng làm trang trại như mình để họ không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.
Phương Liên/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã